Để du lịch nông thôn phát huy được tính thiết thực và bền vững, tránh phát triển ồ ạt, chạy theo phong trào, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân.
Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đang phát huy hiệu quả, trở thành mũi nhọn cho phát triển kinh tế nông thôn ở một số địa phương với sự tham gia của nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nền văn hóa bản địa.
Để du lịch nông thôn phát huy được tính thiết thực và bền vững, tránh phát triển ồ ạt, chạy theo phong trào, rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân.
Xóa đói giảm nghèo
Lào Cai hiện là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Bắc về tốc độ tăng trưởng du lịch với hệ thống sản phẩm đa dạng như: du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh... Du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn “đột phá”.
Lào Cai cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo thí điểm năm 2006 ở 2 xã Bản Hồ và San Sả Hồ (huyện Sapa cũ). Sau 2 năm vận hành, xã Bản Hồ đã đón 5.682 lượt khách, tăng 1.628 lượt so với năm 2006. Doanh thu bình quân từ các cơ sở lưu trú đạt 142.050.000 đồng/hộ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 56 hộ dân tham gia trực tiếp và nhiều việc làm gián tiếp cho các hộ khác trong thôn, góp phần nâng cao sinh kế và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.
Năm 2019, mô hình được nhân rộng ra toàn tỉnh với 365 cơ sở homestay: Thị xã Sapa 300 hộ, Bắc Hà 46 hộ, Bát Xát 11 hộ, Bảo Yên 7 hộ, thành phố Lào Cai 1 hộ...; đón trên 1 triệu lượt khách. Một số nghề truyền thống, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa các dân tộc cũng có cơ hội phục hồi và phát triển, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, mà còn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Sapa hiện đã trở thành điểm đến du lịch cộng đồng yêu thích của khách du lịch trong nước và quốc tế bằng cách khai thác và phát huy bản sắc văn hóa riêng của mỗi bản làng, cộng đồng dân cư. Khách du lịch đến để được khám phá nét văn hóa đặc sắc ngay trong sinh hoạt của bà con từ việc trồng trọt, ăn uống hay thêu thùa. Với mỗi cộng đồng dân tộc lại có bản sắc riêng như ở xã Tả Van, khách dễ dàng tìm hiểu nghề se lanh dệt vải, thêu thùa... đến từng đường nét tinh tế khác biệt trên quần áo hay thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của đồng bào Mông. Xã Tả Phìn lại nổi tiếng với bài thuốc tắm gia truyền từ các loại cây rừng giúp chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của người Dao Đỏ. Xã Bản Hồ phát triển dịch vụ nhà nghỉ với kiến trúc nhà sàn tiêu biểu của bà con người Tày, phục dựng nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc... Với hàng trăm cơ sở homestay ở các xã Tả Van, Lao Chải, Bản Hồ, Tả Phìn... đem lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Việc hàng loạt nghề mới xuất hiện đáp ứng nhu cầu của du khách như: biểu diễn văn nghệ, bán hàng thổ cẩm, hướng dẫn leo núi, khuân vác, xe ôm... ngày càng thu hút nhiều bà con dân tộc làm du lịch và cải thiện thu nhập như ở bản Cát Cát có tới 112/360 người , làng Lý Lao Chải có 102/516 người tham gia hoạt động du lịch. Nhiều hộ mở rộng kinh doanh các dịch vụ như: bán đồ lưu niệm, bán hàng ăn, đồ uống, thuốc bắc, tắm lá thuốc...
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sapa, chia sẻ: “Trước đây, có đến 90% thu nhập của các hộ người Mông, Dao, Giáy... ở Sapa từ làm nông nghiệp. Nhưng hiện nay, nhiều gia đình tại các bản làng du lịch cộng đồng đã chuyển sang làm dịch vụ kinh doanh lưu trú tại gia”.
Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sapa, cho biết: “Đến nay, cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng nhanh tỷ trọng du lịch và dịch vụ. Kinh tế du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế trọng tâm, thu hút hơn 3,2 triệu lượt khách. Xây dựng nông thôn mới được chú trọng thực hiện, tốc độ giảm nghèo nhanh, trung bình 7,4%/năm”.
