Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 9:56

Để “công nghiệp không khói” ở nông thôn phát triển bền vững: Giải pháp tổng thể

Để du lịch nông thôn thật sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương.

Để du lịch nông thôn thật sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bền vững.

Tiềm năng lớn

Tổ chức Du lịch thế giới cho biết, lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng 10-30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn điểm đến là nông thôn để trải nghiệm.

 

z3722971712581_527ea2701a502f13a457eb258093afb4.jpg
Du khách nước ngoài trải nghiệm nghề làm gốm Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội). Ảnh: Thu Phương

 

Nước ta hiện có ba hình thức du lịch nông thôn là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái; có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch. Theo thống kê của ngành Du lịch, trong số 1.300 địa điểm du lịch do các địa phương quản lý, có đến 70% là điểm du lịch ở khu vực nông thôn.

Thực tế, nhiều địa phương ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang làm rất tốt mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo được nhiều công ăn việc làm cho nông dân, ít nhiều góp phần phát triển, làm thay đổi bộ mặt nhiều miền quê, đồng thời tiếp tục bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm an sinh xã hội. Điều này cho thấy du lịch nông thôn đang có vai trò quan trọng trong tổng thể ngành Du lịch Việt Nam, và có nhiều tiềm năng phát triển để trở thành một bộ phận không thể thiếu của ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch.

Nhìn trên tổng thể, có thể thấy dù có nguồn tài nguyên lớn, song du lịch nông thôn ở nước ta hiện còn nhiều bất cập. Loại hình này hầu như mới chỉ phát triển với quy mô nhỏ lẻ, tự phát là chính, tính hệ thống và sự kết nối chưa cao. Phổ biến nhất hiện nay là các hình thức như: Chủ thể khai thác, cung ứng dịch vụ theo kiểu gia đình tự đầu tư kinh doanh homestay.

Tạo điểm nhấn về chất lượng dịch vụ

Nhìn rộng ra toàn quốc, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có từ khi Việt Nam hội nhập, phát triển du lịch gắn với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Một số địa phương phát triển loại hình gắn với nông thôn như trồng rau ở Quảng Nam, du lịch miệt vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long…

 

z3722971719941_79a2fe2c56b7f982288bdc63c27e6745.jpg
Cánh đồng sen Nhật tại huyện Hoa Lư (Ninh Bình) phục vụ du khách đến tham quan. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, phát triển du lịch nông nghiệp theo đúng chuẩn phải gắn liền với sản xuất, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch… Điều này gắn với trải nghiệm và quan trọng nhất là trải nghiệm bán được hàng hoá. Có như vậy mới mang lại giá trị kinh tế và khuyến khích người dân tham gia chương trình du lịch nông nghiệp. Còn với du lịch nông thôn, quan trọng không kém bên cạnh hạ tầng là gìn giữ được nét văn hoá. Do vậy, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới là chọn một số làng, thôn điển hình để làm điểm, từ đó mới tạo được sức hút để có khách.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết, từ năm 2018, Tổng cục đã có bàn thảo về du lịch nông nghiệp, nông thôn nhân Hội chợ Du lịch Việt Nam. Các ý kiến thống nhất, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, cần các yếu tố: Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp, chủ thể tổ chức cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp, các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách, vai trò của các công ty lữ hành, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến.

Từ góc độ doanh nghiệp du lịch, bà Phạm Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng, cho biết: Mới đây, chúng tôi có tham gia khảo sát du lịch nông nghiệp tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Cùng với Mộc Châu (Sơn La), Lục Ngạn hướng đến hình thành điểm du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng cây ăn quả và kết nối với điểm tham quan sinh thái tại hồ Cấm Sơn nhưng cơ sở vật chất của Lục Ngạn còn quá nghèo nàn khi ít khách sạn mà chủ yếu là những nhà nghỉ. Còn một nơi đẹp như hồ Cấm Sơn nhưng khi khách đến không có chỗ nghỉ ngơi, chỉ thưởng thức một bữa ăn trên đảo rồi trở về. Như vậy, việc đón khách mới chỉ dừng lại khách nội địa tham quan trong ngày và ít mạng lại hiệu quả kinh tế.

Thực tế thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua có vai trò nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Đây là cơ sở tốt để khai thác phục vụ du lịch khi có sự liên kết với doanh nghiệp du lịch để góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.

“Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ chỉ được đánh thức, phát huy khi người dân tại chính địa phương thấy yêu và tự hào với vẻ đẹp không gian nơi họ sống, sản phẩm họ làm ra và những giá trị văn hóa được bảo tồn lan toả tới cộng đồng. Bên cạnh đó, làm du lịch phải có đầu tư chuyên sâu để khách lưu trú, ăn uống, dùng nông sản địa phương, mua sắm, sử dụng dịch vụ du lịch..., qua đó tạo công ăn việc làm, tăng giá trị kinh tế mới phát triển bền vững, đồng thời quảng bá, lan toả nét đẹp địa phương”, bà Hương nhận xét.

