Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 2 năm 2016 | 9:46

Đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN

Đó là một trong những giải pháp được chuyên gia kinh tế, TS.Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đưa ra nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang được các địa phương triển khai quyết liệt.

TS.Đặng Kim Sơn

Tính đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được 2,5 năm. Xin ông cho biết một số kết quả đạt được của việc thực hiện đề án này?

Kết quả nổi bật của đề án tái cơ cấu là sự thay đổi tư duy của cán bộ, nhân dân có bước chuyển rõ rệt, từ sản  xuất theo chiều rộng dựa vào tài nguyên khoáng sản, cạnh tranh bằng giá rẻ vào các thị trường dễ tính sang đầu tư sản xuất theo chiều sâu bằng cách đầu tư thêm khoa học công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Những điều này cách đây vài năm chúng ta chưa có được. Từ tư duy đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hàng hóa lớn ở phía Nam, mà điển hình là cánh đồng mẫu lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, sự gắn bó giữa sản xuất với thị trường đã được thể hiện. Đã xuất hiện làn sóng các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước hướng đầu tư vào nông nghiệp. Điều này tạo nên sự chú ý thỏa đáng hơn đến lợi thế quan trọng của Việt Nam, đó là sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, những thay đổi này trong tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra vẫn còn chậm và chưa đồng bộ. 3 khâu đột phá chính về khoa học công nghệ (KHCN), tổ chức thể chế và phát triển thị trường chưa có bước chuyển biến rõ nét. Chính vì thế, dù đã có chuyển biến nhưng tốc độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn chậm và chưa đều.

Trong một phát biểu gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát  cho rằng, nhóm giải pháp quan trọng nhất để đẩy mạnh tái cơ cấu, đó là tổ chức lại sản xuất với sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp, tổ chức lại các HTX, các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Để tiến hành tái cơ cấu, cần có 3 nhóm giải pháp quan trọng, đó là tổ chức thể chế, KHCN và phát triển thị trường. Có thể nói, 2 nhóm KHCN và phát triển thị trường đều xuất phát từ thay đổi tổ chức thể chế. Trước đây, làn sóng đổi mới lần thứ nhất của chúng ta diễn ra vào đầu và giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước cũng bắt đầu từ các giải pháp về tổ chức thể chế, khi đó, việc lớn nhất là các HTX trao tài sản đất đai, tổ chức sản xuất lại cho các hộ nông dân.  Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh nhà nước trao quyền buôn bán, kinh doanh xuất nhập khẩu lại cho các doanh nghiệp tư nhân, bỏ ngăn sống cấm chợ, phát triển thị trường tự do. Có thể coi quá trình tái cơ cấu lần này là làn sóng đổi mới lần thứ hai và cũng phải dựa trên những đổi mới đó.

Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần phải tạo ra 2 khâu đột phá, thứ nhất là tổ chức lại các HTX, không hoạt động theo kiểu cũ mà phải giúp nông dân liên kết lại với nhau để có quy mô và sức mạnh lớn hơn. Bên cạnh đó, cần phải thu hút doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, gắn doanh nghiệp với nông dân và hợp tác xã, tạo nên sức mạnh mới trong sản xuất kinh doanh.

 Ngoài ra, những hoạt động về thể chế khác cũng phải thay đổi. Chẳng hạn như phải tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, thay đổi phong cách làm việc của bộ máy quản lý nhà nước. Thay đổi cách làm theo kiểu “xin cho - cấp phát”, chỉ đạo từ trên xuống như hiện nay sang hướng phục vụ khách hàng. Cũng giống như lần trước, vấn đề là ở chỗ, chúng ta có đủ quyết tâm chính trị để thay đổi tư duy, đủ khôn khéo về giải pháp chính sách để có thể tạo ra đột phá về thể chế hay không?

KHCN được coi là một khâu đột phá, nếu không có KHCN sẽ rất khó tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Ông có thể cho biết một vài giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong nông nghiệp?

