Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 2 năm 2016 | 1:44

ĐBSCL: Khốn khổ vì xâm nhập mặn

Ít nhất 166.000ha đất sản xuất lúa của nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại, trong đó, riêng vụ lúa đông xuân 2015-2016 là 104.000ha.

Thiệt hại lớn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, đối với vụ lúa mùa năm 2015, diện tích bị thiệt hại do hạn, mặn là 30.000ha; còn vụ hè thu 2015 cũng bị thiệt hại 32.000ha. Riêng vụ đông xuân 2015-2016, theo ông Doanh, diện tích gieo trồng ở 8 tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang là trên 971.000ha, trong đó, có 104.000ha bị thiệt hại do hạn, mặn, chiếm 11% diện tích xuống giống của khu vực này và chiếm 6,7% diện tích xuống giống trong vụ đông xuân 2015-2016 của cả vùng ĐBSCL.

Bản đồ phân bố rủi ro trong sản xuất lúa ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH trên 2 phương diện: xâm nhập mặn và lũ.

Tuy nhiên, tại Hội nghị “Phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL” vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, đại diện một số địa phương cho biết, con số thiệt hại do hạn, mặn có thể còn lớn hơn nhiều so với báo cáo. Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, qua xem xét báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thì số liệu báo cáo trên chưa thống kê đầy đủ con số thiệt hại của địa phương này.

“Tại Cà Mau, tính đến ngày 20/1/2016, toàn tỉnh đã có 18.000ha sản xuất lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại, chiếm 56% diện tích sản xuất lúa trên đất nuôi tôm của địa phương. Riêng lúa đông xuân 2015-2016, chúng tôi cũng bị thiệt hại 10.400ha, chiếm 28,5% tổng diện tích sản xuất của tỉnh, trong đó, có 1.200ha bị thiệt hại đến 70%”, ông Hải cho biết.

Còn tại Hậu Giang, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này cho biết, nếu không có biện pháp ngăn mặn từ biển Đông và biển Tây lấn sâu vào đất liền, thì năm nay nguy cơ 50% diện tích sản xuất lúa của Hậu Giang bị thiệt hại (tổng diện tích sản xuất vụ đông xuân khoảng 77.900ha). Ngoài gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất lúa, hạn và mặn lấn sâu vào đất liền cũng làm ảnh hưởng đến các vùng chuyên canh cây ăn trái của một số địa phương trong vùng. “Đặc biệt, với tình hình khô hạn năm nay xuất hiện sớm hơn 2 tháng và dự báo kết thúc muộn hơn 1 tháng so với cùng kỳ năm ngoái nên xâm nhập mặn sẽ còn lấn sâu hơn vào đất liền, làm diện tích sản xuất lúa có nguy cơ bị thiệt hại sẽ tiếp tục tăng”, ông Chánh nhấn mạnh.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong các tháng đầu năm 2016, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-40%. Do đó, mực nước các trạm chính sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Như vậy, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn và sâu hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015 và so với trung bình nhiều năm.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hạn hán, thiếu nước đã diễn ra thậm chí ngay cả trong các tháng mùa lũ năm 2015. Lượng dòng chảy các sông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50%, một số nơi còn cao hơn.

Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50- 60km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5/2016. Do đó, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương ở Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Từ hiện trạng sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 và các dự báo, diễn biến khí tượng thủy văn vẫn còn nhiều phức tạp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các địa phương cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ hè thu và mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn.

Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, thời vụ lúa hè thu cần tập trung vào tháng 4, tháng 5. Điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL. Không xuống giống lúa xuân hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm vào các tháng đầu năm 2016. Vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiếu nước và là cầu nối dịch hại cho vụ hè thu chính vụ, làm cho việc quản lý sản xuất và mùa vụ sản xuất khó khăn hơn. Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước, kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.

Khẩn trương cứu lúa

Bơm nước ngọt vào ruộng để làm giảm độ mặn cho đồng ruộng.

