Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 6 năm 2019 | 10:55

Đại biểu và cử tri sẽ giám sát lời hứa của các Bộ trưởng

Hôm nay (14/6), Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ bế mạc. Các đại biểu đánh giá cao phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi, thẳng thắn và dân chủ. Các Bộ trưởng trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, giải đáp được nhiều vấn đề nóng mà xã hội  quan tâm.

tr9.jpg
Hơn 91% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

 

Điểm đặc biệt tại phiên chất vấn của kỳ họp này, Văn phòng Quốc hội đã áp dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo, trí tuệ thông minh, giúp cho việc điều hành chất vấn của chủ tọa hiệu quả, chất lượng.

Dự án quan trọng quốc gia có mức vốn 10.000 tỷ đồng

Một trong những dự thảo luật quan trọng mà Quốc hội đã thông qua là Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo kết quả phiếu xin ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 6 chương, 101 Điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

Theo đó, tại Điều 7 về Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia: Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí dưới đây:

Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên;

Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: a) Nhà máy điện hạt nhân; b) sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000ha trở lên;

Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500ha trở lên;

Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;

Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sau khi bị lùi từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 này cũng sẽ được chuyển sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2020), trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2020).

 

Ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo trong chất vấn

Điểm đổi mới đáng chú ý nhất trong kỳ họp này là Quốc hội thí điểm ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong việc cung cấp thông tin cho đại biểu như: Tra cứu hệ thống pháp luật quốc tế liên quan đến một dự án luật mà Quốc hội đang xem xét, quá trình xây dựng quy định về lĩnh vực đó. Việc thăm dò ý kiến của ĐBQH cũng được thực hiện qua thông tin điện tử.

Việc triển khai phần mềm hỗ trợ giúp các vị ĐBQH không cần phải mang theo tài liệu bản giấy, mọi tài liệu cần thiết đều có thể tra cứu trên smartphone hoặc thiết bị di động khác.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại phiên chất vấn của kỳ họp này, Văn phòng Quốc hội đã áp dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo, trí tuệ thông minh. Phần mềm này giúp cho việc điều hành chất vấn của chủ tọa hiệu quả, chất lượng. Theo ông Phúc, phần mềm trí tuệ nhân tạo xử lý lập tức tiếng nói, câu hỏi của đại biểu, câu trả lời của các thành viên Chính phủ sang văn bản một cách chính xác tuyệt đối. Với ứng dụng này, phần trả lời của các thành viên Chính phủ được chạy chữ trên mặt bàn của chủ tọa, giúp chủ tọa kiểm soát được. Trong trường hợp, người trả lời mà trả lời thiếu ý của đại biểu, chủ tọa nhắc luôn. Vì vậy, việc áp dụng phần mềm này rất tốt”.

Sẽ giám sát lời hứa của các Bộ trưởng

Trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, 230 lượt đại biểu đã tham gia chất vấn và tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Các đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tập trung đi thẳng vào các vấn đề chất vấn. Nhiều đại biểu Quốc hội đã tranh luận, làm rõ thêm vấn đề quan tâm, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có những giải pháp phù hợp để khắc phục.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn thẳng vào những vấn đề được hỏi, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đánh giá các Bộ trưởng cũng như các thành viên Chính phủ tham gia chất vấn đều trả lời rõ, gọn, khá tập trung vào vấn đề được hỏi, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp. Mặc dù một số thành viên trả lời chưa gọn, giải pháp đưa ra cũng chưa cụ thể, song ông Thắng cho rằng, điều đó khó tránh khỏi vì trong một thời gian nhất định, Bộ trưởng phải trả lời về nhiều vấn đề mà đại biểu, cử tri quan tâm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) hài lòng với nội dung trả lời của các Bộ trưởng. Tuy nhiên, phần trả lời của các Bộ trưởng đối với một số ý kiến của những đại biểu khác, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, còn chưa đúng trọng tâm.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, hoạt động chất vấn là kiểm tra năng lực của các “tư lệnh ngành” trong nắm bắt, quản lý lĩnh vực được phân công và đưa ra các giải pháp để xử lý, giải quyết những vấn đề nóng mà đại biểu nêu. Nhưng việc thực các cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tạo ra chuyển biến đúng như cam kết của các Bộ trưởng mới là việc đại biểu, cử tri quan tâm, mong đợi, đại biểu nhấn mạnh.

“Đề ra các giải pháp như vậy, đại biểu và cử tri hài lòng nhưng làm có đúng như vậy không, thực thi nhiệm vụ có đúng như vậy không là vô cùng quan trọng, đòi hỏi tâm huyết, trách nhiệm, cái tâm, cái tầm của cán bộ thực thi nhiệm vụ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, các ngành, của cả hệ thống chính trị”, đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ.

Đánh giá cao sự điều hành linh hoạt, chủ động, đúng quy định, khoa học và hợp lý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại biểu Phạm Văn Hòa nhìn nhận sự điều hành đó đã đóng góp vào thành công chung của phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Qua đó, cử tri và người dân cả nước thấy được những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội.

Nhận xét những vấn đề của xã hội đã được các đại biểu Quốc hội mang tới làm “nóng” nghị trường, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, các Bộ trưởng trả lời khá rõ ràng, tuy nhiên, vẫn chưa thỏa mãn hết các ý kiến chất vấn của đại biểu bởi nguyện vọng cử tri rất nhiều.

Kỳ họp kết thúc, đại biểu và cử tri mong những lời hứa của các Bộ trưởng sớm đi vào cuộc sống.

 

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua 7 luật: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Các nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua: Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết chung của kỳ họp...

 

 

 

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top