Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 10 năm 2021 | 11:5

ĐBSCL: Cần chủ động tích nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

Dự báo lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu khoảng 5-10% so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn khả năng đến sớm và cao hơn ở mức trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020.

Vì thế, các tỉnh, thành ĐBSCL cần chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, chủ động ứng phó với xâm nhập mặn.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến cây trồng

Tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô 2021-2022 ở khu vực ĐBSCL sẽ đến sớm, tác động sâu hơn so với trung bình nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, mức độ xâm nhập của nước mặn sẽ không gay gắt như năm 2019-2020, ở một số thời điểm có thể xấp xỉ năm 2015-2016 là năm xảy ra hạn mặn lịch sử ở khu vực miền Tây.

 

untitled-1.jpg
Ảnh trái: Cống ngăn mặn Kênh Lầu, xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh (Hậu Giang) đã được đóng để ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Ảnh: Duy Khương.

Ảnh phải: Cống âu thuyền Ninh Quới (Hồng Dân, Bạc Liêu) vận hành góp phần điều tiết mặn ngọt giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng. Ảnh: Chanh Đa.

 

Dự báo này được Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đưa ra dựa trên các số liệu mực nước ở các hồ chứa thượng lưu sông Mekong đang thấp, tình hình nguồn nước sông Mekong, đặc biệt là dung tích hồ Tonle Sap (Campuchia) cùng diễn biến của thủy triều ở khu vực hạ nguồn.

Dung tích hiệu dụng các hồ chứa ở thượng lưu sông Mekong ước khoảng 65 tỷ mét khối, nhưng tính đến cuối tháng 9/2021, tổng dung tích trữ các hồ mới đạt gần 70%.

Tại trạm Kratie (Campuchia), nửa đầu mùa khô (từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022), dự báo lưu lượng bình quân chỉ khoảng 5.600m3/giây, thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020-2021, nhưng vẫn cao hơn các năm 2015-2016 và 2019-2020 (năm xuất hiện mặn lịch sử ở ĐBSCL) lần lượt là 26% và 40%.

Còn nửa cuối mùa khô (từ tháng 2 đến 5 năm 2022), lưu lượng bình quân tại trạm Kratie ở mức 3.100m3/giây, thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021 và tương đương năm 2016, nhưng cao hơn so với năm 2020 khoảng 15%.

Đối với tình hình thủy triều mùa khô năm 2021-2022, từ tháng 11 đến 12/2021 có xu thế cao hơn mực nước đỉnh triều trung bình nhiều năm. Từ tháng 1 đến 3 năm 2022, mực nước đỉnh triều cường có xu thế giảm dần, ở mức tương đương trung bình nhiều năm.

Cần giải pháp tổng thể về thủy lợi

Theo Tổng cục Thủy lợi, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 có khả năng ở mức tương đương với năm 2020-2021 và sẽ ảnh hưởng tới hơn 210.000ha đất sản xuất nông nghiệp, gồm diện tích trồng lúa, cây ăn trái và mô hình canh tác lúa-tôm tại các tỉnh ĐBSCL.

Cụ thể, ở thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng 60.000ha lúa ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, trong đó Tiền Giang 11.900ha, Bến Tre 12.000ha, Trà Vinh 15.000ha và Sóc Trăng 20.000ha.

Đối với vùng cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng gần 43.300ha; trong đó, Long An 3.100ha, Tiền Giang 21.800ha, Bến Tre 16.000ha và Sóc Trăng 3.400ha.

Cùng với đó, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 107.400ha ở vùng canh tác lúa-tôm gồm Kiên Giang 35.800ha, Cà Mau 39.400ha, Sóc Trăng 11.300ha và Bạc Liêu 20.900ha.

Đến thời điểm hiện tại, còn khá sớm để dự báo chính xác xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 do nguồn nước về ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (mưa, khả năng tích trữ nước của các hồ chứa thượng nguồn).

Tuy nhiên, trước khả năng lũ nhỏ, dòng chảy các tháng đầu mùa khô thấp có thể làm mặn xâm nhập sớm, Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn phải có giải pháp tổng thể về thủy lợi, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ để né tránh mặn và thực hiện các giải pháp trồng trọt để giảm thiểu thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.

Đối với các diện tích cây ăn trái, cần tích trữ nước tối đa vào các mương liếp, ao và các dụng cụ chứa nước nhằm chủ động nguồn nước tưới khi xảy ra các đợt mặn xâm nhập sâu, nồng độ cao hơn sức chịu mặn của cây trồng.

Các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang được khuyến cáo hoàn thành xuống giống vụ lúa đông xuân ngay trong tháng 10/2021 để né hạn mặn với diện tích khoảng 400.000ha (chiếm 26% diện tích vụ đông xuân).

Các tỉnh đồng thời tiến hành nạo vét hệ thống kênh mương để trữ nước ngọt và có kế hoạch đóng kín dần các cống từ phía biển lên thượng lưu từ tháng 11 tới.

 

1233445.jpg
Nông dân ở huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đào mương, lên liếp từ đất trồng lúa để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Ảnh Hà Văn

 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

Thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện, thị phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” nhằm giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, từ năm 2021 trở đi, các huyện, thị ven biển tỉnh Tiền Giang (Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công) sẽ cắt, thôi không sản xuất vụ lúa thu đông, thay vào đó chỉ sản xuất 2 vụ đông xuân và hè thu/năm. Đồng thời, trong giai đoạn 2021 - 2025, theo lộ trình, các địa phương trên còn chuyển đổi cây trồng trên tổng diện tích 3.290ha đất trồng lúa tại địa bàn khó khăn sang những cây trồng phù hợp, hiệu quả khác. Trong đó, chuyển sang trồng màu 1.072 ha, chuyển sang trồng cây ăn trái và cây lâu năm 1.622 ha, còn lại trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Theo đó, Tiền Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình kết hợp chuyển giao kỹ thuật thâm canh cho nông dân trong vùng nhằm nâng cao trình độ canh tác, nhân rộng những mô hình sản xuất mới thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa, đặc biệt là mạng lưới thủy lợi nội đồng gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về tầm quan trọng của cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ vì lợi ích bản thân và cộng đồng. Trên cơ sở đó, bố trí lại hợp lý mùa vụ sản xuất, có ý thức trong việc giữ gìn nguồn nước, phòng, chống ô nhiễm gắn với sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất.

Để thuận lợi cho bà con khi thực hiện chủ trương mới, phù hợp với thực tiễn sản xuất và đời sống, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang tập trung chuyển giao kỹ thuật và công nghệ tiên tiến theo “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt; kỹ thuật tưới nước ngập - khô xen kẽ, phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”, canh tác theo hướng VietGAP hoặc GlobalGAP,… Hàng năm, tỉnh chú trọng xây dựng lịch thời vụ phù hợp và phổ biến rộng rãi trong nông dân địa phương; quan tâm sản xuất gắn với các doanh nghiệp hoặc tổ chức nông dân liên kết theo mô hình Cánh đồng lớn nhằm đảm bảo đầu ra nông sản hàng hóa, nông dân hưởng lợi…

Cục trưởng Cục Trồng trọt  (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Như Cường cho rằng, các địa phương cần bố trí thời vụ sản xuất lúa bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi. Cần chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn, mặn, nhất là các tỉnh ven biển để bảo đảm đủ nguồn nước cho sản xuất, hạn chế thiệt hại.

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top