Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 9 năm 2017 | 3:1

Để không có thêm cuộc giải cứu lợn: Sản xuất theo tín hiệu thị trường

Cơn khủng hoảng giá thịt lợn kéo dài suốt từ những tháng cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 đã để lại những hậu quả nặng nề cho ngành chăn nuôi, người nông dân lao đao vì thua lỗ. Giờ đây, cơn khủng hoảng  tạm lắng nhưng những bài học đắt giá về chăn nuôi không theo dự báo thị trường thì vẫn còn nguyên vẹn.

Nắm vững quy luật, sản xuất theo tín hiệu thị trường... là cách để tránh khủng hoảng về giá trong chăn nuôi lợn.

Người chăn nuôi thua lỗ

Chăn nuôi tự phát, không theo tín hiệu thị trường, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn tại xã Ngọc Lũ (Bình Lục - Hà Nam) thua lỗ nặng. Là hộ chăn nuôi lợn có thâm niên 10 năm, anh Lê Huy Mạnh, ở đội 12, chia sẻ, giá bắt đầu giảm từ tháng 9/2016, từ 56.000 đồng/kg lợn hơi xuống còn 47.000 đồng/kg, đến tháng 2/2017, giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc, xuống 22.000 đồng/kg, và chạm đáy 15.000 đồng/kg vào tháng 3/2017. Với giá bán như vậy, mỗi con lợn gia đình anh thua lỗ 3-4 triệu đồng.

Từ hơn 1.000 con lợn, hiện trong chuồng trại của anh Mạnh chỉ còn 400 con. Cơn khủng hoảng đi qua, gia đình anh lỗ khoảng 1,7-1,8 tỷ đồng.

Theo đại diện UBND xã Ngọc Lũ, trên địa bàn xã có khoảng 80% số hộ chăn nuôi lợn. Chỉ tính riêng khu giáp Trại Cau, có thời điểm nuôi tới 10.000 con lợn/lứa. Và trong đợt khủng hoảng giá lợn vừa qua, dân Ngọc Lũ nhà nào cũng thua lỗ.

Chia sẻ tại Hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển ngành chăn nuôi lợn” vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Sau 3 tháng triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động đã có những kết quả tích cực. Cụ thể, giảm 500.000 lợn nái, chiếm 20% tổng đàn lợn nái của cả nước; hàng trăm nghìn tấn thịt lợn được tiêu thụ. Sau 3 tháng triển khai, giá lợn hơi đã tăng thêm 5.000 - 7.000 đồng/kg, với mức tăng này giúp người chăn nuôi giảm thua lỗ 1.500 - 2.000 tỷ đồng/tháng. Mặc dù là giải pháp tình thế nhưng việc “giải cứu” thời điểm đầu tháng 5 vừa qua đã giúp người chăn nuôi vượt qua “cơn bão giá”.

Chia sẻ về diễn biến thị trường lợn hơi thời gian vừa qua, ông Dương cho biết, trước quý III/2016, giá lợn hơi trong nước có chịu ảnh hưởng đáng kể của thị trường Trung Quốc. Trong khi giá lợn hơi của Thái Lan biến động và không chịu chi phối của thị trường Trung Quốc. Từ quý IV/2016, giá lợn hơi trong nước giảm thấp và giảm sâu vào quý I-II/2017. Đây là mức giảm giá bất thường và cá biệt so với thị trường thịt lợn trong khu vực và trên thế giới.

Cũng theo ông Dương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm giá sâu và bất thường đối với mặt hàng thịt lợn trong nước do đàn nái tăng cao bất thường vào năm 2015 và nhất là năm 2016. Cùng với tăng năng suất chăn nuôi đã làm nguồn cung thịt lợn trong nước tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu thịt lợn của thị trường nội địa không tăng do chịu chi phối của các mặt hàng thực phẩm khác như: gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ và thủy sản. Đồng thời, xuất khẩu lợn hơi giảm đột ngột vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017 cũng là nguyên nhân thực tế, là yếu tố gây tâm lý bất ổn cho thị trường thịt lợn trong nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, mặc dù con giống hiện đã được cải thiện ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực; thức ăn chăn nuôi đứng thứ nhất trong khu vực với sản lượng 31 triệu tấn/năm; công nghệ, quy trình luôn được nâng cao nhưng ngành chăn nuôi mới chỉ làm tốt khâu thúc đẩy sản xuất. Khâu chế biến và thị trường vẫn còn yếu, trong khi đây là 2 khâu rất quan trọng.