Ông Hoàng Đức Cường cho biết: “El Nino sẽ còn tiếp tục đến hết giữa năm nay. Như vậy, nếu tính về độ dài thì El Nino 2014/2016 kéo dài gần 20 tháng và trở thành El Nino dài nhất trong lịch sử. Mức độ và cường độ cũng bắt đầu vượt El Nino 1998. Vấn đề mà các địa phương khu vực Nam Bộ quan tâm hiện nay là, do tác động của các hồ chứa thượng lưu, dòng chảy sông Mê Kông về ĐBSCL thiếu hụt khiến tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn biến phức tạp và để lại nhiều tác hại nghiêm trọng. Ở nhiều vùng ven biển, nước mặn xâm nhập sâu và sớm hơn mọi năm, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống.

Trước tính chất nghiêm trọng của hiện tượng thời tiết bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp để ứng phó với hạn, mặn.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong năm 2016, hạn hán và mặn xâm nhập được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất trong 100 năm qua ở ĐBSCL. “Dù chúng ta có biện pháp ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra và sẽ nghiêm trọng hơn, do vậy cần phải cấp bách thống nhất các biện pháp ứng phó khác”, ông Phát nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL trong năm 2015-2016 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, cung cấp nước sinh hoạt của vùng ĐBSCL. Chính vì thế, các bộ ngành Trung ương; các địa phương phải vào cuộc quyết liệt và đưa ra các giải pháp thích ứng nhanh để phòng chống kịp thời; giảm những tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực sản xuất trọng điểm này.

“Các bộ, ngành, địa phương trong vùng phải có nhận thức đúng đắn về sự nghiêm trọng của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, phải coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để có chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu để có các biện pháp thích nghi, ứng phó phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền để nhân dân có sự hiểu biết đúng về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức gay gắt hiện nay và cả trong tương lai để cùng chính quyền chủ động các biện pháp phòng, chống và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng ĐBSCL là vựa lương thực, chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 69% sản lượng thủy sản của cả nước. Do vậy việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này là vấn đề sống còn.

“Trước mắt nên làm đê bao khép kín giữ ngọt, ngăn mặn tại những vùng sản xuất trọng điểm như tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và các tỉnh bị nước mặn xâm nhập sâu. Về lâu dài, Chính phủ nên làm việc với các nước xung quanh để phối hợp giải quyết, thống nhất các biện pháp đảm bảo nguồn nước ngọt, chống hạn, mặn”, ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đề nghị.

Được biết, Chính phủ sẽ hỗ trợ tạm ứng ngân sách Trung ương cho các địa phương thực hiện theo đúng Quyết định số 01/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/1/2016 về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Giao Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổng hợp đề nghị của các địa phương, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó sẽ mở rộng phạm vi hỗ trợ kinh phí vượt định mức cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, các địa phương chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ cho những vùng phải dừng sản xuất do không đủ nguồn nước tưới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn ở những vùng bị hạn hán nặng, sửa chữa khẩn cấp các công trình cấp nước sạch, vận chuyển nước sinh hoạt, phục vụ người dân các vùng bị khô, hạn, thiếu nước sinh hoạt; hỗ trợ kinh phí mua thức ăn, nước uống chăn nuôi cho vật nuôi ở những vùng khô hạn nặng.

Quang Minh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: Hòa Bình cần đặc biệt chú trọng đầu tư cho con người và hạ tầng chiến lược

    Thủ tướng: Hòa Bình cần đặc biệt chú trọng đầu tư cho con người và hạ tầng chiến lược

    Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình, Thủ tướng đánh giá tỉnh có 5 điểm hơn trong thời gian qua, chỉ rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó tỉnh phải hết sức chú trọng 2 nhiệm vụ gồm đầu tư, phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và nhiệm vụ xây dựng hạ tầng chiến lược.

  • Thủ tướng: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo

    Thủ tướng: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo

    Thủ tướng kêu gọi cả nước cùng chung tay, mọi người dân, doanh nghiệp "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít", để xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, vì mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025.

  • Thúc đẩy kinh tế biển bằng các giải pháp liên ngành, liên vùng mang tính đột phá

    Thúc đẩy kinh tế biển bằng các giải pháp liên ngành, liên vùng mang tính đột phá

    Sáng 12/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược), chủ trì Kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban kết hợp trực tuyến tại điểm cầu của 28 địa phương có biển.

Top