Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2019 | 14:34

Cuộc đua thương mại điện tử bắt đầu nóng ở nông thôn

Thương mại điện tử (TMĐT) tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội là thế, nhưng để khai thác triệt để, tạo đà phát triển nhanh và mạnh thì cần đáp ứng nhiều điều kiện.

da-bt.jpg

Trên thực tế, các đơn vị kinh doanh mảng TMĐT không sớm thì muộn cần phải thúc đẩy hoạt động, vươn cánh tay đến khu vực nông thôn để chạm tới mục tiêu tăng trưởng mới, khi mà sự phát triển tại khu vực thành thị tới mức giới hạn hoặc sự cạnh tranh quá lớn, thị trường trở nên bão hòa.

Sớm hoàn thiện cơ sở nền tảng

Mới đây, tại Hội thảo “Đưa TMĐT về nông thôn - Làng dừa Bến Tre online”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho biết, qua khảo sát, hầu hết người dân ở Bến Tre đang sản xuất và kinh doanh theo kiểu truyền thống. Nhiều người có biết đến TMĐT, muốn tham gia nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Đây cũng là bức tranh chung của làng nghề Việt Nam.

“Khi đến với Bến Tre, chúng tôi thấy có  nhiều sản phẩm từ dừa của Bến Tre mà thị trường Việt Nam chưa được phổ biến rộng rãi”, ông  Dũng nói. Tới đây, Bến Tre là khu vực đầu tiên mà Hiệp hội TMĐT Việt Nam và Lazada chọn để thực hiện dự án “Làng nghề đặc sản online”. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều việc phải làm để lan tỏa cũng như duy trì, đưa sản phẩm đặc sản của xứ Dừa lên sàn TMĐT.

Việc cần làm trước mắt là hoàn thiện nền tảng TMĐT, ở đây là hệ thống internet, website bán hàng, dịch vụ giao nhận, thanh toán… Chỉ khi giải quyết được những cản trở, khó khăn trong các khâu này, TMĐT nông thôn sẽ “băng băng” mà tiến xứng với tiềm năng hiện có.

Với những nền tảng và lợi thế riêng, có thể nói, thị trường TMĐT nông thôn đang ở dạng tiềm năng và nằm chờ cơ hội bùng nổ mạnh mẽ. Theo chia sẻ của ông Trần Trọng Tuyến, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ DKT (đơn vị cung cấp giải pháp bán hàng online toàn diện Bizweb): “Ở khu vực nông thôn hiện nay có nhiều lợi thế do hạ tầng internet, 3G đã rất phổ biến, đặc biệt số lượng người sử dụng Smartphone tăng rất nhanh dẫn đến có một lực lượng tiềm năng  người dùng trẻ tuổi đang tiếp cận nhanh chóng với TMĐT. Đây chính là lực lượng sẽ làm cho TMĐT ở khu vực nông thôn có sự khởi sắc rõ rệt”.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách-Cục  TMĐT và Kinh tế số, cho biết: Hiện TMĐT không chỉ là phương thức mua sắm quen thuộc của người dân thành thị mà còn gần gũi với cả người tiêu dùng khu vực nông thôn. Tuy nhiên, ở các địa phương, đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều khoảng trống. Ngay cả với những địa phương có đủ điều kiện để thúc đẩy TMĐT thì thị trường này chưa thực sự phát triển.

Tạo thói quen mua sắm

Sự bùng nổ của TMĐT trong những năm gần đây đã và đang tạo thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, đồng thời các doanh nghiệp cũng thông qua các sàn TMĐT để mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2018 đạt 130 tỷ USD, trong đó TMĐT chiếm khoảng 4 tỷ USD, tương đương khoảng 3%.

Các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada và Tiki… đã hút lượng lớn doanh nghiệp và người tiêu dùng khiến thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam sôi động.

Đơn cử,  tại Shopee hiện có hơn 700 thương hiệu hàng đầu và nhà bán hàng trong và ngoài nước hoạt động. Không chỉ các thương hiệu lớn trên thế giới hợp tác với Shopee mà hiện trong nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng đang ngày càng mở rộng quy mô cũng như đa dạng hóa các sản phẩm để bán hàng trên sàn TMĐT này.

Việc tiếp cận và tận dụng sức mạnh của TMĐT thông qua các sàn giao dịch lớn và uy tín là cách tốt nhất để vừa quảng bá sản phẩm, vừa thúc đẩy doanh số bán hàng và gây dựng thương hiệu. Cách làm này giúp doanh nghiệp tiết kiệm khá nhiều thời gian, công sức, chi phí. Dự báo trong năm 2019 sẽ có ngày càng nhiều DNNVV tham gia sàn TMĐT.

