Một câu chuyện kỳ lạ xảy ra tại địa bàn xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh đang gây xôn xao dư luận. Mảnh vườn của một gia đình sử dụng từ năm 1998 cho đến nay nhưng bất ngờ nằm trong giấy chứng nhận sử dụng đất của một người khác.
Lộn xộn tranh chấp từ người em trai “cùng mẹ khác cha”
Vào năm 1998, bà Lê Thị Rạnh được dòng tộc tương phân một phần đất ngang 3 mét, dài 25 mét tính từ tim đường tỉnh lộ 15 theo tờ tương phân lập ngày 05/04/1998. Cho đến năm 1999, bà Lê Thị Liên, người cũng được chia phần đất tương tự, là chị em ruột với bà Rạnh đã tiến hành bán toàn bộ phần đất mình được chia trong tờ tương phân đó. Vì phần bề ngang chỉ có 3 mét không đủ làm nhà, nên lúc này, bà Rạnh cũng có tham gia cùng bán một phần nhỏ đất của mình gồm 1 mét chiều ngang và 25 mét chiều dài, tổng cộng đất bán ra của hai chị em là phần đất ngang 4 mét, dài 25 mét. Thế nhưng, khi được phân chia đất, đất của hai chị em lại không nằm liền kề với nhau, nên bà Rạnh đã thống nhất với ông Lê Kim Sơn (người em cùng mẹ khác cha có tên trong tờ tương phân) rằng ông Sơn lùi sang 1 mét về phần đất của bà Rạnh để đủ 4 mét chiều ngang và 25 mét chiều dài bán ra.
Phần đất còn lại đã được gia đình bà Rạnh gìn giữ và sử dụng từ thời điểm đó cho đến nay. Bên cạnh đó, tại phần đất được nhắc đến, gia đình bà Rạnh đã tiến hành trồng trọt nhiều loại cây lâu năm, xây dựng sàn nước sử dụng,mở cửa sổ, làm mái che. Hàng ngày, có nhiều người dân buôn bán cũng được gia đình cho thuê mượn đất để sử dụng đã từ rất lâu.
Những tưởng câu chuyện sẽ chỉ có vậy, thế nhưng bất ngờ đến năm 2013 ông Lê Kim Sơn đã yêu cầu gia đình bà Rạnh chặt bỏ cây cối trồng trên đất để dọn dẹp trả đất lại cho ông, đồng thời tiến hành tranh chấp phần đất còn lại của gia đình bà Rạnh vì ông có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứng minh phần đất trên thuộc về ông (theo chứng nhận QSDĐ số 2362/QSDĐ/HTH tờ bản đồ số 3 thửa số 1674 và 1675), mặc dù từ năm 1998 đến nay gia đình ông Sơn chưa bao giờ liên quan cũng như sử dụng mảnh đất trên. Ông Sơn đã liên tục đâm đơn kiện bà Rạnh mãi cho đến 2019, nhưng toà án đã đình chỉ vụ án dân sự này vì không đủ chứng cứ để buộc nhà bà Rạnh phải đóng cửa sổ, cắt mái tôn, và chặt bỏ cây cối.
Những lùm xụm kiện tụng vô tình đã làm sứt mẻ tình cảm gia đình, cũng như làm trì trệ việc sản xuất thu hoạch cây ăn quả lâu năm do chính tay mẹ con bà Rạnh chăm bón hơn hai mươi năm nay.
Gia đình ông Trương Duy Khánh đang đứng ngay phần đất tranh chấp với ông Lê Kim Sơn (ảnh: P.V)
Những khúc mắc trong cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người đàn ông tên Sơn
Từ câu chuyện trên, lại dẫn đến một câu chuyện khó hiểu trong thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Lê Kim Sơn, để từ đó người đàn ông này sử dụng giấy tờ để tranh chấp đất với các chị em cùng mẹ khác cha của mình suốt từ năm 2013 đến nay.
“Qua tìm hiểu nguồn gốc theo tôi đã có sự nhằm lẫn khi phần đất mẹ tôi được dòng tộc tương phân lại cấp cho ông Lê Kim Sơn theo giấy tay mua bán giữa ông Lê Kim Sơn với bà Lê Thị Hường (đã chết) ở một vị trí khác, vì cho rằng giấy tay này do ông Lê Kim Sơn giả mạo nên các con của bà Hường là ông Nguyễn Văn Mang và Nguyễn Văn Quan đã làm đơn khiếu nại lên chính quyền các cấp từ UBND xã Tân Thạnh Đông huyện Củ Chi đến thanh tra huyện Củ Chi về giấy tay mua bán giả mạo đề ngày 14/9/1996 và sự việc này đã được thanh tra huyện Củ Chi làm việc với con bà Lê Thị Hường (đã chết) là ông Nguyễn Văn Quan, ông Nguyễn Văn Mang và những người liên quan, tất cả đều cho rằng tờ giấy tay này là do ông Lê Kim Sơn giả mạo.” - Anh Trương Duy Khánh, con trai bà Rạnh cho biết.
