Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 6 năm 2024 | 10:0

Người dân bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối từ trang trại nuôi lợn

Trang trại tổng hợp của hộ ông Mai Công Hoan ở xã Thăng Bình (Nông Cống - Thanh Hoá) được một cá nhân thuê lại nuôi hàng trăm con lợn thịt. Gần 1 năm đi vào hoạt động nhưng trang trại này chưa được cơ quan chức năng cấp phép môi trường, phát mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.

Trang trại nuôi lợn rộng hàng nghìn mét vuông nằm giữa cánh đồng phát tán mùi hôi thối vào khu dân cư xung quanh.

Trại lợn bốc mùi hôi thối

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống xung quanh trang trại tổng hợp của hộ ông Mai Công Hoan, trang trại được một cá nhân khác trên địa bàn huyện thuê lại và tiến hành nuôi hàng trăm con lợn thịt. Từ khi đi vào hoạt động, trang trại này thường xuyên phát tán mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây. Đặc biệt, tình trạng này thường xuất hiện về đêm.

Ao lắng của trang trại lợn nổi váng, nước đen kịt.

Trang trại nằm giữa cánh đồng nên mùi hôi thối theo luồng gió bay vào, cứ gió thổi về chiều nào thì người dân chiều đó hứng. Người dân đã nhiều lần kiến nghị UBND xã Thăng Bình, chính quyền xã cũng thường xuyên yêu cầu trang trại khắc phục môi trường trên loa truyền thanh nhưng tình trạng bốc mùi hôi thối vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Bà P.T.L, người dân thôn Ngọ Thượng, cho biết: “Trước đây, họ nuôi gà, vịt, lợn nhưng không ảnh hưởng nhiều vì quy mô nhỏ. Từ năm 2023, quy mô nuôi lợn tăng lên hàng trăm con. Mỗi lần chúng tôi đi chợ hay học sinh đi học qua trang trại đó thì “ăn đủ” mùi hôi thối, đau đầu lắm, không thể chịu được, nhất là những ngày họ xả khí gas”.

Còn anh P.C.T,  sinh sống gần trang trại cho biết, bị ảnh hưởng nhiều nhất là thôn 9, xã Thăng Bình và các thôn lân cận của xã Công Liêm. Từ khi trại lợn hoạt động, người dân gửi nhiều kiến nghị, thế nhưng, trang trại khắc phục được thời gian ngắn, rồi lại đâu vào đấy.

Ông Vũ Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Thăng Bình, cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân về mùi hôi thối, UBND xã đã thành lập đoàn kiểm tra. Nguyên nhân là trong quá trình hút nước thải lên xe bồn chở đi, chủ trang trại xả nước thải ra một đoạn kênh mương gây mùi hôi, Xã đã lập biên bản yêu cầu chủ trang trại cam kết xử lý, khắc phục mùi hôi thối bay ra ngoài bằng vôi bột và chế phẩm sinh học.

Thông tin về thực trạng trên, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống cho biết, hiện tại trang trại này chỉ có Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, chưa được cấp giấy phép môi trường theo quy định mới và huyện đang yêu cầu trang trại làm hồ sơ để được cấp giấy phép theo quy định.

Tại ao lắng do không lót bạt chống thấm, nhiều đoạn rỉ nước thải ra ngoài kênh mương.

Theo quan sát và ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế nông thôn, nằm giữa cánh đồng là khu đất rộng đã được xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi rộng hàng nghìn mét vuông, 2 bể biogas rộng hàng trăm mét vuông, tuy nhiên mới chỉ một bể hoạt động. Ngoài ra, còn có 3 ao lắng và một số diện tích đã trồng keo, còn lại để hoang.

Đáng chú ý, 3 ao lắng được nối thông với nhau, nước đen kịt, nổi váng, nước tràn ngập sát bờ bao, các bờ bao không có bạt chống thấm, một số vị trí của bể lắng rò rỉ nước ra ngoài kênh mương.

Bất cập trong công tác quản lý

Theo tìm hiểu, năm 2017, UBND huyện Nông Cống cho phép hộ ông Mai Công Hoan thuê gần 3,5ha đất để sử dụng vào mục đích xây dựng trang trại tổng hợp tại xã Thăng Bình, với thời hạn 50 năm.

Tổng mặt bằng được UBND huyện phê duyệt bao gồm 18 hạng mục như: Nhà điều hành, khu chăn nuôi lợn, bò, dê, gà, vịt, bể biogas, bể xử lý nước thải, ao nuôi trồng thuỷ sản, khu trồng mía, cỏ…Trong đó, khu chăn nuôi lợn là 300m2, bể biogas 90m2, bể xử lý nước thải 90m2.

