Tại Cà Mau, sản xuất tôm - lúa đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành 1 trong 5 mô hình nuôi tôm cơ bản. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân, đặc biệt là các vùng sản xuất tôm - lúa.
Năng suất tôm từ mô hình tôm - lúa không ngừng tăng và ổn định qua từng năm.
Hiệu quả cao
Chưa có quy hoạch cụ thể, môi trường ngày càng ô nhiễm, hạ tầng chưa đáp ứng, sản xuất nhỏ lẻ, khó quản lý dẫn đến dịch bệnh thường xuyên... là những khó khăn được các đại biểu tham gia Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức vừa qua. Tại diễn đàn, các đại biểu đã phân tích và bàn giải pháp khắc phục nhằm giúp nông dân có thể ứng phó tốt, với BĐKH, sản xuất có hiệu quả.
Thực hiện từ năm 2000, Cà Mau hiện có 51.570ha thực hiện mô hình tôm - lúa , chiếm 17,9% diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh, đứng thứ hai về diện tích tôm - lúa trong vùng ĐBSCL, tập trung ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và TP. Cà Mau.
Tại Thới Bình, hệ thống canh tác lúa - tôm được đánh giá là một trong những mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với độc canh cây lúa. Vào thời điểm năm 2007, diện tích lúa - tôm chỉ có 15.979ha, nhưng đến năm 2017, đã có khoảng 30.000ha. Năng suất lúa bình quân tăng từ 3,2 tấn/ha (2007) lên 3,8 tấn/ha năm 2013 và chạm mốc 4,1 tấn/ha (vụ mùa 2017). Riêng năng suất tôm sú từ khi chuyển đổi từ nuôi quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến đã tăng gấp 2 lần so với trước đây.
Ông Nguyễn Văn Khoái, ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, cho biết, mặc dù thời tiết có ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng khi người dân quyết làm vụ lúa thì hiệu ứng tích cực của cây lúa mang lại cho các đối tượng khác trên cùng diện tích phát triển thuận lợi hơn, năng suất ổn định hơn những hộ dân không thực hiện trồng lúa, nuôi tôm kết hợp. Đó chính là lý do tôm - lúa hiện đang được nông dân huyện Thới Bình nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng thực hiện.
Nhân rộng mô hình
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết, định hướng phát triển trong thời gian tới của tỉnh là tổ chức lại sản xuất mô hình tôm - lúa theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, thân thiện với môi trường, hướng tới các tiêu chuẩn nuôi tôm có trách nhiệm và tăng giá trị, lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ dân, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (ngành tôm và lúa hữu cơ).
Hầu hết hệ thống công trình canh tác lúa - tôm ở Cà Mau nói riêng, các tỉnh, thành ĐBSCL nói chung, được thiết kế từ nền tảng canh tác lúa trước đây, không còn phù hợp. Bởi vậy, sản xuất lúa trên đất nuôi tôm gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thụ động trong việc rửa mặn.
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu cho rằng: “Khi thực hiện mô hình tôm - lúa, nông dân cần phải thiết kế mương nuôi đồng bộ, có ao lắng. Bên cạnh, cần phải có con giống chất lượng, tạo được nguồn thức ăn tự nhiên, quản lý được nguồn thức ăn, đồng thời tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Chính quyền địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ trong việc đầu tư hệ thống thuỷ lợi cho vùng tôm - lúa, người dân không thể tự làm được”.
Ngoài những vấn đề trên thì việc chọn giống lúa phù hợp cũng là yếu tố rất quan trọng. Theo các chuyên gia, khi áp dụng mô hình tôm - lúa, người dân cần quan tâm đến chất lượng giống, giống phải phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng, bên cạnh đó phải có chất lượng gạo tốt, có khả năng xuất khẩu để nâng cao hiệu quả kinh tế.
PGS, TS. Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phía Nam), đánh giá: “Các loại giống mà người dân nên quan tâm là Một bụi đỏ, lúa mùa đặc sản, gần đây là ST24 được giải thưởng lớn của quốc tế. Tiếp theo là nhóm lúa ngắn ngày, tuỳ theo vùng có thể chọn hợp lý nhưng lưu ý quan tâm đến chất lượng, có thể Nàng Hoa 9 là giống lúa đặc sản mới, thơm ngon... ”.
Để khuyến khích phát triển mô hình tôm - lúa, ThS. Nguyễn Công Thành, Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao Công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng: “Cần tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích về mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi và cây trồng trong hệ sinh thái đồng ruộng. Việc phát triển mô hình này theo kiểu đơn lẻ sẽ khó kiểm soát nước, nên phát triển theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, cánh đồng lớn”.
Việt Nam và Nhật Bản có nhiều tiềm năng, lợi thế riêng để thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản chiếm chưa tới 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào quốc gia này. Để gia tăng xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản, còn nhiều việc phải làm.