Cũng từ sau những kiện tụng đó, phía UBND huyện Củ Chi cũng đã tiến hành thanh tra và đưa ra quyết định 2890/QĐ-UBND. Trong đó, UBND huyện Củ Chi đã chỉ ra rằng: “Kiểm tra thành phần hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2362 QSDĐ/HTH ngày 03/10/2000 của ông Lê Kim Sơn. Nhận thấy hồ sơ cấp giấy không được UBND xã Tân Thạnh Đông thông qua hội đồng đăng ký đất đai tại xã và không được thực hiện việc niêm yết công khai tại xã theo qui định.” Dẫn đến năm 2012 ông Lê Kim Sơn lập thủ tục xin cấp đổi giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở 258m2 và được UBND huyện Củ Chi cấp đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH05828 ngày 12/11/2012 diện tích 1.289,1m2 (Có 300m2 đất ở) thuộc thửa 169, tờ bản đồ 35 (tài liệu bản đồ số bộ địa chính xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi”. Những hành động trên của UBND xã Tân Thạnh Đông liệu có đúng hay không?
Trước những tình tiết quá sức bất ngờ, anh Trương Duy Khánh đã không thể giấu nỗi cảm xúc: “Qua những sự việc nêu trên tôi khẳng định phần đất này là của gia đình tôi, việc cấp nhầm cho ông Lê Kim Sơn là sai quy định cho nên tôi mong muốn làm rõ một số điều. Thứ nhất là có hay không việc mua bán giấy tay giữa ông Lê Kim Sơn với gia đình bà Lê Thị Hường dẫn đến việc cấp nhầm phần đất của gia đình tôi vào Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Lê Kim Sơn (trong khi đó hai phần đất này là hai vị trí khác nhau). Thứ hai là căn cứ vào đâu mà phần đất của mẹ tôi được tương phân lại được cấp chung vào sổ ông Lê Kim Sơn?”
Trao đổi với phóng viên Kinh tế Nông thôn vào ngày 22/02/2021 đại diện UBND huyện Củ Chi cũng trả lời có sự việc tranh chấp giữa ông Nguyễn Văn Quang, ông Nguyễn Văn Mang với ông Lê Kim Sơn và quyết định số 2890/QĐND đã có hiệu lực pháp luật. Còn sự việc ngày 01/06/2020, ông Trương Duy Khánh (con của bà Lê Thị Rạnh) có đơn tranh chấp quyền sử dụng đất với ông Lê Kim Sơn gửi UBND xã Tân Thạnh Đông, vụ việc được UBND xã Tân Thạnh Đông tổ chức hòa giải vào ngày 16/07/2020. Kết quả hòa giải không thành nên ngày 17/07/2020 UBND xã Tân Thạnh Đông ban hành Thông báo số 1090/TB-UBND ngày 17/07/020 về kết quả giải truyết tranh chấp đất giữa ông Trương Duy Khánh với ông Lê Kim Sơn, đề nghị các ông khởi kiện đến Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền. Đến ngày 03/03/2021 Thanh tra huyện Củ Chi có buổi làm việc với anh Trương Duy Khánh và người được ủy quyền của bà Lê Thị Rạnh. Thanh tra huyện có trao đổi giải thích một số nội dung phản ánh của ông liên quan đến việc thực hiện Quyết định số 2890/QĐ-UBND ngày 27/04/2015 của UBND huyện Củ Chi. Còn về việc ông Khánh có nêu nội dung ông Khánh nắm thông tin sẽ tiến hành cưỡng chế thực hiện việc đo đạc cắm ranh để thực hiện Quyết định số 2890/QĐ-UBND đối với phần đất đang tranh chấp thì Thanh tra huyện ghi nhận và sẽ làm việc với các đơn vị có liên quan về vấn đề này và sẽ có báo cáo Chủ tịch UBND xem xét. |
Qua sự việc trên cho chúng ta thấy ngay từ ban đầu đã cảm nhận được sự tắc trách và chậm chạp của các cơ quan ban ngành ở địa phương, là nguồn cơn để sự việc đã xảy ra kiện tụng quá lâu và câu trả lời người nông dân nhận được vẫn cứ là chờ và đang xem xét... Phải chăng có sự uẩn khúc nào mà các cấp chính quyền địa phương và những cá nhân có liên quan không thể nói được?
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc trong những số tiếp theo.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.