Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: “Một quốc gia muốn “hoá rồng, hoá hổ” thì phải duy trì được mức tăng trưởng cao, ổn định và đột phá trong chính sách”.
Duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định
Theo ông Nguyễn Văn Bình, kinh tế Việt Nam có một năm thành công và đáng ghi nhận. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, và vượt qua mọi con số dự báo trước đó. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng thiết lập những kỷ lục mới; trong đó xuất khẩu đạt gần 245 tỷ USD, tăng 13,7% và vượt xa mức kỷ lục 214 tỷ USD của năm 2017. Nhờ đó xuất siêu cũng xác lập kỷ lục mới với 6,89 tỷ USD, tăng 147% so với năm trước. Trong năm 2018, Việt Nam thu hút được gần 35,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ giải ngân tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,1% với kỷ lục mới về số vốn giải ngân đạt 19,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách.
“Khi đang đứng ở trên thành công chính là lúc chúng ta cần tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới. Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không phải chỉ là “một còn mèo nhỏ” mà phải trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á?”, ông Bình nêu vấn đề.
Ông Bình cho rằng, Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế. Một quốc gia muốn “hóa rồng, hóa hổ” thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.
Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và lĩnh vực này cũng đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng để tiếp cận được hầu hết các thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn gắn liền với thách thức. Với nền công nghiệp phụ trợ còn yếu và thiếu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu gia công ở giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng thấp nên khi các FTAs có tính đến quy tắc xuất xứ và năng lực của công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi.
Vì vậy, cần làm rõ chiến lược thu hút doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới là gì? Làm thế nào để kết nối được các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI cùng tham gia vào chuỗi giá trị, sản xuất toàn cầu, và cùng khai thác được các lợi thế của các FTA thế hệ mới mang lại?
Cần đẩy mạnh liên kết kinh tế
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định, Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất, điểm đến của doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI không chỉ tăng vốn mà còn tạo hàng triệu việc làm trực tiếp, gián tiếp, mang đến xuất khẩu quan trọng cho Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của thế giới còn nông, nên chưa gặt hái được nhiều lợi ích mở cửa với bên ngoài cho doanh nghiệp nội.
Cán cân xuất nhập khẩu chủ yếu thuộc về FDI, 70% giá trị thương mại trong hoạt động xuất khẩu thuộc về khu vực có vốn FDI. Trong khi đó, thâm hụt thương mại hiện nay thuộc về khu vực doanh nghiệp trong nước.
Đáng lo hơn, tỷ trọng giá trị nội địa của Việt Nam hiện đã giảm theo thời gian, đóng góp của Việt Nam còn thấp trong các sản phẩm xuất khẩu cao, giá trị nội địa sản phẩm điện tử chỉ chiếm 40%, còn lại 60% là nguyên liệu nhập khẩu.
“Giai đoạn 2010 - 2016, giá trị nội địa trong hàng xuất khẩu có độ tinh xảo cao tại Việt Nam cũng giảm. Điều này thực chất cho thấy Việt Nam vẫn lắp ráp, sử dụng nhiều lao động, giá trị thấp”, ông Ousmane Dione nói.
Nguyên nhân của tình trạng này là do Việt Nam thiếu nhà cung cấp trong nước có chất lượng tốt. Hiện, chỉ có 9% doanh nghiệp trong nước có chứng chỉ quốc tế về chất lượng.
Theo ông Ousmane Dione, ở cuộc Cách mạng 3.0, giá trị gia tăng trên thế giới hầu hết tạo ra là ở phần thượng nguồn như nghiên cứu chế tạo (R&D), quản trị vòng đời sản phẩm gắn với đổi mới ứng dụng, tiếp sau đó mới là các giá trị ở hạ lưu như marketing và giao kết dịch vụ thương mại. Còn đối với cuộc Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi nhanh chóng, R&D chỉ một vài nước có được, còn các giá trị thương mại, dịch vụ sẽ được nhiều nước tận dụng và tạo giá trị.
“Hiện, Việt Nam mới chỉ tham gia vào lắp ráp cơ bản, có nghĩa đang tham gia giá trị ngày càng thấp. Chính vì vậy, trong thời gian tới, bất kỳ việc nào gia tăng đầu tư nào thì cũng nên đầu tư đồng bộ cả vào thượng nguồn và hạ nguồn.