Điều khó hiểu, tổng mặt bằng được phê duyệt là vậy nhưng tại biên bản kiểm tra của UBND xã Thăng Bình ngày 8/7/2023 nêu rõ, trang trại này được đầu tư xây dựng hệ thống chuồng lợn đảm bảo theo tiêu chuẩn trang trại với diện tích 2.000m2, đang nuôi 800 con lợn thịt, đã đầu tư 2 hầm biogas (3.000m3) và 3 bể lắng; quy trình chăn nuôi đảm bảo nhưng có mùi hôi thối bốc ra ngoài.

Không chỉ vậy, biên bản kiểm tra được xã Thăng Bình lập ngày 8/7/2023 nhưng ngày đi kiểm tra vào hồi 16 giờ ngày 10/7/2023 (lập biên bản trước 2 ngày mới đi kiểm tra).

Càng khó hiểu hơn, tại buổi làm việc với phóng viên Kinh tế nông thôn, Chủ tịch UBND xã Thăng Bình cho biết, tháng 4/2023, trang trại này bắt đầu xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 6/2023. Trong quá trình xây dựng, xã đã cử cán bộ địa chính xuống kiểm tra,  trang trại đủ điều kiện xây dựng. Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ liên quan trong công tác quản lý và hoạt động của trang trại thì xã không nắm được. Vậy, chính quyền xã Thăng Bình căn cứ vào hồ sơ liên quan nào mà cho rằng trang trại này đảm bảo điều kiện xây dựng?

Quyết định của UBND huyện Nông Cống cho phép hộ ông Hoan được thuê đất để sử dụng vào mục đích xây dựng trang trại tổng hợp nêu rõ trách nhiệm của UBND xã Thăng Bình là theo dõi kiểm tra việc sử dụng đất, đầu tư xây dựng và bảo vệ môi trường đối với hộ này.

Được biết, ngày 03/4/2024, UBND huyện Nông Cống đã có buổi làm việc, kiểm tra đối với trang trại này. Tại biên bản kiểm tra, bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Nông Cống chỉ rõ, trang trại được quy hoạch là trang trại tổng hợp, hiện toàn bộ trang trại là chăn nuôi lợn; xây dựng các khu chức năng, chuồng trại chưa đúng với tổng mặt bằng được phê duyệt; yêu cầu trang trại hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng đã phê duyệt.

Đến thời điểm hiện tại, trang trại này chưa có giấy phép môi trường, tuy nhiên, UBND huyện Nông Cống vẫn chưa có bất kỳ biện pháp xử lý, như lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định?!

Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường Nông Cống, cho biết, đơn vị đang tổng hợp các kết quả kiểm tra theo quyết định thành lập đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện năm 2024, sẽ báo cáo lãnh đạo UBND huyện xử lý nếu có sai phạm.

Trước những bất cập trên, để công tác quản lý tại địa phương được chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả trong phát triển kinh tế trang trại ở địa phương, công tác bảo vệ môi trường trang trại cần được chú trọng; việc đầu tư xây dựng phải đúng với quy định của pháp luật. UBND huyện Nông Cống cùng các cơ quan, ban ngành tỉnh Thanh Hoá cần kịp thời có giải pháp quyết liệt hơn, tránh để lại hệ lụy, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

 

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
  • Nỗ lực ngăn chặn buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới

    Nỗ lực ngăn chặn buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới

    Các loại heo, trâu, bò, gà, vịt và nội tạng không rõ nguồn gốc nhập lậu từ nước ngoài thường mang nhiều mầm bệnh như: lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả, virus cúm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, làm tổn hại cho ngành chăn nuôi và mất ổn định thị trường...

  • Kon Tum khuyến cáo không phát triển ồ ạt diện tích sầu riêng

    Kon Tum khuyến cáo không phát triển ồ ạt diện tích sầu riêng

    Tại một số địa phương của tỉnh Kon Tum đã xuất hiện tình trạng trồng sầu riêng vượt quá quy hoạch, gây nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, về lâu dài có thể xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu, từ đó giảm giá trị ngành hàng sầu riêng và thiệt hại cho nông dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con không ồ ạt phát triển diện tích sầu riêng ngoài quy hoạch.

  • Nguyên nhân chính khiến bò sữa tiêu chảy và chết hàng loạt tại Lâm Đồng là do vắc xin

    Nguyên nhân chính khiến bò sữa tiêu chảy và chết hàng loạt tại Lâm Đồng là do vắc xin

    Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo về nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy khiến bò sữa chết hàng loạt tại Lâm Đồng. Tính đến ngày 6/9, đã có 6.331 con bò bị bệnh, 470 con bò bị chết, gây thiệt hại nặng cho các hộ nuôi bò sữa tại địa phương.

  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top