Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 10 năm 2020 | 14:29

Để nông sản Việt đi nhanh trên “cao tốc EVFTA”

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang EU đạt kim ngạch 148 triệu USD, tăng 28,5% so với năm 2018, nhưng mới chỉ chiếm 0,08% tổng nhu cầu nhập khẩu rau, quả của EU.

t38.jpg
Nhà vườn Bắc Giang thu hoạch vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất sang EU. Ảnh: TTXVN

 

EVFTA và cơ hội cho nông sản Việt

Liên minh châu Âu (EU) là một cộng đồng gồm 27 quốc gia, trong đó có 3 quốc gia công nghiệp hàng đầu trong nhóm G7 là Đức, Pháp và Ý. Tổng sản phẩm quốc nội của EU đạt 18.292 tỷ USD, đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Với số dân 448 triệu người, thu nhập bình quân đầu người 35.623 USD (2019), EU là thị trường lớn của nông sản thế giới.

Năm 2019, EU nhập khẩu 119,3 tỷ Euro nông sản, thực phẩm, trong đó trái cây nhiệt đới 12,5 tỷ USD, tăng 6% so với 2018. Điều đáng chú ý là kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản của EU tăng trưởng liên tục ở mức trung bình 5%/năm và nếu so với 2002, tổng kim ngạch XNK năm 2018 tăng hơn 2 lần.   

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết ngày 30/6/2019 sau 7 năm đàm phán, được Nghị viện châu Âu phê chuẩn ngày 12/2/2020, Hội đồng châu Âu đã thông qua ngày 30/3/2020 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có mức độ cam kết rộng và phạm vi cam kết cao về mở cửa thị trường. Hiệp định gồm 17 chương, 2 Nghị định thư và một số Biên bản ghi nhớ.

Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, qua đó giành lợi thế lớn mở của thị trường nông sản so với các đối tác có cùng nhóm hàng nông sản xuất khẩu ở Đông Nam Á (gạo, cà phê, trái cây nhiệt đới: rau quả tươi, đông lạnh, chế biến,…) như Thái Lan, Philippines, Indonesia hay Malaysia.

Nông sản Việt, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc thực vật như: cà phê, điều, tiêu, trái cây nhiệt đới của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với nông sản EU mà mang tính bổ sung. Do vậy, với thuế giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, cà phê, hạt điều,… của Việt Nam sẽ có ưu thế lớn về giá. Riêng rau quả, ngay khi EVFTA có hiệu lực thì 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... Đây là cơ hội to lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường này.

EVFTA khác biệt so với các FTA ký trước đó, không có hạn chế về mặt hàng và kim ngạch, nên không phải đàm phán từng mặt hàng cụ thể. Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào sang EU, miễn là mặt hàng đó được sản xuất tại Việt Nam và đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang EU đạt kim ngạch 148 triệu USD, tăng 28,5% so với năm 2018, nhưng mới chỉ chiếm 0,08% tổng nhu cầu nhập khẩu rau, quả của EU.

Những trái ngọt ban đầu

Tháng đầu tiên khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 3,78 tỉ USD, tăng 16,7% so với trung bình tháng. Đáng chú ý, ngay trong tháng 8, khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã ghi nhận những lô hàng đầu tiên như gạo, cà phê, tôm, trái cây bao gồm dừa tươi, bưởi, thanh long, chanh leo (lạc tiên) và quả đông lạnh, đóng hộp (dứa)... xuất khẩu sang EU với thuế suất về 0%. Chiều 17/9, tại Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ công bố chính thức xuất khẩu lô hàng trái cây sang EU theo Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Lô hàng gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long do Tập đoàn Vina T&T xuất khẩu sang EU bằng đường biển và hàng không.

Tại sự kiện này, ông Jacques Poulain, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), khuyến nghị: Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hơn về quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để không gây độc hại cho người tiêu dùng.

 Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết, năm 2019, doanh số xuất khẩu trái cây tươi sang EU của doanh nghiệp là 6,45 triệu USD và kỳ vọng năm 2020 sẽ tăng 20% nhờ EVFTA.

“Mức cam kết giảm thuế của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về rau quả nhưng chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... Đây là cơ hội to lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường này”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh nhận định. Gạo, rau quả tươi, cà phê, thủy sản… là những mặt hàng điển hình đang tận dụng cơ hội xuất khẩu vào EU nhờ EVFTA.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 1 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 27 nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre đan... 

Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp..., trong đó nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Còn cả một quá trình để thích ứng, chuyển đổi

Bên cạnh cơ hội mà EVFTA mang lại, các chuyên gia cho rằng, vẫn có những thách thức cần phải đối mặt bởi khi EU mở cửa rất mạnh mẽ, giảm thuế nhưng đồng thời cũng đặt ra những hàng rào kĩ thuật rất chặt chẽ, nhất là yêu cầu về chất lượng hàng nông sản. Trước những rào cản kỹ thuật được quy định trong EVFTA, người nông dân, doanh nghiệp Việt cần phải dần thích ứng để đáp ứng chất lượng theo yêu cầu của EU.

Ông Poulain Jacques khuyến nghị, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nguyên liệu trước khi chế biến và phải đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất. Vấn đề này cần được giải quyết ngay để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

“Bên cạnh đó, cần tăng trưởng bền vững để ổn định thu nhập cho người nông dân, giảm lượng khí thải nhà kính, điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu của thị trường, xem xét những thách thức của biến đổi khí hậu, phát triển các trang trại để tập trung sản xuất hữu cơ.

Nếu giải quyết được các vấn đề sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững, Việt Nam sẽ có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu trái cây và nông sản vào EU thời gian tới”, đại diện EuroCham nhấn mạnh.

 

Điều kiện nông sản Việt thâm nhập thị trường EU

Phải đảm bảo đáp ứng quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm, tuân thủ các cam kết về SPS. Đối với các sản phẩm trồng trọt phải đáp ứng điều kiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng theo quy định của EC 396/2005 và các điều chỉnh bổ sung.

Tuân thủ các yêu cầu đối với dư lượng kim loại nặng và vi sinh vật.

Hơn nữa ràng buộc về bảo vệ môi trường, lao động trong đó không sử dụng lao động cưỡng bức, lao động trẻ em.

Quy trình quản lý, đóng gói, các cam kết bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học (bao gồm động, thực vật hoang dã), rừng (bao gồm chống khai thác gỗ bất hợp pháp)...

 

 

 

TS. Chu Văn Chuông
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top