Sau 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nâng cao đời sống nông dân”, Hà Nội đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ nhưng vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục.
Mối lo ô nhiễm môi trường
Về xã Tân Triều (Thanh Trì) mới thấy sự nhếch nhác và ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất làng nghề gây ra.
Ông Trịnh Đình Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều, cho biết, toàn xã có 201 cơ sở sản xuất. Sự phát triển đa ngành nghề, nhất là hoạt động xay xát, tái chế nhựa phế liệu, sơ chế lông vũ, nhuộm hấp chỉ… đang khiến môi trường bị ô nhiễm.
Trong làng Triều Khúc, bao tải nhựa phế liệu được thu gom chất đống ở các bờ tường, bên cạnh các lối đi, có chỗ còn cao ngang mái nhà.
Các rãnh thoát nước trong làng, mặc dù đã được bê tông song vẫn bốc lên mùi hôi thối do nước thải từ hoạt động sản xuất của các hộ làm nghề trong làng đều xả thẳng xuống cống chung mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý nước thải nào.
Làng nghề xã Dương Liễu (Hoài Đức) chuyên sản xuất tinh bột, làm miến từ dong riềng. Tuy nhiên, đi kèm với làng nghề phát triển là ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của người dân vô cùng ngột ngạt.
Hay tại huyện Thường Tín, theo phản ánh của người dân, dọc hai bên bờ sông Nhuệ chảy qua nơi đây tràn ngập các loại rác thải từ làng nghề, rác thải sinh hoạt. Mùi từ các đống đốt phế thải của làng nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm cộng với mùi hôi từ dòng sông bốc lên khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu.
Ông N.V.T, chủ xưởng mộc ở thôn Bò, xã Hữu Bằng (Thạch Thất) cho biết: “Đặc trưng của nghề mộc là bụi gỗ, cắt cũng bụi, bào cũng bụi, đánh bóng cũng bụi nên đành chấp nhận, không biết làm sao cả. Gia đình tôi cũng đã đầu tư lắp hai quạt hút bụi nhưng không giải quyết được hết bụi gỗ”.
Không chỉ ô nhiễm bụi, hoạt động sản xuất tại làng nghề còn phát tán ra môi trường một lượng hóa chất đáng kể từ hoạt động phun sơn.
Từ thực tế trên, tiêu chí môi trường đang là bài toán khó đối với chính quyền ở nhiều địa phương của Hà Nội.
Chuyển dịch cơ cấu chậm
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đánh giá, 10 năm qua, giá trị ngành sản xuất nông nghiệp tăng, đời sống nông dân được cải thiện nhưng chưa tương xứng tiềm năng, vị thế của nông nghiệp Thủ đô.
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm. Nhiều diện tích đất sản xuất năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa được chuyển đổi kịp thời. Sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Việc hợp tác, liên kết sản xuất của nông dân hạn chế.
Thành phố hiện có 127 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, gồm các mô hình sản xuất rau, nấm, hoa, chăn nuôi bò sữa… Sản phẩm từ các mô hình này không chỉ được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người sản xuất mà còn góp phần nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân.
Tuy nhiên, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn ít và ở quy mô nhỏ. Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.
Xây dựng nền nông nghiệp đặc trưng
Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đánh giá, những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân chủ quan. Cụ thể: Đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn ở một số địa phương còn dàn trải.
Cán bộ làm công tác XDNTM từ huyện đến xã đều kiêm nhiệm, phần nào đã ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công việc. Công tác XDNTM có địa phương còn nặng về thành tích dẫn đến chất lượng chưa cao...
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực Chương trình số 02, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Hà Nội trong tiến trình XDNTM, phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường; xử lý tốt hơn nữa rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới cùng với xử lý các loại chất thải rắn khác, nước thải sinh hoạt; kiên quyết nói không với túi nylon và đồ nhựa dùng một lần. Tái sử dụng chất thải nông nghiệp phải bảo đảm đúng quy định về môi trường và an toàn thực phẩm, tạo tiền đề phát triển du lịch nông thôn; hình thành các vành đai xanh sinh thái bao bọc vùng trung tâm Thủ đô.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Hà Nội xây dựng nền nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng, quốc gia về công nghệ, chế biến, dịch vụ, chuỗi giá trị gia tăng, đặc biệt tổ chức thương mại nội địa và xuất khẩu.
Trong XDNTM, cần chú trọng đến các yếu tố xanh, sạch, đẹp, văn minh; một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh “đất trăm nghề”, gắn chặt với các lễ hội, nét văn hóa đặc sắc để cùng nông nghiệp sạch, hữu cơ, đặc trưng, tạo không gian du lịch hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể phát triển của Thủ đô.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.