Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh, mới đây tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Chỉ thị “Về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng rừng”.
Hiện nay, ở một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng rừng như: Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng rừng không đúng quy định; xây dựng các công trình nhà ở, nhà xưởng, nhà kho, trang trại trái phép trên đất nông nghiệp; lấn chiếm, sử dụng, canh tác trái phép đất nông nghiệp; khai thác rừng, phá rừng tự nhiên…
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là biểu hiện buông lỏng quản lý đất đai, tài nguyên rừng ở một số địa phương, đơn vị; không chủ động xử lý vi phạm, đùn đẩy lên cấp trên, thậm chí có những vụ việc vi phạm phải chuyển cơ quan điều tra, khởi tố làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai và lâm nghiệp, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Tỉnh Thanh Hoá kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên đất nông nghiệp, sử dụng rừng.
Trong thời gian tới, để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp tại địa phương; phân công công chức, viên chức theo dõi địa bàn nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng rừng ngay từ cơ sở. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp; chuyển nhượng, giao đất, cho thuê đất nông nghiệp và cho thuê rừng trái pháp luật; kiên quyết buộc người có hành vi vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm hành chính như: Lấn, chiếm, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng rừng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, không đúng đối tượng; xây dựng, trình phê duyệt phương án để sử dụng hiệu quả quỹ đất do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý và giao lại cho người dân nhằm ổn định nơi ở, tạo điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, đảm bảo điều kiện đời sống thiết yếu, lâu dài cho người dân.
Bên cạnh đó, Chỉ thị nêu rõ, nếu để xảy ra tình trạng vi phạm trên địa bàn mình quản lý thì Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và toàn diện trước pháp luật. Xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, rừng trái phép, không đúng đối tượng, giao đất, thuê đất không đúng thẩm quyền tại địa bàn quản lý mà không có giải pháp xử lý, ngăn chặn triệt để, dứt điểm.
Nhiều quỹ đất do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý và giao lại cho người dân được đầu tư phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầy đủ, hiệu quả quy định của pháp luật về lâm nghiệp, trồng trọt; thực hiện thẩm định, tham mưu thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý đất nông nghiệp, quản lý bảo vệ rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Kiên quyết xử lý nghiêm đối tượng, hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trồng trọt, bảo vệ đê điều và phòng chống thiên tai theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, các sở ngành, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp kịp thời xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm pháp luật đất đai, lâm nghiệp trong lĩnh vực do ngành quản lý. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đất đai, lâm nghiệp nhằm tiếp tục nâng cao ý thức, nhận thức cho các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng rừng…
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.