Nông nghiệp Việt Nam còn tiềm năng lớn và có thể làm giàu từ nông nghiệp; nhiều loại nông sản không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài.
Nhưng hiện nay, ngành nông nghiệp rất khó thu hút đầu tư. Đâu là nguyên nhân khiến doanh nghiệp (DN) chưa “mặn mà” rót vốn vào nông nghiệp?
Những rào cản
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong 3 năm qua, số DN đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp tăng hơn 3 lần, từ 3.000 lên hơn 11.000, góp phần tích cực nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, số DN đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chiếm 8% tổng số DN của cả nước. Đáng chú ý, số DN nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ chiếm gần 80%.
“Quỹ đất, nguồn vốn, cơ chế chính sách, sự đồng hành của các địa phương… đang là những rào cản khiến DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, quy mô còn nhỏ...”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Mặt khác, do sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro, tỷ lệ lợi nhuận thấp, trong khi bảo hiểm nông nghiệp dù đã có nhưng khung pháp lý chưa đủ mạnh, thủ tục chi trả phức tạp khiến DN chưa mặn mà đầu tư. Đáng nói, hiện nay, đất đai được giao cho các tổ chức và hộ gia đình quản lý, địa phương không có quỹ đất để quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Trần Công Thắng phân tích, hiện nay, 96% số DN đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên tiềm lực còn hạn chế. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ dẫn tới đất đai manh mún, phân tán; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, trong khi vẫn thiếu công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro...
Theo ông Đinh Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau hơn 10 năm qua kể từ khi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 được ban hành, sự phát triển DN trong nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Một trong những nguyên nhân là môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, các chính sách hỗ trợ DN trong nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để thu hút đầu tư vào khu vực này.
Nan giải tìm đất và vốn
Trăn trở của ông Lê Văn Tám, Giám đốc HTX NN Sông Hồng (Đông Anh - Hà Nội) là muốn đầu tư mở rộng sản xuất, nhưng quỹ đất hạn hẹp, địa phương chưa có để bố trí, do vậy, ước mơ để làm ăn lớn đối với ông chưa biết khi nào mới thực hiện được.
HTX NN Sông Hồng được thành lập năm 2016 với ngành nghề kinh doanh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ trong nhà màng, sản xuất mạ khay, chuyển giao cơ giới hóa đồng bộ về gieo trồng lúa.
HTX hạch toán với 1.000m2 trồng dưa vàng Kim Hồng Ngọc, 1 năm 3 vụ, mỗi vụ 3 tấn dưa, mỗi năm cho thu 270 triệu đồng. Chi phí nhân công, giống, phân bón, khấu hao nhà màng… khoảng 75 triệu đồng. Chỉ tính làm quả dưa sạch, HTX thu lãi 195 triệu đồng. Nếu tính gộp các khoản rau mầm và thu khác thì hiệu quả cao hơn nhiều lần so với cây lúa và cho thu về 1,5 tỷ đồng/năm. Vào thời vụ, HTX có 30 công nhân là người trong và ngoài địa phương, tạo công việc ổn định với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Tám cho biết, với phương pháp sản xuất rau, củ, quả theo hướng hữu cơ trong nhà màng công nghệ Israel, sản phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Biết là nguồn cung không thể đáp ứng được cho nhu cầu, nhưng chúng tôi không biết làm cách nào để mở rộng sản xuất, vì quỹ đất không có. Chính quyền rất quan tâm và ủng hộ, nhưng vẫn chưa tìm ra được quỹ đất cho HTX.
Huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có trên 2.000ha chuối, tập trung ở các xã vùng ven sông Hồng như Tứ Dân, Đại Tập, Bình Kiều… Chuối tiêu hồng Khoái Châu đang chiếm được thị hiếu người tiêu dùng bởi chất lượng ngon, ngọt. Chính vì vậy, chuối ở đây được thương lái vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí xuất sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc...
Với nguồn nguyên liệu phong phú, dồi dào, HTX Nông sản Toàn Phát (Khoái Châu) ra đời chuyên sản xuất sản phẩm chuối sấy khô và chuối dẻo, hiện sản phẩm của HTX đang có mặt tại nhiều thị trường miền Bắc và một số tỉnh ở miền Nam, nhưng HTX vẫn không thể đầu tư mở rộng sản xuất vì không có đất.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Phát cho biết, địa điểm văn phòng và cơ sở sản xuất của HTX vẫn nằm tại nhà riêng, mặc dù HTX đã có ý kiến với lãnh đạo địa phương và huyện, mong muốn có mặt bằng đủ rộng để mở rộng quy mô, tuy nhiên, do quỹ đất của xã hạn hẹp nên chưa thể có mặt bằng bố trí cho HTX.