Trải nghiệm du lịch sinh thái miệt vườn
Vốn là lão nông, nhưng nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu qua nhiều tài liệu và được các ban, ngành trong tỉnh Cà Mau tạo điều kiện cho đi tham quan các điểm du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh, thậm chí ông còn có cơ hội đi tham quan học hỏi mô hình du lịch ở các nước Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Lào,.. Nhờ vậy, ông Cao Văn Dũng ở khóm 6, phường Tân Thành, thành phố Cà Mau đã học hỏi được nhiều cách làm hay và trở về áp dụng vào mô hình du lịch sinh thái tại gia đình để phục vụ du khách.
Cách đây 6 năm, ông Dũng cho khách đến tham quan, hái trái cây thưởng thức tại vườn nhà và bán cho du khách mua về. Đầu tháng 9/2019, ông quyết định đầu tư, đưa vườn nhà trở thành khu du lịch sinh thái miệt vườn để thu hút khách nhiều hơn. Để phát triển du lịch sinh thái, ông Dũng sử dụng 2ha đất của gia đình trồng cây ăn trái. Trong đó, chủ yếu là ổi, với khoảng 1.000 gốc và một số loại cây khác như: sapô (hồng xiêm), mít, cóc, xoài, dâu, nhãn… Ngoài ra, ông còn đào 13 ao nuôi các loại cá để du khách câu giải trí.
Khi đến với khu du lịch sinh thái Tám Ngoắc, du khách sẽ được tham quan, tự tay hái và thưởng thức vị ngon, ngọt của các loại trái cây. Không chỉ vậy, trong khu du lịch còn bố trí một số trò chơi để khách vui chơi, giải trí như: Tắm ao, đi cầu khỉ và chạy xe đạp qua cầu khỉ. Sau khi tham quan, vui chơi thỏa thích, du khách có thể vào trong những căn nhà lá được xây dựng trong vườn để nghỉ ngơi và tận hưởng cảm giác mát mẻ của những cơn gió thiên nhiên lùa vào. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn ngon với nguyên liệu chính là đặc sản cá chình, cá bống tượng của vùng đất Tân Thành và một số món được chế biến từ gà, cò, vạc, rắn,…Không chỉ là nơi tham quan du lịch, nơi đây còn được mọi người tin tưởng tìm đến để tổ chức các bữa tiệc gia đình, liên hoan, sinh nhật, hội nghị,... Ngoài những căn nhà được lợp bằng lá, còn có phòng Vip sang trọng, có trang bị máy lạnh đầy đủ để đáp ứng yêu cầu của khách.
Đến với khu du lịch sinh thái miệt vườn Tám Ngoắc, du khách không cần lo lắng nhiều về chi phí. Nếu khách đến tham quan, tổ chức sự kiện và dùng ẩm thực sẽ không phải chi trả tiền vé vào cổng, đặc biệt còn được tham quan, vui chơi, thưởng thức trái cây tại vườn thỏa thích. Nếu du khách chỉ đến tham quan sinh thái, hái trái cây dùng tại vườn thì chủ vườn chỉ thu mỗi người 20 ngàn đồng và chỉ tính tiền thêm khi khách hái trái cây mang về. Hiện tại, khu du lịch sinh thái cộng đồng Tám Ngoắc tiếp đón khoảng 1.000 khách/tháng, đặc biệt là vào những ngày lễ và ngày cuối tuần thì khách đến tham quan đông hơn.
Khó khăn nhìn từ một điểm sáng
Ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai), cho biết: Thực hiện Đề án số 05-ĐA/HU và Nghị quyết số 08-NQ/HU của Huyện ủy Bảo Yên năm 2021, ngoài sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc Tày trên địa bàn và xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao”.
Dựa trên những tiềm năng sẵn có với các di tích lịch sử, nguồn tài nguyên du lịch sinh thái và bản sắc văn hóa tại các bản làng của người Tày, Nghĩa Đô đã thực hiện chỉnh trang, phục dựng những nếp nhà sàn cột nghiến, cột lý, mái cọ theo đúng kiến trúc độc đáo của dân tộc Tày. Xã cũng chú trọng tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, tái hiện, bảo tồn các nghi lễ: Nghi lễ Then Tày, nghi lễ mừng thọ, Nghi lễ gánh nước thiêng, thi ném còn, thi đánh yến... Những món ăn dân tộc phong phú, như măng luộc, măng cuốn gà, Vịt bầu Nghĩa Đô, xôi bảy màu, xôi cọ, vịt lam, cá lam bắp bi chuối trong ống nứa, rêu đá, thịt trâu sấy... Duy trì các nghề truyền thống như: đan lát, thêu thổ cẩm..., phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Năm 2021, Nghĩa Đô được Lào Cai công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
Đến nay, Nghĩa Đô đã hoàn thành: 16/18 tiêu chí NTM nâng cao với nhiều tiêu chí bền vững như: Tiêu chí nhà ở dân cư, số nhà đạt chuẩn theo Bộ Xây dựng là 1.163/1.175 nhà đạt 98,97% với nhiều mô hình nhà sạch - vườn đẹp. Tiêu chí thu nhập, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 38,6 triệu đồng, tăng 2,4 triệu đồng so với năm 2020. Tiêu chí hộ nghèo, duy trì và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống dưới 5%.
