Những ngày qua, thông tin về các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hạt tiêu đi các nước bị "rút ruột" đến gần 19 tấn khiến đối tác nước ngoài không nhận đủ số lượng như đã giao đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Việc này cần phải làm sáng tỏ để lấy lại uy tín cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Hàng hoá tại cảng Cát Lái. Ảnh: T.P
Gần 19 tấn hàng “bốc hơi”
Theo thông tin từ Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam gửi tới Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, số lượng bị “rút ruột” khoảng 18,5 tấn hàng với trị giá 2,7 tỷ đồng. Trong đó, số lượng tiêu bị mất hơn 8,2 tấn, còn cà phê là 10,3 tấn.
Các doanh nghiệp cho biết, phiếu cân container có hàng tại nhà máy và phiếu cân hàng lúc vào cảng là trùng khớp. Do đó, doanh nghiệp nghi ngờ khả năng hàng bị mất trong lúc container hạ bãi chờ xuất khẩu. Các chứng từ liên quan khác cũng được doanh nghiệp cung cấp làm cơ sở để chứng minh hàng hóa được niêm phong và đảm bảo an toàn từ lúc hàng được đóng vào container tại nhà máy cho đến lúc container vào cảng.
Dựa trên các dữ liệu doanh nghiệp cung cấp, hiệp hội cho rằng khối lượng bị mất chiếm từ 7-28% tổng lượng hàng, khả năng đều diễn ra ở cảng hạ của Cát Lái, trong lúc nằm chờ do tàu bị hoãn.
Cơ quan này đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tăng cường chỉ đạo giám sát để đảm bảo an toàn hàng hóa cho doanh nghiệp lưu tại cảng. Bên cạnh đó, hiệp hội đề nghị nhà chức trách vào cuộc, làm việc với các bên liên quan để điều tra, có phương án đền bù thiệt hại nếu hàng bị thất thoát tại cảng.
Nêu quan điểm về sự việc này, các chuyên gia trong ngành nhận định cà phê và hồ tiêu là hai mặt hàng nông sản tăng giá rất "nóng" từ đầu năm đến nay, trong đó cà phê đã đạt mức cao nhất trong lịch sử với giá xuất khẩu hiện tại là trên 4.000 USD/tấn. Còn giá giao dịch hồ tiêu các loại của VN trên thị trường quốc tế đã tăng thêm tới 50% chỉ sau 3 lần điều chỉnh trong 10 ngày trở lại đây, đạt mức 7.800 - 8.000 USD/tấn. Bên cạnh đó, nguồn hàng cung ứng trong nước không còn nhiều, với lượng hàng "rút ruột", các đối tượng trộm cắp có thể dễ dàng tiêu thụ và bỏ túi hàng tỉ đồng.
Phân loại cà phê tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk). (Ảnh: Vũ Sinh)
“Lỗ hổng” ở nhiều khâu
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam, Bạch Khánh Nhựt cho biết, một trong những "bị hại" từng gặp phải nhiều trường hợp "rút ruột" container trong quá khứ, nhận định: "Cách đây khoảng 10 năm, nhiều doanh nghiệp ngành điều đã gặp trường hợp “rút ruột” container, chịu thiệt hại rất lớn. Ở thời điểm ấy, cơ quan điều tra đã xác định phương thức, thủ đoạn lấy trộm là do các tài xế lái xe lợi dụng thời gian vận chuyển trên đường để bóc niêm phong, rút trộm hàng sau đó làm giả niêm phong lại để xóa dấu vết.
Nhưng, hiện nay, các đơn vị vận tải đều đã gắn định vị, theo dõi rất sát sao lộ trình, thậm chí có thể kiểm tra bằng video call bất cứ lúc nào. Các tài xế có ý đồ xấu dù có muốn dừng xe ở đâu đó để "rút ruột" cũng không thể làm được. Còn đối với các container khi đã bốc xếp lên tàu rồi thì càng không thể ăn trộm vì hệ thống giám sát chặt chẽ và trộm rồi cũng không chuyển đi đâu được".
Từ đó, theo ông Bạch Khánh Nhựt, khi cân hàng tại nhà máy và cân đối chiếu lại tại cảng đều có số liệu trùng khớp, tuy nhiên kẻ gian có thể lợi dụng khoảng trống vài tiếng đồng hồ trong lúc chờ xếp hàng lên tàu để "rút ruột". “Rà soát lại các quy trình vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa thì vị trí này, thời gian này là cơ hội tốt nhất để kẻ gian ra tay”, ông Nhựt chia sẻ.
Phản hồi về sự việc mới đây, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn - đơn vị khai thác cảng Cát Lái cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) sau khi hiệp hội này có văn bản thông tin về việc hàng xuất khẩu bị rút ruột khi xuất khẩu qua cảng Cát Lái.
Theo văn bản, các phòng ban chức năng của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đang làm việc với các đơn vị thẩm quyền và cơ quan chức năng, công an để kiểm chứng thông tin thiếu hụt hàng hóa do phía VPSA cung cấp.
“Tuy nhiên, việc rủi ro mất hàng có thể xảy ra ở nhiều khâu chưa có căn cứ để khẳng định xảy ra tại cảng. Luồng hàng hóa đi từ kho người bán đến kho người mua, qua các khâu trong chuỗi cung ứng như: vận tải trên biển, đến cảng dỡ hàng, vận tải từ cảng đến kho người nhập khẩu... cần phải kiểm chứng để tránh gây hiểu nhầm cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu của cảng”, văn bản của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nêu.