Hiện nay, máy móc sản xuất mặt hàng chuối khô, chuối dẻo đã được đầu tư, song phải có công nghệ tiên tiến và khép kín hơn nữa để quy trình sản xuất, chế biến chuối khô, chuối dẻo có chất lượng và hiệu quả hơn.
Ông Lê Văn Tám, Giám đốc HTX NN Sông Hồng chia sẻ, là DN nhỏ, không như các tập đoàn cần diện tích đất cho sản xuất lên hàng trăm nghìn hecta, nhưng chúng tôi cũng không thể thuê đất để mở rộng quy mô đầu tư.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thừa nhận, khó khăn nhất của thành phố là quỹ đất sạch cho DN. Để triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thành phố đã có cơ chế, chính sách thu hút DN đầu tư.
Tuy nhiên, một số DN cần quỹ đất 100 - 150ha, điều này rất khó với Hà Nội. Không có quỹ đất thì DN không thể đầu tư lớn, nên quy mô chủ yếu từ vài héc-ta đến 10ha. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng là vấn đề nan giải với nhiều DN khi đầu tư vào nông nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Phương Liên, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên (Hà Nội), để có nguồn vốn đầu tư vào khâu chế biến các sản phẩm từ cây ổi, công ty cần 10 - 20 tỷ đồng, song các thủ tục xác nhận, chứng minh tài sản… tiếp tục cản trở việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, có một thực tế khác nữa là một số địa phương chưa quyết liệt triển khai các chính sách về thu hút đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống dẫn chứng: Theo Điều 19, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các địa phương phải ban hành 5 cơ chế, chính sách để thực hiện.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù; chưa tỉnh, thành phố nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai và chỉ 3/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư…
Cần tạo chuỗi đồng thuận
Nhiều diện tích đất bị bỏ hoang do nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp, thế nhưng, khi HTX, DN có nhu cầu thuê đất, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp sạch thì người dân đòi mức giá như đất đền bù thu hồi làm dự án. Không đủ kinh phí thuê đất, không tìm được tiếng nói chung giữa HTX, DN với người dân, nhiều diện tích đất tiếp tục bị bỏ hoang.
Ông Mai Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ HD Green (xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, Hải Dương) cho biết, DN thuê 5ha đất đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Dù có nhu cầu thuê thêm nhưng không thể thỏa thuận được với các hộ dân.
“Có những hộ, ruộng để đó, sản xuất chẳng hiệu quả nhưng nhất quyết không cho thuê, trong khi chúng tôi cần một diện tích lớn, liền nhau cho nên chỉ một vài hộ không đồng ý là không thể triển khai kế hoạch sản xuất được”, ông Thịnh nói.
Chủ tịch UBND xã Ngũ Hùng (Thanh Miện - Hải Dương) Nguyễn Xuân Hoàng cũng chia sẻ một trường hợp điển hình trên địa bàn. Năm 2016, một DN muốn thuê 15ha đất nông nghiệp của dân để thực hiện mô hình trồng cây giá trị kinh tế cao, với mức thuê 650 nghìn đồng/sào/năm (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Tuy nhiên, có 4 hộ trong cùng khu không đồng ý cho thuê nên dự án không triển khai được. Điều đáng nói, 4 hộ này chỉ sản xuất cầm chừng và nhân lực đã chuyển hết sang các nghề phi nông nghiệp khác, nhưng họ vẫn không muốn cho thuê ruộng.
Ông Vũ Huy Hà, Phó giám đốc HTX An Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: Chúng tôi tìm thuê đất mà người dân bỏ hoang, sau đó cải tạo đồng ruộng, tạo thành cánh đồng mẫu lớn để trồng rau, nông sản sạch cung cấp ra thị trường thông qua chuỗi cửa hàng của đơn vị, đồng thời ổn định việc cung cấp suất ăn cho học sinh của các trường học trên địa bàn TP Hà Nội, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên - nơi HTX ký kết cung cấp thực phẩm sạch, an toàn.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như của HTX vẫn gặp khó khăn do một vài người dân có đất nằm trong diện tích HTX muốn thuê yêu cầu giá thuê quá cao và thời gian cho thuê chỉ là 5 năm.
Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp an toàn xã La Sơn (Bình Lục - Hà Nam) Nguyễn Hữu Dực cho biết, thấy đất sản xuất của bà con bỏ hoang, HTX đứng ra thuê đất để tập trung ruộng đất, liên kết mở rộng sản xuất chuỗi lúa gạo với các DN. Tuy nhiên, khi làm việc với người dân thì một số người còn có tư tưởng “dàn hàng ngang”, không hợp tác.
“Một số diện tích đất tuy không sản xuất hoặc bỏ hoang, nhưng khi có DN, HTX đứng ra thuê thì bà con đòi tới 50 - 70 triệu đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Làm nông nghiệp theo chuỗi mà bỏ số lượng tiền lớn như vậy thì HTX không thể nào làm được. Do vậy, mặc dù rất cần đất để mở rộng sản xuất, nhưng với giá đó thì... HTX đành chịu”, ông Dực chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Trung Điện, Giám đốc HTX Lúa Vàng, xã Đức Giang (Yên Dũng - Bắc Giang), ngay sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, đơn vị đã tiến hành đóng các khoản phí, quỹ với tổng số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, đặt mua phương tiện, máy móc phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, sau gần 3 năm kể từ khi thực hiện đầy đủ các điều kiện xin được thuê đất, HTX vẫn chưa được bàn giao mặt bằng.
Thành lập từ năm 2009, năm 2017, do nhu cầu mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, HTX đã xây dựng dự án sản xuất rau và sản phẩm nông nghiệp an toàn. Để thực hiện dự án này, HTX đã làm các thủ tục thuê đất, được cấp có thẩm quyền phê duyệt với tổng diện tích gần 3 ha tại thôn Hồng Giang, xã Đức Giang.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ân Thi (Hưng Yên) Nguyễn Thúy Giang cho biết: Ngoài tâm lý giữ ruộng nhằm bảo đảm sinh kế có từ lâu đời nay trong nông dân thì việc giữ ruộng còn do họ hầu như không phải đóng góp gì trên phương diện tài chính, vì thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện được miễn, thủy lợi phí và các khoản đóng góp khác nhiều nơi cũng được miễn hoặc đóng không đáng kể.
Chưa kể đến nhiều người giữ ruộng vì chưa tìm được tiếng nói chung với chủ đầu tư thuê đất về lợi ích; giữ ruộng để mong được hỗ trợ, đền bù khi giải phóng mặt bằng làm khu công nghiệp hoặc các công trình khác. Chính vì vậy, hiện nay, người chán sản xuất nông nghiệp thì nhiều nhưng số hộ xin trả lại ruộng trên địa bàn huyện lại không có. Trong khi đó, nhiều hộ cũng không có ý định cho thuê quyền sử dụng đất vì khi cho thuê, nếu phải ký hợp đồng 3 đến 5 năm thì họ e ngại trong thời gian đó, có dự án đầu tư có thể được hưởng tiền bồi thường, hỗ trợ hoặc thỏa thuận chuyển nhượng thì khó đòi lại đất.
Tiếng nói của các "ông lớn"
Hiện nay, một số DN lớn ở Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đơn cử như Vinamilk, Nafoods, TH, Thaco, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, FLC, Ba Huân, Biển Đông…
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) hiện là doanh nghiệp sở hữu hệ thống trang trại bò sữa chuẩn quốc tế lớn nhất châu Á về số lượng, với 12 trang trại trong nước đang hoạt động theo các chuẩn Global G.A.P và Organic EU.
Ngoài ra, 3 dự án trang trại khác của Vinamilk đang được phát triển tại Việt Nam và Lào, dự kiến trong 1-2 năm tới sẽ đóng góp thêm 20.000 con bò sữa vào tổng đàn bò Vinamilk quản lý hiện nay là 150.000 con.
Quy mô lớn và kế hoạch phát triển sắp tới đòi hỏi doanh nghiệp này một sự đầu tư ở tầm chiến lược cho vấn đề quản lý hệ thống theo định hướng “phát triển bền vững”.
Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cho biết: “Vinamilk sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chương trình về phát triển bền vững, thiết lập bộ phận chuyên môn về kinh tế tuần hoàn, nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để không chỉ đưa Vinamilk vào top 30 công ty sữa lớn của thế giới mà còn là công ty sữa tạo ra nhiều giá trị nhất của khu vực”.
Là một trong những doanh nhân tiên phong đầu tư vào nông nghiệp, bà Thái Hương, nhà sáng lập và tư vấn của Tập đoàn TH đề xuất: Cần có những cơ chế, chính sách đột phá hơn nữa, cải cách thể chế, ban hành những quy chuẩn trong sáng để người dân, DN được hưởng lợi hơn nữa, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Từ đó, DN trở thành đầu tàu dẫn lối trong nông nghiệp, tập trung khai thác thế mạnh để mang sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của nhân dân ta ra thế giới, để thế giới đón nhận các sản phẩm của Việt Nam với chất lượng tốt và những thế mạnh mà thiên nhiên đã ban tặng.