Ông Lương Cao Thế, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, cho biết: “Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng hoạt động du lịch ở Nghĩa Đô vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn do một số người dân địa phương còn chưa hiểu rõ về lợi ích, ý nghĩa trong công tác phát triển du lịch trên địa bàn. Từ đó, chưa thực sự ủng hộ và đồng tình tham gia đối với các chương trình, kế hoạch của các cấp đề ra. Người dân bản địa trực tiếp tham gia tổ chức, quản lý, và vận hành các hoạt động du lịch trên cơ sở khai thác những nét đặc sắc về văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên... nhưng chưa được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức về du lịch cộng đồng, về các kỹ năng phục vụ.
Khách du lịch mới chỉ được trải nghiệm những sinh hoạt thuần túy, nhiều giá trị truyền thống bị mai một do người dân không quan tâm giữ gìn bản sắc riêng, nên chưa để lại nhiều ấn tượng cho du khách. Các điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm của địa phương còn ít, các sản phẩm chưa xây dựng được tính độc đáo riêng nên chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách.
Để du lịch trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế thì Nghĩa Đô còn phải đầu tư cơ sở vật chất công cộng như: đường giao thông, công viên, điểm check in, hỗ trợ bảo tồn làng, tuyên truyền, quảng bá...; cần sự chung tay giúp sức của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, thu hút, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu vui chơi, nghỉ dưỡng... để tạo ra những điểm nhấn ấn tượng, các hoạt động nâng tầm du lịch địa phương”.
“Điểm nghẽn” du lịch xanh Quảng Nam
Mặc dù đã có định hướng rõ ràng về việc phát triển du lịch xanh trên địa bàn, song ngành du lịch Quảng Nam vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” chưa được tháo gỡ.
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FVG, cho rằng, trong quá trình vận hành và đưa vào hoạt động, khôi phục ngành du lịch Quảng Nam, cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực “xanh” để đáp ứng bộ tiêu chí du lịch xanh.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch xanh gặp nhiều khó khăn bởi đây là lĩnh vực lâu mang lại lợi nhuận. Theo đó, du lịch xanh sẽ có quá trình đầu tư lâu dài. Ngoài ra, việc liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau cũng chưa được thể hiện rõ, dẫn đến thiếu tiếng nói chung trong cách thức hoạt động.
“Hội An có nhiều doanh nghiệp du lịch lớn. Tuy nhiên, để gắn kết những “ngôi sao” này thành một ngôi sao lớn hơn rất khó. Chưa kể đến, việc phát triển du lịch xanh vẫn chưa tạo được nhiều ấn tượng với khách nội địa, còn khách quốc tế phải chờ đến năm sau”, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cho biết.
Theo các chuyên gia, cần sớm có cơ chế để hỗ trợ đối với các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình xanh, tạo động lực để các doanh nghiệp kiên trì, xây dựng các sản phẩm mang lại giá trị lợi ích lâu dài cho cộng đồng. Nếu không, rất dễ tạo tâm lý nản chí, bỏ cuộc.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Nam, cho hay, địa phương sẽ xây dựng và định hướng phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng du lịch xanh, bền vững, an toàn để thu hút khách, tạo nét độc đáo, khác biệt, đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường. Song song với đó là đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch đang triển khai để đưa vào hoạt động, đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, sinh thái,...
Nhỏ lẻ, tự phát
Về thôn Muối, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn – Bắc Giang) - xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và nông thôn mới nâng cao năm 2020, dễ nhận thấy đời sống người dân nâng cao nhờ trồng vải nhưng dịch vụ để phát triển du lịch còn khá sơ khai. Gia đình ông Chu Xuân Ba trồng hơn 2ha vải, và khoảng 0,5ha nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, ông Ba mới bắt đầu triển khai mô hình phát triển du lịch gắn với các loại cây ăn quả sẵn có của gia đình. Tuy nhiên, các dịch vụ phục đoàn khách gần như tự phát và chưa có dịch vụ du lịch.