Các ngành chức năng Việt Nam cần nâng cao giá trị doanh nghiệp trong nước để kết nối, tận dụng hợp tác với FDI và chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết kinh tế, bao gồm các lĩnh vực dịch vụ và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Bên cạnh đó, cần thu hút nhà đầu tư thành đối tác chính để đưa ra hướng dẫn chỉ đạo, tiếp thị cần thiết cho nền kinh tế với bên ngoài”, ông Ousmane Dione khuyến cáo.
Tận dụng cơ hội nền kinh tế số đem lại
Trong bài phát biểu với chủ đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi một cách sâu rộng đời sống kinh tế - xã hội. Công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, tự động hóa, dữ liệu lớn thực sự đang làm thay đổi tư duy nhận thức, mô hình tổ chức, phương thức hoạt động và cách thức giao tiếp của chúng ta. Nó thực sự dần trở thành động lực quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh.
Nền kinh tế số là nền kinh tế dựa trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu và phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong giai đoạn mới. Kinh tế số đang và sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia trên thế giới phát triển nhanh hơn để hướng tới xã hội thịnh vượng và văn minh.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, phát triển kinh tế số cũng đòi hỏi những điều kiện không đơn giản và tạo ra không ít những thách thức như: Vấn đề lao động, việc làm, nhất là giảm dần lợi thế lao động giá rẻ do bị thay thế bởi máy móc và người máy robot, nhiều kỹ năng lao động hiện tại sẽ dư thừa trong tương lai, gia tăng thất nghiệp, bất bình đẳng, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo…
Trả lời câu hỏi: làm thế nào để Việt Nam bắt kịp công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng, để Việt Nam tiếp cận, tạo nền tảng cho chuyển đổi số và nền kinh tế số có một số yếu tố quan trọng.
Thứ nhất là hạ tầng công nghệ thông tin (ICT) mà nền tảng là mạng viễn thông tốc độ cao, băng thông rộng, phủ rộng khắp và thể hiện là mỗi người dân Việt Nam có một điện thoại thông minh, khi đó kinh tế số, ứng dụng số mới đi vào mọi ngõ ngách trong xã hôi.
Thứ hai là phải chấp nhận cái mới; tạo ra thị trường ban đầu cho các doanh nghiệp thực hiện kinh tế số; phát triển nguồn nhân lực.
“Để chuyển đổi số Việt Nam có thể lựa chọn chiến lược 3 bước. Bước 1 là đẩy nhanh việc số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp, đẩy nhanh chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp, chuyển đổi số trong xã hội nhằm tăng hiệu quả lao động, tăng năng suất lao động vào tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới. Bước 2 sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Bước 3 tiến tới nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới. Các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, khi cuộc cách mạnh công nghiệp số, cách mạng 4.0 xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá nhưng phải là một tư duy mới không truyền thống, không tuần tự cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong tiếp cận”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khẳng định.
Theo Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, trong Báo cáo “Tương lai số của chúng ta” do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 10/2018, ước tính đến năm 2022, kinh tế số đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu, cùng với đó là khoảng cách giữa nền kinh tế số và nền kinh tế thực, giữa xã hội số và xã hội thực dần xóa nhòa.
Về cơ bản, kinh tế số, xã hội số sẽ tiếp tục là những câu chuyện lớn ít nhất trong cả thập kỷ tới, do đó đây là cơ hội của Việt Nam bởi trong lĩnh vực này, tất cả các quốc gia đều cùng một vạch xuất phát. Trong thời đại công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo thì những rào cản công nghệ truyền thống không còn là khoảng cách lớn nữa, cơ hội được chia đều và mọi quốc gia đều có thể vươn lên bứt phá.
Vậy, Việt Nam cần làm gì để tận dụng hiệu quả những cơ hội mà nền kinh tế số đem lại, để không bỏ lỡ chuyến tàu công nghiệp 4.0, để đưa nền kinh tế số thực sự trở thành một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới?
“Khát vọng của Việt Nam là tới năm 2045 sẽ trở thành nước thịnh vượng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày lập nước, có thể đứng trong hàng ngũ những nước thu nhập cao”, ông Bình cho biết.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.