Phát triển vùng nguyên liệu sẽ là chiến lược quan trọng để đưa Vinamilk tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Ảnh: Minh Thi
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), hai lĩnh vực Thaco tập trung đầu tư là ô tô và nông nghiệp. "Với tâm huyết đóng góp cho nền nông nghiệp nước nhà, Thaco đã và đang đầu tư toàn diện, đồng bộ với nguồn lực lớn vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu "đưa ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới trong 10 năm tới" mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp", ông Dương nói.
Cần chủ động đổi mới để tiếp cận chính sách
Nghị quyết số 53/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: “DN nông nghiệp được xác định có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam”. Từ nhận thức này, hàng loạt giải pháp, chương trình hành động đã được Chính phủ đưa ra, chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường kết nối ngân hàng - DN nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích DN đầu tư cho nông nghiệp, bảo đảm ổn định chính sách vĩ mô. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng phát triển thị trường nhượng quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thiết lập cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã và DN tiếp cận đất đai hình thành những vùng sản xuất, chế biến tập trung…
Để chính sách đi vào thực tiễn, đa số DN cho rằng, các địa phương cần có cơ chế và hành lang pháp lý bảo đảm cho việc tích tụ ruộng đất, giúp DN cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chủ động thông tin dự báo thị trường quốc tế.
Về phía ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục cùng các địa phương quy hoạch vùng sản xuất; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp…
Bên cạnh đó, các địa phương phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trên cơ sở lợi thế tự nhiên để đưa ra các chính sách khuyến khích DN vào đầu tư. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để tạo sức hút với các DN đầu tư vào nông nghiệp, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh nguồn cung cấp tín dụng và cải thiện các điều kiện cung cấp tín dụng. Thành phố sẽ dành tỷ lệ ngân sách từ 2 - 5% hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Đặc biệt, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Hà Nội sẽ khảo sát phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hoài Đức với quy mô 200 - 1.000ha; tại huyện Mê Linh 400 - 500ha; tại huyện Phú Xuyên 100 - 200ha… Đây sẽ là nguồn quỹ đất để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp Thủ đô.
Theo nhiều chuyên gia, cùng với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hơn hết là DN cần chủ động đổi mới phương thức sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chủ động liên kết với nhau để tạo thành những tập đoàn kinh tế có tiềm lực, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu để xuất khẩu bền vững.
Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là chính sách quan trọng thúc đẩy chuỗi giá trị toàn cầu. Nhằm hướng mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 DN hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000 - 4.000 DN quy mô lớn và 6.000 - 8.000 DN quy mô vừa.
Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP là một trong 3 “Chính sách của Việt Nam có tác động đến chuỗi giá trị toàn cầu”, gồm: Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2017 về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 và Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đây là nhận định của Ban thư ký ASEAN tại “Báo cáo cơ sở về các chính sách vùng quan trọng liên quan đến chuỗi giá trị toàn cầu”.
Ông Đinh Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhấn mạnh, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang có những bước tiến mạnh mẽ, DN rất cần nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, diễn biến thương mại thế giới ngày càng phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã xảy ra, dẫn đến lượng lớn hàng hóa của Trung Quốc đẩy mạnh xuất sang Việt Nam, một lượng lớn hàng hóa tại Mỹ bị thiếu hụt hoặc bị tăng giá. Cấp thiết có sự hỗ trợ của Chính phủ đối với DN theo Nghị định 57/2018/NĐ nhằm kịp thời nâng cao sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản nhằm chiếm lĩnh thị phần trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Để chính sách quy định tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP đi vào cuộc sống, thực sự là chìa khóa trong chuỗi giá trị toàn cầu, các địa phương cần thực sự vào cuộc, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Điều 19 (ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện và đặc thù của địa phương mình). Tăng cường thông tin, tuyên truyền hơn nữa về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong điều hành tổ chức sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện cho DN tiếp cận đcác hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2019, số DN nông, lâm, thủy sản (NLTS) thành lập mới là 2.756 DN, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số DN NN lên 12.581 DN, tăng 36,23% (NLTS là một trong những lĩnh vực có số DN quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng). Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Năm 2019, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động (Từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai trên cả nước), giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản. |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.