Cần chiến lược dài hơi

Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, mục tiêu chính của du lịch cộng đồng và là kim chỉ nam cho loại hình phát triển này là góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, bao gồm cả sự đa dạng về sinh học, tài nguyên nước, rừng, bản sắc văn hóa, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương thông qua việc tăng doanh thu về du lịch và những lợi ích khác cho cộng đồng địa phương. Du lịch cộng đồng phải mang đến cho khách một sản phẩm có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.

Việc phát triển du lịch cộng đồng không thể nóng vội, chạy theo phong trào mà cần có chiến lược bài bản, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững. Để các sản phẩm du lịch cộng đồng thực sự đi vào chiều sâu, rất cần có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”: Nhà nước định hướng và xây dựng chính sách quản lý phát triển du lịch cho toàn vùng; hộ gia đình tham gia làm du lịch đều có quyền lợi và nghĩa vụ bảo tồn di sản văn hoá dân tộc; các nhà tư vấn tích cực tư vấn cho người dân các biện pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Phát triển du lịch cộng đồng cần phải được đẩy mạnh và gắn với gìn giữ cảnh quan tự nhiên, sự đa dạng sinh học, những nét văn hóa bản địa đặc sắc và bảo vệ được môi trường; đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tăng sự hấp dẫn đối với du khách. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo của bà con dân tộc thiểu số; duy trì các phiên chợ văn hóa vùng cao nhằm hướng tới việc khôi phục, bảo tồn nét văn hóa địa phương, đồng thời khai thác văn hóa vào phát triển du lịch.

Cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là đào tạo nghề, sản xuất quà tặng, quà lưu niệm để bán cho khách du lịch, ưu tiên các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, sáng tạo các sản phẩm từ những loại cây, hoa, lá mang đặc trưng vùng miền.

Nhà nước cần có hướng dẫn và có các quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội - nhân văn, văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường thiên nhiên…

Dẫn câu chuyện thực tế tại tỉnh Lâm Đồng, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết, cách đây vài năm, câu chuyện Khu du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay tại TP. Đà Lạt khi đi vào hoạt động, rà soát kiểm tra lại thấy rất nhiều vấn đề đặt ra, nhất là việc chuyển từ đất nông nghiệp sang loại hình khác là vấn đề rất khó giải quyết. Bên cạnh đó, là vấn đề quy hoạch. Trước đây, có quy hoạch của địa phương, của huyện, của tỉnh, quy hoạch của ngành nhưng nay, tất cả được tích hợp chung vào Luật Quy hoạch. Cần tính bài toán này. Quy hoạch du lịch nông thôn cần được các địa phương xác định rõ và tích hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Cũng theo ông Việt, để phát triển du lịch nông thôn bền vững, cần những đánh giá cụ thể cho từng vùng miền, chẳng hạn Đồng bằng sông Hồng, miền núi trung du, hay Đồng bằng sông Cửu Long, bởi mỗi một khu vực lại có lợi thế, đặc điểm riêng, nên không thể trộn lẫn và phát triển chung chung.

Còn bà Cao Xuân Thu Vân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề xuất: “Muốn phát triển du lịch nông nghiệp, phải gỡ sự chồng chéo trong quản lý ở các địa phương, đồng thời phải có sự chung tay, tham gia liên ngành để cùng gỡ khó”.

Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.

Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.

Đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới

Một trong các nhiệm vụ của Chương trình là nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, định hướng, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.

Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường.

Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…) tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền.

Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm,… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch.

Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn,…).

Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, ăn uống, giải khát, vệ sinh…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch với khoảng cách hợp lý.

Dự kiến, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 sẽ khoảng 2.500 tỷ đồng.

Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền

Nhiệm vụ khác của Chương trình là phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền.

Cụ thể, tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi,…). Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.

Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường.

Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao,…; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng.

Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống,… gắn với du lịch nông thôn.

Với những mục tiêu tạo đột phá nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực nông thôn trong khi làm tốt công tác giữ gìn, xây dựng cảnh quan, môi trường ngày càng văn minh, sạch đẹp, chương trình mang tầm mức quốc gia, xác định mục tiêu rõ ràng, các giải pháp đồng bộ cũng như phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan cùng với việc thu xếp nguồn lực, kinh phí đầu tư... được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả phát triển du lịch nông thôn giai đoạn tới.

OCOP, chương trình tích hợp đa giá trị

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong XDNTM giai đoạn 2021-2025. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việc thực hiện Chương trình OCOP và phát triển du lịch nông thôn gắn với XDNTM giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa để tạo không gian phát triển kinh tế, giá trị cố kết cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Việc triển khai các chương trình cần linh hoạt, phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm, điểm du lịch nông thôn gắn với XDNTM từng địa phương, sắp xếp, tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gai XDNTM. Các địa phương cần tiếp tục tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế và điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương. Qua đó nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo dấu ấn về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Theo Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn, Quyết định 9/9/QĐ-TTg nêu rõ: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng... Bên cạnh những giải pháp về tuyên truyền, truyền thông, việc tổ chức triển khai cần linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó tập trung phát triển các đặc sản...

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top