Sáng 12/7, theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức làm việc tại CHLB Đức; tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 từ ngày 5 đến 8/7, theo lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel và kết thúc tốt chuyến thăm chính thức làm việc tại Vương quốc Hà Lan từ ngày 9 đến 11/7, theo lời mời của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.
Các chuyến thăm và dự hội nghị đã thành công tốt đẹp, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức; thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển năng động và toàn diện, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặc dù bận rộn chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh G20 nhưng phía Đức đã đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trọng thị, thân tình, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam. Trong 4 ngày tại Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có gần 40 hoạt động quan trọng, trong đó Thủ tướng đã hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel; hội kiến với Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier. Thủ tướng cũng đã gặp lãnh đạo chính quyền 4 bang lớn của Đức là Berlin, Hessen; Hamburg; làm việc với Chủ tịch Hội đồng LB Đức kiêm Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz.
Trong chuyến thăm này, hợp tác kinh tế là một trong tâm mà hai bên nhất trí cần sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU, qua đó thúc thúc đẩy thương mại và đầu tư hai nước. Cùng với đó là khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghiệp phụ trợ, đường sắt, hạ tầng du lịch, vận tải – cảng biển...
Hai Thủ tướng hài lòng về kết quả tích cực của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đức với 36 thỏa thuận được ký kết, tổng trị giá gần 4 tỷ Euro.
Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, hai bên nhất trí thúc đẩy dự án trường Đại học Việt - Đức, dự án hải đăng trong hợp tác giáo dục giữa hai bên, đồng thời nhất trí xem xét khả năng ký Hiệp định cấp Chính phủ hoặc Hiệp định ba bên nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng và lâu dài cho trường Đại học Việt - Đức. Cùng với đó là thúc đẩy các dự án giảng dạy tiếng Đức và tiếng Việt ở bậc phổ thông tại Việt Nam và Đức. Trong đào tạo nghề, trước mắt là mở rộng chương trình đào tạo và sử dụng điều dưỡng viên Việt Nam và triển khai Ý định thư giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế bang Mecklenburg-Vorpommern về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực y tế được ký nhân chuyến thăm.
Đức khẳng định ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam giải quyết các tranh chấp tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Qua chuyến thăm Đức lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn cho thấy, các doanh nghiệp Đức rất quan tâm đến Việt Nam. Thể hiện qua Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Đức với sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng, đã có tới 500 doanh nghiệp Đức và 100 doanh nghiệp Việt Nam tham dự. Từ các tập đoàn lớn đến các nhà đầu tư vừa và nhỏ của Đức đều đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam thuận lợi, chính trị ổn định, độ mở nền kinh tế lớn với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Phát biểu với các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam mong muốn Đức sẽ là người bạn tin cậy của Việt Nam, hỗ trợ, thu hút sự quan tâm và nguồn lực của quốc tế vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, tự động hóa, đào tạo nghề và giáo dục đại học; công nghệ và kinh nghiệm quản trị của Đức sẽ giúp Việt Nam vượt lên nhanh chóng trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thực tế là khi Thủ tướng đề cập đến việc đề nghị Đức hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và kinh nghiệm quản trị, từ lãnh đạo cấp cao đến các doanh nghiệp Đức đều rất ủng hộ và hưởng ứng. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm, đánh giá, Đức và các bang của Đức đều có tiềm lực lớn về khoa học công nghệ và cơ khí. Do đó, phía Đức rất nhiệt tình hợp tác và cho biết sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của họ đầu tư hợp tác vào Việt Nam trong lĩnh vực này.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đã thăm và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt và gặp gỡ đông đảo đại diện cộng đồng người người Việt Nam sinh sống, học tập và làm ăn tại Đức.
Sau chuyến thăm chính thức làm việc tại Đức, Thủ tướng đã tham dự Hội nghị G20 với vai trò là nước chủ nhà APEC 2017. Việc nước Chủ tịch G20 là Đức mời Thủ tướng dự Hội nghị quan trọng này thể hiện sự coi trọng của Đức và các nước G20 đối với vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được mời phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng (Ảnh: chinhphu.vn) |
Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu như tăng trưởng, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, y tế, việc làm, số hóa và phụ nữ...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự các phiên họp của Hội nghị và được mời phát biểu chính tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng. Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thành sớm 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG-2030) của Liên Hợp Quốc.