TS. Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng, công nghệ ngày nay cũng đang marketing cho ngành nông nghiệp mạnh mẽ qua việc sử dụng TMĐT. Nhìn sang quốc gia đang trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, có thể thấy nền nông nghiệp của Trung Quốc phát triển nhanh là nhờ công nghệ cao và TMĐT được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nông nghiệp của nước này.

Mặc dù còn nhiều hạn chế như tỷ lệ nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (chỉ có gần 5% số doanh nghiệp nông lâm thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương), nhưng với sự thay đổi tích cực của khu vực và thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản. Theo chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam, trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam sẽ là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới và là trung tâm logistics của nông sản toàn cầu.

Đưa nông sản lên sàn TMĐT

Hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển TMĐT, song việc khai thác tiềm năng của khu vực nông thôn không phải là điều dễ dàng, không chỉ biến người dân khu vực nông thôn thành chủ thể mua sắm trên các sàn TMĐT mà cuộc cách mạng kinh tế số còn giúp người nông dân đưa các sản phẩm của mình thành hàng hóa trên sàn TMĐT.

Là  nước xuất khẩu gạo, chè, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá với sản lượng lớn nhất nhì thế giới nhưng những sản phẩm nông sản Việt lại ít tạo nên dấu ấn với người tiêu dùng thế giới vì không có tên tuổi hoặc khả năng cạnh tranh  kém. Số liệu thống kê của Cục Sở hữu nông nghiệp cho thấy, có đến 80% hàng nông sản của Việt Nam bán ra thị trường quốc tế phải “đội lốt” doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản đang trở thành yếu tố sống còn trên con đường đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp. Trong đó, việc đem những thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 để ứng dụng vào nông nghiệp là việc làm cấp thiết và quan trọng.

Không bằng lòng đứng ngoài cuộc chơi của cách mạng 4.0, Công ty cổ phần Kết nối Thanh toán toàn cầu (GPC) đã kết hợp với Công ty GATDI (Hồ ng Kông - Trung Quốc) triển khai hệ sinh thái của dự án quốc tế “Nông nghiệp sạch toàn cầu – GCA” dưới hình thức sàn TMĐT dành cho nông sản Việt với tên gọi Gcaeco.vn.

Gcaeco.vn có thể cho phép người mua người bán kết nối, giao dịch trực tiếp với nhau dễ dàng và an toàn. Người mua hàng chỉ cần truy cập Gcaeco.vn hoặc tải ứng dụng Gcaeco về smartphone của mình, đăng ký tài khoản miễn phí rồi nhập tên sản phẩm cần mua, các tính năng của sàn TMĐT sẽ giúp khách hàng chọn lựa các loại sản phẩm theo đúng tiêu chí bạn mong muốn.

Mọi khách hàng của Gcaeco.vn đều có thể đăng ký tham gia mở thẻ thành viên với các hạng mức đã được quy định sẵn để hưởng vô vàn những ưu đãi hấp dẫn nhờ tính năng mua hàng tích điểm. Việc sở hữu thẻ thành viên còn cho phép thanh toán mọi giao dịch chỉ với một chạm bằng cách quét mã QR – code, đó là cách tiết kiệm tối đa về thời gian và chi phí phát sinh so với giao dịch bằng tiền mặt hoặc qua các hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng công nghệ Blockchain do Gcaeco.vn cung cấp sẽ giải quyết được bài toán nâng tầm giá trị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Với những ưu thế trên, sàn TMĐT Gcaeco định hình sẽ là trang TMĐT chuyên biệt cho chuỗi cung ứng nông nghiệp có số lượng người tham gia đăng bán và số thành viên thân thiết hàng đầu Việt Nam trong kế hoạch tổng thể trở thành Sở giao dịch, là trung tâm kết nối giao thương và xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm- thủy- hải sản cũng như thực phẩm của Việt Nam vươn ra toàn thế giới.

Theo TS. Đoàn Duy Khương, việc xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp cùng với áp dụng công nghệ cao, công nghệ bán hàng qua mạng và TMĐT sẽ tạo giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị của sản phẩm, góp phần phát triển nền nông nghiệp thông minh của quốc gia và thực hiện tốt chiến lược của Chính phủ trong thời đại hội nhập kinh tế và khoa học công nghệ 4.0.

Để xây dựng nền nông nghiệp thông minh cho Việt Nam, có  nhiều công việc cần phải đầu tư và phát triển. Sự phát triển mạng internet và công nghệ IoT (“internet của vật dụng” sẽ giúp cho nhà nông tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp thông qua TMĐT.

 

Bài 3: Đâu là cơ chế bảo vệ người tiêu dùng?

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top