Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 3 năm 2016 | 1:44

Đà Nẵng 3 năm liên tiếp dẫn đầu PCI

Ngày 31/3/2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng giữ vững vị trí ngôi đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ghi nhận lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số này được công bố.

TP.Hồ Chí Minh bật khỏi top 5, nhường chỗ cho Đồng Tháp, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai. Hà Nội vẫn nhạt nhòa ở vị trí thứ 24.

Theo đánh giá của VCCI, việc trung tâm hành chính tập trung của Đà Nẵng đi vào hoạt động từ tháng 9/2014 đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức.

Đa số các chỉ tiêu đo lường chi phí thời gian và hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính của Đà Nẵng đều cải thiện. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký” tăng từ 67% năm ngoái lên 70%, tỷ lệ đánh giá “cán bộ công chức làm việc hiệu quả” cũng tăng từ 71% năm ngoái lên 76%.

Một phần của báo cáo PCI 2015.

Sau Đà Nẵng là Đồng Tháp (66,39 điểm) và Quảng Ninh (65,75 điểm), những tỉnh đứng đầu của bảng xếp hạng với nhiều sáng kiến cải cách trong cải cách hành chính như tinh gọn bộ máy, công khai, minh bạch trong đánh giá và lựa chọn cán bộ. Hai địa phương có chất lượng điều hành rất tốt của PCI 2015 lần lượt là Vĩnh Phúc (62,56 điểm) và Lào Cai (62,32 điểm).

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khảo sát PCI năm nay ghi nhận những cải thiện ở lĩnh vực gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chi phí thời gian. Đáng ghi nhận là, thời gian đăng ký và cấp giấy đăng ký doanh nghiệp (DN) đã được rút ngắn ở mức kỷ lục trong vòng 11 năm điều tra PCI. Hiện, kể cả thời gian chuẩn bị hồ sơ, đi lại, một DN trung bình chỉ mất 8 ngày để có giấy chứng nhận đăng ký DN trong tay, thay vì 10 – 12 ngày như trước.

Năm 2015 cũng đánh dấu những cải thiện trong công tác cải cách thủ tục hành chính với nhiều DN nhỏ ghi nhận thủ tục, giấy tờ đơn giản hơn (51%), DN không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký (61%), cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả (67%) và thân thiện, nhiệt tình (59%).

Đặc biệt, các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế cũng được ghi nhận rõ nét. Hiện nay, thời gian thanh tra thuế đã giảm đáng kể từ 8 giờ xuống còn 4,5 giờ đối với trung bình một cuộc thanh tra, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

“Rất nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo để từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ví như Quảng Ninh đã thành lập trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc tỉnh, nhiều dự án đầu tư, thay vì phải trình qua nhiều sở, ngành theo đúng thủ tục, nay có thể được thông qua bởi người đứng đầu tỉnh. Hay như Tuyên Quang, qua những buổi gặp không chính thức với DN với mô hình càphê – DN, lãnh đạo tỉnh đã kịp thời lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư, để từ đó khắc phục những hạn chế. Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho thấy các địa phương đã thực sự quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Lộc nói.

Điều tra PCI 2015 cũng cho thấy một vài xu hướng đáng lo ngại khi các nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cũng như tạo ra sân chơi bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân chưa phát huy hiệu quả. Tỷ lệ DN cho biết, chi trả chi phí không chính thức tăng qua các năm, từ 50% (2013) lên 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% DN tham gia điều tra cho biết, các khoản chi cho riêng mục này chiếm hơn 10% tổng doanh thu của họ. Vẫn có tới 65% DN cho biết, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến; 39% DN cho biết “tỉnh vẫn ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của nhà nước, gây khó khăn cho DN”; gần 49% DN cho rằng “tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước”.

Theo đơn vị khảo sát, lần đầu tiên kể từ khi báo cáo PCI ra mắt năm 2005, số lượng DN tham gia phản hồi vượt qua ngưỡng 10.000. Nếu tính thêm 1.584 DN FDI, tổng phản hồi điều tra lên tới hơn 11.700 DN, con số cao kỉ lục trong lịch sử điều tra PCI.

PCI ra đời với vai trò là tiếng nói đại diện cho nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh Việt Nam, truyền tải một cách trực tiếp và mạnh mẽ tới các nhà hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương.

Đến nay, PCI đã trở thành công cụ hỗ trợ quan trọng để quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong khi đó, các lãnh đạo các địa phương sử dụng PCI làm thước đo thành công của các chương trình cải cách về điều hành kinh tế. Chỉ số này cũng được các đại biểu Quốc hội và hiệp hội doanh nghiệp sử dụng để giám sát hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cấp địa phương.

Anh Thơ

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Lai Châu: Đưa cây sâm trở thành sản phẩm thương hiệu quốc gia

    Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng sâm đạt khoảng 3.000ha, sản lượng khoảng 30 tấn/năm; đến năm 2035, trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Vừa qua, trong khuông khổ của Hội chợ Nông nghiệp Mekong Agri Expo 2024 ở Đồng Tháp, tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là một hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

  • Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre cần khai thác tiềm năng tín chỉ carbon từ cây dừa

    Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000 ha, với diện tích này, tỉnh có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2. Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO₂, có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nơi đây.

Top