“Tôi cũng muốn phát triển du lịch chủ yếu là để quảng bá hình ảnh vườn vải và qua đó tiêu thụ được giá hơn. Hiện, khi có khách du lịch tới thì chúng tôi cũng để khách tham quan và bán vải theo yêu cầu”, ông Ba chia sẻ.
Ông Vi Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Giáp Sơn cho biết: Bình quân mỗi hộ ở thôn Muối có hơn 1ha vải thiều. Để thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ, chúng tôi cũng định hướng phát triển du lịch gắn với giá trị văn hoá. Tuy nhiên, để xây dựng chuẩn dịch vụ du lịch còn rất nhiều việc phải làm.
Bà Khúc Thị Nga, Phó giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ An Phú, cho biết: Chúng tôi đang xây dựng các chương trình tham quan du lịch gắn giữa vườn vải và du lịch tại hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn). Tuy nhiên, dịch vụ vẫn ở mức sơ khai. Với các vườn vải, người dân tập trung chủ yếu trồng, thu hoạch nông nghiệp thuần tuý, chưa có các dịch vụ hỗ trợ và khả năng giới thiệu về quy trình chăm sóc, thu hoạch, phân biệt các loại vải. Còn trên hồ Cấm Sơn mới chỉ có 1 đảo xây dựng chỗ ăn ở, cắm trại và đưa khách đi vào bản trải nghiệm du lịch cộng đồng. Ngay cả thuyền chở khách chủ yếu là tận dụng lại thuyền chở dân đi lại trên lòng hồ nên chưa theo đúng tiêu chuẩn du lịch. Hiện nay, các thành viên hợp tác xã cũng căn cứ trên nhu cầu và lượng khách để đầu tư thuyền có chất lượng dịch vụ tốt hơn, giảm tiếng ồn, đảm bảo môi trường.
Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam, sau khi khảo sát thực địa về điểm đón khách tại thôn Muối nhận xét: Hạ tầng, đường sá trong thôn khá hoàn thiện nhưng chất lượng tiêu chuẩn dịch vụ du lịch gần như sơ khai từ vệ sinh, thông tin giới thiệu... Xã và huyện nên quy hoạch và hướng dẫn cụ thể. Tại vườn vải cũng hướng dẫn, bảng thông tin cây nào khai thác phục vụ du lịch, cây nào để bán buôn… Nhiều gia đình thu nhập từ trồng vải khá lớn nên ý thức để bỏ công sức để đầu tư dịch vụ du lịch chưa được quan tâm.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty Du lịch AZA, với lợi thế về hạ tầng đã được đầu tư khi xây dựng nông thôn mới, huyện Lục Ngạn có thể thành điểm du lịch khi xây dựng được sản phẩm du lịch từ điểm nghỉ dưỡng, tham quan di tích… Với vùng vải, cần phải có sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp địa phương để phối hợp với bà con thống nhất quy trình đón khách. Khách đến vườn vải, được trải nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: Không chỉ Bắc Giang mà tại một số vùng trồng cây ăn quả, để các chủ vườn tham gia phát triển du lịch là điều khó khăn. Đơn cử như trước đây, tại khu vực trồng cam Hàm Yên (Tuyên Quang), giá trị từ trồng cam lớn nên khi vận động người dân tham gia điểm du lịch thì ít hộ mặn mà bởi chi phí đầu tư, duy trì dịch vụ khá tốn kém, lợi nhuận không là bao so với bán cam. Do đó, khi vận động, chỉ có 1-2 hộ tham gia dự án phát triển du lịch với mục đích chính là quảng bá sản phẩm, tuyên truyền nét văn hoá.
Bài 3: Giải pháp tổng thể
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Hiện, các nhà vườn ở Tiền Giang đang bước vào thu hoạch sầu riêng nghịch vụ. Có thể do sản lượng năm nay đạt thấp nên giá bán liên tục tăng. Tại khu vực huyện Cai Lậy nhiều nhà đang bán với giá từ 185.000 - 200.000 đồng/kg (giống Monthong loại A), loại B từ 170.000 - 175.000 đồng/kg; sầu riêng Ri 6 loại A có giá từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.