Sản xuất theo tín hiệu thị trường

Theo các chuyên gia, giải cứu chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, để ổn định thị trường và phát triển, ngành chăn nuôi lợn cần sản xuất theo tín hiệu thị trường. Trong đó, cân đối cung cầu, cải tạo đàn lợn nái theo hướng nâng cao chất lượng; giảm giá thành và nâng cao giá trị bằng công nghệ chế biến. 

Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty công nghệ thực phẩm Minh Anh (Hà Nội), chia sẻ, việc liên kết theo chuỗi giá trị rất quan trọng, cần đề cao vai trò của doanh nghiệp (DN) đầu tàu trong chuỗi, có cơ chế hỗ trợ DN, hợp tác xã trong chuỗi, tuyên truyền cho bà con về vai trò của chuỗi. Đồng thời, đề xuất xây dựng hiệp hội sản xuất thịt lợn an toàn, trong đó, sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát việc thực thi các khâu sản xuất trong chuỗi, tránh tình trạng nếu làm không tốt dẫn đến mất niềm tin của người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Dương cho biết, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi gắn với thị trường, gắn với môi trường. Trong đó, quan trọng là xây dựng các chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi sẽ có kế hoạch trọng tâm, điều chỉnh chiến lược chăn nuôi tới năm 2020 và tầm nhìn 2030, đề án này sẽ được hoàn thành trong quý IV/2017. Hoàn thành đề án xuất khẩu mặt hàng thịt lợn trong quý IV/2017, hoàn thiện Luật Chăn nuôi trình Quốc hội. Theo đó, ngành chăn nuôi là một trong những ngành có điều kiện…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, muốn đẩy mạnh chăn nuôi cần phải đánh giá lại thị trường tiêu thụ, chủ yếu là thị trường trong nước, còn xuất khẩu chỉ một phần. Đặc biệt, phải tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, cho rằng, việc giải cứu thịt lợn là không mong muốn, nhưng quan trọng là chúng ta phải làm thế nào để việc này không xảy ra trong tương lai. Như hiện nay, có quá nhiều thành phần tham gia vào việc cung cấp thịt lợn. Muốn kiểm soát được số lượng và chất lượng thịt lợn phải tạo ra chuỗi an toàn thực phẩm.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông  Hòa cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã tạo ra chuỗi thịt lợn, mỗi người chăn nuôi muốn tham gia vào chuỗi phải được ngành nông nghiệp công nhận an toàn dịch bệnh. Họ sẽ được cấp mã định danh. Hiện, mỗi ngày TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn, trong đó 75% đã có truy xuất nguồn gốc. Thành phố cũng sẽ quy hoạch lại hệ thống giết mổ. Tới 2018 - 2019 sẽ quy hoạch hệ thống giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ việc quy hoạch này sẽ giúp người chăn nuôi biết được tín hiệu thị trường, người tiêu dùng cũng biết được nguồn gốc của thịt lợn. Chỉ có như vậy mới không lặp lại tình trạng giải cứu. 

Đồng quan điểm, ông Vinh nêu ý kiến: Với việc tổ chức sản xuất theo chuỗi, mặc dù giá mua không quá cao nhưng đảm bảo 100% đàn lợn của bà con sẽ được thu mua. Vì vậy, trong thời gian tới, để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, cần siết chặt quản lý các cơ sở giết mổ không đảm bảo, tuyên truyền vai trò của giết mổ công nghiệp, chuỗi liên kết sản xuất khép kín truy xuất được nguồn gốc. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần nhận dạng lại ngành chăn nuôi lợn trong bối cảnh mới, đặc biệt về sức sản xuất, nhu cầu và khả năng tổ chức thị trường. Đồng thời, cơ cấu lại ngành hàng chăn nuôi lợn theo hai hướng: một nhánh đi theo hướng công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đảm bảo điều kiện nuôi tốt về chuồng trại, con giống,…; một nhánh đẩy nhanh chăn nuôi hữu cơ theo hướng lợn đặc sản. Trong đó, việc chăn nuôi lợn cần đảm bảo phát triển bền vững về cả kinh tế, môi trường và an sinh cho các hộ chăn nuôi lợn.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Thời gian tới sẽ thúc đẩy nhanh hướng chăn nuôi hữu cơ, tập trung vào các giống lợn đặc sản. Đặc biệt, phải tổ chức lại sản xuất, từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến DN đều phải thực hiện chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Bởi đây chính là hướng đi cho phát triển bền vững.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top