Nếu làn sóng đổi mới lần thứ nhất chúng ta dựa trên tài nguyên thiên nhiên sẵn có như đất, nước, lao động, khoáng sản,… thì hiện nay tất cả những điều này đã cạn kiệt. Vì thế, chúng ta phải đẩy mạnh ứng dụng KHCN. Tuy nhiên, để tạo ra những đột phá về KHCN, biến nó trở thành sức mạnh thực tế, biến nó trở thành lực lượng sản xuất cụ thể thì phải có sự tác động từ ba phía. Bắt đầu từ phía cung, cầu và giao dịch. Từ phía cung, phải tăng nguồn cung cấp KHCN, nguồn này có thể nhập khẩu vào, mở rộng cửa để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam kèm theo các giải pháp KHCN. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho bản thân các viện nghiên cứu của chúng ta tập trung nghiên cứu khoa học. Hiện nay, chính sách trao quyền tự chủ cho các cơ quan sự nghiệp công lập, cho các trường đại học phải được xem xét, biến các cơ quan nghiên cứu của chúng ta phần lớn đang thuộc nhà nước sang các thành phần kinh tế đa dạng, có nhà nước, tư nhân, công lập, tất cả đều phải được đối xử công bằng, có chính sách thu hút nhân tài, tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu không sống bằng lương, không tăng thưởng bằng hệ thống cấp bậc mà phải được tính toán bằng mức độ sáng tạo, mức độ đóng góp…

Về phía cầu, phải tạo điều kiện khuyến khích người nông dân, doanh nghiệp, địa phương áp dụng KHCN, miễn thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư, cung cấp thông tin, tạo điều kiện về hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn mua máy móc, cung cấp đất để áp dụng KHCN.

Ứng dụng KHCN, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giải pháp quan trọng để tái cơ cấu nông nghiệp.

Ở giữa cần phải tạo ra thị trường KHCN. Hình thức mua bán KHCN phải được chuẩn hóa, xác lập tiêu chuẩn, mức độ cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã khá thành công trong việc xác lập quan hệ thị trường về hàng hóa, tương đối thành công trong việc xác lập quan hệ thị trường về dịch vụ, tuy nhiên, còn rất yếu kém trong quan hệ thị trường về tài nguyên như đất, nước, lao động, vốn… KHCN là một hình thức tài nguyên cấp cao thì mức độ hình thành cơ chế thị trường của nó lại càng yếu. Đây là một thách thức rất lớn.

Trong một bài phỏng vấn cách đây vài năm, ông có nói, ước mơ về nông thôn của tôi cực kỳ giản dị, đó là thu nhập, vị thế và quan trọng nhất là tạo điều kiện công bằng cho cư dân nông thôn Việt Nam phát triển không khác gì đô thị. Ông có nghĩ rằng thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ giúp ước mơ này thành hiện thực?

Ước mơ của tôi đến nay vẫn nguyên như vậy và có lẽ đây không chỉ là ước mơ của riêng tôi mà của đa số người dân Việt Nam. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, nếu chúng ta có thực hiện tốt nhất Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì ước mơ này cũng không trở thành thực tế được. Vì đề án này vẫn chỉ nằm trong phạm vi ngành nông nghiệp, còn muốn phát triển nông thôn cả ở mặt xã hội, môi trường thì động chạm đến toàn bộ nền kinh tế. Cho nên chúng ta phải có sự đồng bộ hơn nữa, xây dựng được một định hướng phát triển dài hạn sẽ thay thế cho việc chắp vá bằng các giải pháp đỡ đòn ngắn hạn. Thực tế mà nói, nếu chúng ta muốn tạo ra công việc, thu nhập cho 80% dân số nông thôn hiện nay thì phải dựa vào kinh tế phi nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp. Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, ngày càng đẩy lao động nông nghiệp ra do áp dụng máy móc, cơ giới, nếu chúng ta không hút được lực lượng lao động khổng lồ đấy vào thì lợi thế to lớn của đất nước sẽ biến thành nguy cơ đe dọa môi trường, xã hội, ổn định chính trị. Nếu biết thu hút được thì chúng ta có được một lực lượng lao động khổng lổ. Đây đang là thời điểm vàng của lực lượng lao động trẻ Việt Nam, chúng ta chỉ còn 20 năm nữa, nếu chậm chân sẽ rơi vào tình trạng xã hội đã già trong khi kinh tế chưa phát triển. Tất cả quỹ phúc lợi sẽ đổ vỡ, một người làm việc sẽ phải nuôi vài người và khi đó chúng ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là điều chắc chắn.

Nguy hiểm hơn nữa, mô hình thừa lao động, đội ngũ cư dân nông thôn không tham gia được vào, không có chỗ đứng, không có cơ hội  trong một xã hội  tương lai thì khủng hoảng xã hội là bức tranh đã xảy ra ở tất cả các nước như Nga, Pháp, Thái Lan… Đây là cảnh báo cho chúng ta về cơ hội mà chúng ta phải giành lấy trong một thời gian rất ngắn.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Hạnh Tùng (thực hiện)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top