Phát biểu tại phiên Số hóa, Trao quyền cho phụ nữ và việc làm, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cũng là nội dung quan trọng trong Nghị sự của APEC 2017; đồng thời thông báo Việt Nam sẽ tổ chức Đối thoại chính sách cấp cao APEC về phụ nữ và kinh tế vào tháng 9/2017 để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các cơ hội kinh doanh và đóng góp phát triển kinh tế trong nền kinh tế số.
Đánh giá về đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho rằng, kết quả của G20 lần này cho thấy xu hướng thúc đẩy liên kết và tăng cường hợp tác về thương mại và đầu tư của các nước trên thế giới vẫn là chủ đạo và điều này tác động rất lớn đến chủ đề và các ưu tiên của chúng ta trong năm APEC 2017. Chính vì thế trong quá trình xây dựng văn kiện cấp cao Hội nghị G20 thì Việt Nam cũng đóng góp tích cực. Những nội dung chúng ta nêu tại APEC cũng đã được chuyển hóa vào tinh thần Hội nghị G20 và bạn đánh giá cao.
Bên lề Hội nghị Thượng định G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, trong đó có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Sau thành công quan trọng của chuyến thăm chính thức làm việc tại CHLB Đức và dự Hội nghị Thượng định G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên đường thăm chính thức, làm việc tại Hà Lan. Chuyến đi thành công trên nhiều mặt và hai bên đã ra Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm.
Trong 3 ngày tại Hà Lan, Thủ tướng đã có chương trình làm việc với 27 hoạt động đa dạng như hội đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte; hội kiến với Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan và Tọa đàm bàn tròn doanh nghiệp, tiếp các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan.
Một kết quả quan trọng của cuộc hội đàm là hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, dịch vụ hậu cần, cảng biển. Thủ tướng Mark Rutter khẳng định Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan ủng hộ EU sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU để mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh với Việt Nam.
Hai bên cũng thống nhất Hà Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cập nhật Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, tái cấu trúc và xây dựng liên kết vùng, tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp, quy hoạch vùng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh hợp tác giữa Rotterdam và thành phố Hồ Chí Minh.
Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Mark Rutter nhấn mạnh lập trường của Hà Lan ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Ngay sau Hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Mark Rutter đã cùng Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đại diện cho Nhóm Ngân hàng Thế giới ký Bản ghi nhớ về hợp tác quản lý an toàn thực phẩm. Hai Thủ tướng đã ký Ý định thư về các dự án chuyển đổi quy mô lớn ở đồng bằng sông Cửu Long; chứng kiến lãnh đạo các bộ, ngành hai nước ký và trao các văn kiện hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng, phòng chống thiên tai, hợp tác cảng biển và hậu cần...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, với Ý định thư được ký kết, đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng hai nước có những bước đi cụ thể. Việt Nam và Hà Lan thông qua những dự án khả thi, phù hợp với ĐBSCL và những dự án quan trọng định hình phát triển kinh tế cũng như như hạ tầng, thì sẽ thu hút các nguồn lực của tổ chức quốc tế, quốc gia.
Trong chuyến thăm, phía Hà Lan bố trí riêng một trực thăng để Thủ tướng trực tiếp thị sát việc quy hoạch đồng bằng của Hà Lan trong việc ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chính phủ Hà Lan giao cho Đại học Wageningen đưa ra các dự án hợp tác nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các dự án về xây dựng đê theo phương pháp mới, tức đê tràn, để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là những hợp tác cụ thể có thể giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu thời gian tới.
Trong chuyến thăm Hà Lan, Thủ tướng cũng đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan với sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp Hà Lan và khoảng 150 doanh nghiệp Việt Nam; tọa đàm bàn tròn doanh nghiệp, tiếp các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Hà Lan.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã thăm và cắt băng khánh thành trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại La Hay, gặp gỡ, trò chuyến với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đông đảo đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan. Thủ tướng đã đến thăm cảng Rotterdam và làm việc với Thị trưởng Rotterdam.
Có thể nói chuyến thăm chính thức làm việc tại Đức; thăm chính thức làm việc tại Hà Lan và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức đã thành công tốt đẹp. Điều đó tạo động lực phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam- Đức; thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển năng động và toàn diện, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.