Dù đã qua hơn nửa tháng Giêng song không khí vui xuân vẫn còn lưu lại khá rõ nét trong các cơ quan, công sở, văn phòng. Bên cạnh sự rộn ràng của tiệc năm mới, lì xì may mắn…, nơi nào cũng thấy bàn chuyện đi chùa cầu may. Tuy nhiên, đến đình, chùa rồi lại thấy âu lo…
Mùa hội rộn ràng
Đầu năm cũng là thời điểm khai hội của hầu hết các địa điểm du lịch tâm linh trên cả nước. Ở phía Bắc, các hội chùa Hương, Yên Tử, Bà chúa Kho, Bia Bà, đền Trần… luôn thu hút hàng vạn khách thập phương hành hương cúng lễ. So với nhiều năm trước, hình thức tổ chức các lễ hội cũng quy mô, hoành tráng hơn. Bên cạnh lễ chính, phần hội cũng được mở rộng với nhiều hoạt động nhằm thu hút đông đảo khách thập phương. “Ăn theo” các hoạt động này, người dân đã nghĩ ra nhiều phương thức kinh doanh phục vụ “hậu cần” và điều này càng khiến mùa lễ hội khắp các địa phương thêm sôi nổi.
Một trong những tín hiệu vui nhất của mùa lễ hội năm nay là cách làm của nhiều điểm du lịch tâm linh, đền chùa đã bài bản hơn, một số nơi đã và đang xóa bỏ dần các nạn chèo kéo, tranh giành và “chặt chém” du khách. Sự vào cuộc của ngành văn hóa - thể thao và du lịch đã mang lại những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Thêm vào đó, tại nhiều lễ khai hội, sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ càng khiến không khí ngày hội thêm trang trọng, thu hút sự chú ý của đông đảo quần chúng nhân dân.
Tại địa bàn TP. Hà Nội, sau Tết Nguyên đán, nhiều lễ hội khai mở như Đống Đa, Văn Miếu, Cổ Loa, hòa cùng không khí sôi nổi của hội chùa Hương, Bia Bà, đền Gióng, chùa Thầy, chùa Trăm Gian… Cách thức tổ chức của các lễ hội ngày càng trang trọng hơn. Theo ngành chức năng, tiếp nối thành công của năm “Du lịch xanh” với lượng khách quốc tế đến Thủ đô đạt gần 1,9 triệu lượt khách, ngành Du lịch Thủ đô sẽ phát huy lợi thế để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, với nhiều giải pháp như tăng cường phát triển các hoạt động trong phần hội bằng cách khôi phục các trò chơi dân gian đặc trưng, tạo ra không gian mở để khách du lịch có thể trực tiếp tham gia vào những trò chơi và hoạt động của lễ hội; kết hợp với lễ hội mở các cuộc triển lãm, gian hàng bán đồ lưu niệm, những sản phẩm độc đáo, đặc sản của địa phương; sân khấu hóa lễ hội một cách linh hoạt, hợp lý, chọn sự kiện tiêu biểu có giá trị văn hóa đưa vào lễ hội, tìm nét riêng độc đáo của từng vùng miền, nhằm khác biệt hóa sản phẩm của từng địa phương…
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ tạo điều kiện cho du khách đi lại và ăn ở thuận lợi, an toàn, đảm bảo an ninh trật tự và đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách trong quá trình lưu trú và tham gia vào các hoạt động của lễ hội; coi trọng việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch lễ hội, để họ có đủ kiến thức và kỹ năng truyền tải nội dung và ý nghĩa của các lễ hội cho du khách, nhất là khách quốc tế.
Mâm lễ bày la liệt khắp nơi. |
Còn những e ngại...
Ngày đầu xuân, chúng tôi đến Bia Bà ở phường La Khê, quận Hà Đông (Hà Nội) trong tâm trạng náo nức. Trên thực tế, so với nhiều điểm du lịch tâm linh khác ở phía Bắc, Bia Bà là nơi được đánh giá thuộc loại “dễ chịu” nhất bởi ít cảnh chèo kéo, “chặt chém”, móc túi, trộm cắp. Tuy nhiên, quang cảnh chung và những gì được chứng kiến tại đây chắc hẳn vẫn khiến nhiều du khách buồn lòng. Ngay từ đầu đình, nhiều cửa hàng ăn uống, bán vàng mã, viết sớ, xem tướng số… tràn ra cả lối đi vốn đã chật hẹp; du khách thì thoải mái ăn uống, hồn nhiên xả rác khắp sân đình.
Ngay sau cổng Tam quan, những lư hương cỡ đại nghi ngút khói và ngập chân hương. Dù ngay cạnh đó, ban quản lý đã cắm biển ghi rõ: “Du khách chỉ cắm 1 nén hương vào mâm lễ”, nhưng ai cũng cố gắng cắm cả nắm hương lớn vào lư. Chưa hết, hương còn được cắm vô tội vạ ở gốc cây, cành lá,… Một dãy bàn dài la liệt mâm lễ bày biện khá lộn xộn, thế nên mới có cảnh người lễ xong trước ra nhận lễ lại nhầm với lễ của người sau. Những gốc cây trong khuôn viên sân đình trắng xóa vì muối và gạo được thả rắc hồn nhiên ngay cạnh tấm biển cấm. Trong các điện thờ, hàng chục bức tượng cũng bị dắt đầy tiền lẻ, dù sát đó là hòm công đức…
Gốc cây cũng có hương cắm. |
Đặc biệt là tình trạng “chặt chém” vẫn phổ biến với mức giá “trên trời”, khiến nhiều du khách “méo mặt”: đi đò trên suối Yến phải trả 85.000 đồng/người và thêm 15.000 đồng "tiền bồi dưỡng" cho người lái đò; các quán, hàng ăn ra giá phổ biến là 50.000 - 60.000 đồng/bát mì tôm trứng, phở; 15.000 - 20.000 đồng/chai nước khoáng, trà xanh; 12.000 - 15.000 đồng/quả trứng vịt lộn,…
Ngoài sự “chặt chém” này, du khách cũng không giấu được sự lo ngại trước tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi đa số đồ ăn thức uống đều được bày bán “lộ thiên”, sát lối qua lại của hàng vạn con người. Ở các hàng ăn, bát đũa tràn trên mặt sàn, nước rửa sánh mỡ và thức ăn thừa; thêm vào đó, ở chùa Hương, tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” với các loại thịt thú rừng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều du khách cho biết, ngay cả các hàng ăn treo biển “phở bò tái” cũng cho thực khách ăn phở thịt lợn, vì thế các hàng quán bán thịt thú rừng đa số là không đúng như biển hiệu, lời quảng cáo…
Chuyện du xuân thăm thú mùa lễ hội là chuyện của muôn đời trước, nghìn năm sau. Lẽ ra, theo sự phát triển đi lên của kinh tế đất nước, phong tục mang nhiều dấu ấn văn hóa này phải trở thành nét đẹp của văn hóa Việt Nam, đáng tiếc là thực tế lại không như mong đợi. Nguyên nhân và giải pháp của tình trạng này, xã hội đã bàn đến nhiều. Thế nhưng, vấn đề mấu chốt nhất vẫn là ý thức của người dân, du khách – những người trực tiếp tham gia lễ hội. Lễ hội có đẹp hay không – phụ thuộc vào các “yếu nhân” này!
Lê Phương
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.