Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 21/10 tới, cử tri ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn diện về kinh tế - xã hội của đất nước...
Song vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn, lo lắng như: Tác động của chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn; kỷ cương, kỷ luật hành chính chuyển biến còn chậm; quan liêu, tham nhũng, lãng phí mới được ngăn chặn ở mức độ nhất định; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long…
Ủng hộ chống tham nhũng
Cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, thực trạng về tham nhũng, lãng phí hiện nay vẫn đang nhức nhối trong xã hội. Nhân dân rất chia sẻ, ủng hộ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khi quyết tâm rất cao trong cuộc chiến chống giặc nội xâm đang trở thành cao trào, mạnh mẽ.
Mặc dù bước đầu đã thu được kết quả tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ, song vẫn còn nhiều việc phải làm bởi các giải pháp vừa qua vẫn chưa đủ sức răn đe, hành vi tham nhũng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, việc thu hồi tài sản bất minh còn hạn chế. Do đó, cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước cần có giải pháp mạnh tay và kiên quyết hơn nữa.
“Để công cuộc phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả, trước hết phải có một bộ máy trong sạch, đặc biệt đội ngũ cán bộ chống tham nhũng phải sạch, trong sáng, chí công vô tư. Phải xử lý nghiêm những cán bộ để xảy ra tham nhũng và tham nhũng. Khi xử lý xong phải tịch thu tài sản của họ sung vào công quỹ, không để tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” và kiên quyết không sử dụng những cán bộ có tư tưởng vụ lợi, tham nhũng vào đội ngũ lãnh đạo các cấp”, cử tri Hảo kiến nghị.
Theo cử tri Nguyễn Văn Khiêm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội): Bên cạnh kết quả tích cực thời gian qua, ông Nguyễn Văn Khiêm cho rằng, nhiều nghị định dưới luật còn chậm ra đời, nhiều văn bản quy định chưa hợp lý; nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em; hay sự cố nước sông Đà có mùi dầu, mùi khét ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người dân; bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, rườm rà, một bộ phận không nhỏ công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về…
Xây dựng bộ tiêu chí “nông thôn mới hiện đại”
Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 45 về sự phát triển của Hải Phòng đến năm 2030. Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa để Nghị quyết thành hiện thực.
“Cử tri Hải Phòng rất phấn khởi trước những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2019, có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á”, ông Trần Văn San nói. Ông đề nghị Thủ tướng, các đại biểu Quốc hội và TP. Hải Phòng ủng hộ để Thủy Nguyên phấn đấu xây dựng huyện lên thẳng thành phố trực thuộc Hải Phòng.
Phản ánh về vấn đề xây dựng nông thôn mới, cử tri Đồng Xuân Tùng (Thủy Nguyên - TP. Hải Phòng) bày tỏ, Chính phủ đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ông Tùng kiến nghị, Chính phủ nên tiếp tục xây dựng Bộ tiêu chí “nông thôn mới hiện đại”, có cơ chế, chính sách giúp các địa phương và người dân tích cực thực hiện chương trình.
Cần có giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp
Liên quan đến vấn đề sản xuất nông nghiệp, cử tri Phan Văn Hiệp (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, Long An) phản ánh tình trạng giá cả vật tư nông nghiệp, nông sản bấp bênh, đầu ra khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Cử tri kiến nghị nhà nước có giải pháp hỗ trợ người dân ổn định sản xuất, tìm kiếm đầu ra ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá…
Bên cạnh đó, cử tri Long An còn gửi đến các đại biểu Quốc hội và chính quyền các cấp nhiều kiến nghị về phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, mở rộng Quốc lộ N2; hỗ trợ vốn tính dụng ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…
Ông Đặng Văn Trường (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) kiến nghị, trong sản xuất nông nghiệp, thuốc trừ sâu, giá vật tư nông nghiệp càng ngày càng cao còn nông sản làm ra thì giá lại thấp. Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất nông nghiệp bán thuốc BVTV giả, gây bức xúc cho nông dân. Đề nghị Quốc hội xem xét để làm sao xử lý dứt điểm tình trạng này cho bà con yên tâm sản xuất”.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm (ấp Hiếu Hiệp, xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), thời gian qua, nông dân rất vất vả để làm ra được sản phẩm nhưng lại không được quyền định giá bán mà do là doanh nghiệp hoặc là tư nhân đưa ra giá, cho nên bà con rất thiệt thòi. “Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nên có chính sách trợ giá cho nông dân để bà con yên tâm lao động sản xuất”, ông Liêm nói.
Quyết liệt xử lý gian lận thi cử ở Hà Giang
Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, cho biết, vừa qua người dân quan tâm nhiều đến vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, nhất là sau khi có kết quả kiểm điểm.
“Người dân cho biết không đồng tình vì Hà Giang xử lý chưa đúng đối tượng, có hiện tượng né trách nhiệm tương đối rõ”, ông Phúc nói và đề nghị tỉnh này phải xử lý làm sao để dân “tâm phục khẩu phục”.
Đọc báo cáo trước đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri của 8 địa phương tại kỳ họp thứ 6 và 20 địa phương tại kỳ họp thứ 7 kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Theo Trưởng ban Dân nguyện, người dân cũng băn khoăn những kỳ thi trước có xảy ra sai sót nào hay không vì việc chấm thi THPT quốc gia bằng phần mềm bắt đầu từ năm 2016. “Cử tri mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, xử lý những vi phạm tại kỳ thi 2018 nếu có, để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật”, bà Hải nói.
Cử tri mong siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính
Trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, cử tri, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn diện về kinh tế, xã hội của đất nước; phấn khởi, tin tưởng và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, tăng cường kiểm soát quyền lực, nhất là trong công tác cán bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”.
Cử tri cho rằng, Quốc hội có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật; hoạt động chất vấn, giải trình có bước tiến rõ rệt, nâng cao tính dân chủ và phản ánh sát thực hơn ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; công nghệ thông tin được áp dụng góp phần cải tiến quy trình, thủ tục và hiệu quả các phiên họp Quốc hội. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, điều hành sâu sát và tập trung giải quyết nhiều vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đã có nhiều nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho biết vẫn còn nhiều vấn đề cử tri, nhân dân băn khoăn, lo lắng như tác động của chiến tranh thương mại giữa một số nước lớn; những diễn biến phức tạp ở Biển Đông vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; kỷ cương, kỷ luật hành chính chuyển biến còn chậm;…
Trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, cử tri đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát; xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, lót tay, vòi vĩnh gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công; thực hiện phân cấp, giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu…
Trong vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương có phương án cụ thể khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, khu đông dân cư; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở trực tiếp xả chất thải gây ô nhiễm ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để người dân chủ động phòng tránh.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng và các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực đất đai; thực hiện công khai, minh bạch các dự án đầu tư bất động sản, kịp thời rà soát, xử lý đối với các dự án đã giao nhưng không thực hiện hoặc sử dụng không đúng mục đích…
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.