Từ phía cơ quan quản lý, dẫn thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đã nhận được thông tin về hiện tượng các container hàng xuất khẩu khi đến tay người nhập khẩu bị phản ánh thiếu hàng, mất hàng.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng hiện chưa có cơ sở để khẳng định việc mất hàng diễn ra ở đâu, tại địa điểm nào trong khi hàng hóa vận chuyển từ người xuất khẩu đến người nhập khẩu đi qua nhiều công đoạn khác nhau, nhiều đơn vị tham gia xử lý hàng hóa.
“Do vậy trước mắt Cục Xuất nhập khẩu đã liên hệ, trao đổi với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đề nghị hai bên sớm ngồi lại với nhau, trao đổi trực tiếp, cung cấp thêm thông tin để làm rõ nguyên nhân sự việc và có biện pháp gia tăng an ninh, an toàn cho các lô hàng xuất nhập khẩu”, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.
Cần phải kiểm chứng minh bạch thông tin
Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) cho hay, trong giao nhận hàng hóa quốc tế, có kẹp chì container (còn gọi là seal container) được hiểu là khóa niêm phong container để bảo đảm hàng hóa. Trong khi đợi xác minh, tổng công ty cũng đang cho rà soát lại camera, truy gốc vị trí container cũng như xác định thời điểm lưu kho, có ai tác động hay không và hiện nay chưa phát hiện gì bất thường.
"Ngoài ra, chúng tôi cũng cho kiểm tra chứng từ và đề nghị doanh nghiệp phối hợp với hãng tàu kiểm tra hàng hóa", đại diện SNP cho biết.
Phía cảng cũng đánh giá việc lấy cắp hàng hóa từ container về nguyên tắc không dễ dàng, đặc biệt những container xếp chồng, chưa kể đưa tuồn hàng ra khỏi cảng phải qua nhiều khâu kiểm tra. Do đó doanh nghiệp này cho rằng cần phải kiểm chứng để tránh gây hiểu nhầm cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu của cảng.
Việc đưa thông tin trên website trước khi có kết luận chính xác từ cơ quan chức năng không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của công ty, cả hình ảnh của Việt Nam, các doanh nghiệp quốc tế sẽ thấy không an tâm.
Trước đó, SNP cũng đã có văn bản phúc đáp gửi VPSA liên quan đến vấn đề phản ánh thiếu hụt hàng hóa tại cảng Cát Lái của hiệp hội. Văn bản phúc đáp của doanh nghiệp này cho biết hiện nay các phòng ban chức năng của SNP đang làm việc với các đơn vị thẩm quyền và cơ quan chức năng xác minh thông tin về việc thiếu hụt hàng hóa.
"Tuy nhiên, việc rủi ro mất hàng có thể xảy ra ở nhiều khâu, chưa có căn cứ để khẳng định việc mất hàng xảy ra tại cảng Cát Lái" - văn bản phúc đáp hiệp hội nêu rõ.
Cần có nhiều kịch bản việc mất hàng
Đại diện VPSA cho biết đã nhận được văn bản phúc đáp của SNP về việc "mất hàng cà phê, hồ tiêu" và sẵn sàng hợp tác để hỗ trợ điều tra, cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ chứng minh việc này.
Hiệp hội đã làm việc với doanh nghiệp để thông tin chi tiết liên quan đến lô hàng như ngày, giờ xuất khẩu, khối lượng lô hàng, cảng đi, cảng đến...
Theo VPSA, ban đầu chỉ một doanh nghiệp thông tin mất hàng, nhưng tiếp sau đó bốn trường hợp báo mất hồ tiêu, cà phê với tình trạng tương tự và nghi ngờ mất từ cảng xuất đi. Do đó, đơn vị đã có văn bản kiến nghị gửi Cục Hàng hải và SNP.
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho biết tình trạng "rút ruột" trên không hiếm, thậm chí đã xảy ra nhiều lần ảnh hưởng lớn đến uy tín doanh nghiệp, nhưng cần có nhiều kịch bản cho việc mất hàng.
Chế biến hạt tiêu phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết thời gian qua nhiều container hạt điều cũng bị "rút ruột" trước khi xuất, thậm chí có trường hợp lấy cả nửa container hàng. Nhưng qua điều tra, phần nhiều là do trong quá trình chở hàng từ kho ra cảng tài xế đã móc nối với bên ngoài tìm cách tháo cánh cửa xe để lấy hàng (niêm phong lô hàng còn nguyên vẹn - PV).
"Việc mất hàng nếu xảy ra thì cần xem xét lại vì có nhiều khâu tham gia, nhưng khả năng cao mất ở đầu xuất đi tại Việt Nam, bởi quá trình hàng từ tàu chuyển đến cảng nhập thường an toàn", ông Họa nói.
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại TP.HCM cho rằng cần làm sáng tỏ vụ việc để lấy lại uy tín cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo vị này, không phải doanh nghiệp nào đưa hàng vào cảng cũng cân lại, nhưng nếu doanh nghiệp khẳng định có cân tại cảng (sau khi hạ hàng từ xe xuống và trước khi đưa hàng lên tàu) thì cần đưa ra thông tin để đối chiếu.
"Phiếu cân cần ghi rõ thông tin như địa điểm cân, cân trước khi vào cảng hay đã vào trong khu vực cảng, có ai chứng kiến hoặc xác nhận khối lượng, tình trạng hàng tại nơi cân... Có như thế mới đủ cơ sở và quy trách nhiệm cho các bên liên quan. Cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra", vị này nhận định./.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.