Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 6 năm 2022 | 19:37

Để xuất khẩu nông sản tiếp đà thắng

Dù con đường xuất khẩu nông sản Việt Nam đang rộng mở, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong sản xuất để có thể đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của thị trường.

Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đa dạng hóa thị trường, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch… là những giải pháp trọng tâm đang được ngành Nông nghiệp triển khai nhằm đạt 50 tỷ USD xuất khẩu nông sản trong năm 2022.

Bài 1: Con số biết nói và những cách làm sáng tạo

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam, xuất khẩu nông sản vẫn cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.

Đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm là càphê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất.

Xuất - nhập khẩu tăng trưởng mạnh

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 41,3 tỷ USD, tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%; nhập khẩu ước khoảng 18,1 tỷ USD, giảm 0,3%.

 

57c686b7b7b974e72da8.jpg
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam, xuất khẩu nông sản vẫn cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.

 

Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 5,1 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 5, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 18,1% so với tháng 5/2021, tăng 3,8% so với tháng 4/2022. Riêng giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 2 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 1,7 tỷ USD, thủy sản trên 1,1 tỷ USD, chăn nuôi 32,4 triệu USD.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%; chăn nuôi 138,9 triệu USD, giảm 16,2%...

Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như càphê đạt gần 2 tỷ USD, tăng 54%; cao su trên 1 tỷ USD, tăng 12%; hồ tiêu khoảng 476 triệu USD, tăng 25,7%; sắn và sản phẩm sắn  636 triệu USD, tăng 20,3%; cá tra khoảng 1,2 triệu USD, tăng 91,2%; tôm trên 1,9 tỷ USD, tăng 42,7%; gỗ và sản phẩm gỗ gần 7,2 tỷ USD; tăng 6,9%; mây, tre, cói thảm tăng 19,1%.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, Bộ đang đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường. Các đơn vị đã tập trung đàm phán, thúc đẩy xuất khẩu chanh leo và bưởi sang Australia; chôm chôm, vú sữa, na, bưởi, sắn lát, đường, sữa sang Thái Lan; chanh, bưởi sang New Zealand; yến sào, sản phẩm lông vũ, bột cá sang Trung Quốc.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam ngày càng khai thác, tận dụng tốt hơn các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các FTA để phát triển thị trường xuất - nhập khẩu và nâng cao hiệu quả xuất - nhập khẩu hàng hóa sang các thị trường đã ký FTA.

Kết nối mở rộng thị trường

Với mong muốn đưa đặc sản Việt Nam nói chung, quả vải thiều nói riêng đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức diễn đàn và triển lãm số tại Hà Nội với chủ đề “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”.

Năm 2022, vải thiều Việt Nam dự báo được mùa, với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Với sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn nên việc kết nối giao thương, mở rộng thị phần sẵn có, tìm kiếm thị trường mới và đa dạng kênh phân phối... là các điều kiện để tiêu thụ thuận lợi. Những năm trước, vải Hải Dương và Bắc Giang đã “xuất ngoại”, tuy nhiên, số lượng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore còn khiêm tốn so với sản lượng thu hoạch.

 

a319a46e9560563e0f71.jpg
Giới thiệu quả vải thiều sạch và đạt chất lượng cao tại Diễn đàn và Triển lãm số với chủ đề "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới" ngày 16/6 tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN).

 

Do đó, mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu để gia tăng giá trị của quả vải, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và phát triển kinh tế địa phương là mục tiêu được địa phương, bộ, ban, ngành ưu tiên lúc này.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã thu hoạch 200.000 tấn. Các cấp, các ngành luôn sẵn sàng sản xuất vải chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác sản xuất và tiêu thụ.

Theo ông Phan Thế Tuấn, Bắc Giang coi trọng tất cả thị trường, cả trong và ngoài nước. Với thị trường nội địa, tỉnh tích cực đưa mặt hàng vải thiều vào các siêu thị, lên sàn thương mại điên tử... Trên thị trường quốc tế, địa phương xuất khẩu vải thiều đến 30 quốc gia, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc và các quốc gia tiềm năng khác như Singapore, Nhật Bản, Saudi Arabia...

Còn tại Hải Dương, ông Trần Văn Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 9.000ha  vải, thu hoạch 60.000 tấn mỗi năm; trong đó 50% sản lượng được tiêu dùng trong nước, 40% xuất khẩu tới các thị trường truyền thống, 10% xuất khẩu tới các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản...

“Chúng tôi hướng tới xây dựng thương hiệu vải thiều chất lượng toàn cầu. Từ nhiều năm, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung xây dựng các vùng vải chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu. Về chọn giống, tỉnh hợp tác với các cơ quan khoa học để ra các giống mới, đa dạng hoá các loại sản phẩm như vải u trứng, vải u hồng... khác biệt”, ông Quân cho biết.

Lên sàn thương mại điện tử

Tháng 6 hằng năm là thời điểm nông sản Việt đồng loạt bước vào mùa vụ thu hoạch ở nhiều địa phương trên cả nước. Để chủ động tìm đầu ra cho nông sản, không ít địa phương đã sẵn sàng phương án tiêu thụ, nhất là liên kết doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), từ những tháng đầu năm 2022, các đơn vị liên ngành tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Đồng Tháp, hay khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La... đã ban hành kế hoạch tiêu thụ về xúc tiến tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử.

Những tỉnh, thành phố này cũng đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong kết nối sở, ngành địa phương với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.

Ngoài những nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, nhiều cá nhân như nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... cũng tự thân vận động “chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Đặc biệt, không ít đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản đã nhanh chóng hòa cùng dòng chảy chung của thị trường thương mại điện tử đang ngày càng trở thành kênh mua sắm phổ biến của người tiêu dùng.

Mặt khác, sự kết nối chuỗi cung ứng từ sản xuất đến người tiêu dùng đã và đang trở thành “chìa khóa” hiện thực hóa mô hình nông nghiệp hiện đại tại Việt Nam trước tác động của dịch Covid-19 trong thời gian qua. Trong đó, có thể kể đến mô hình quản trị nông nghiệp mới mang tên 3F, gồm Feed-Farm-Food (từ trang trại đến bàn ăn), với mục tiêu cốt lõi tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng và vận chuyển đến tay người tiêu dùng, nhưng vẫn đảm bảo độ tươi ngon như khi còn ở trang trại.

Cùng với đó, là sự nhập cuộc của người nông dân, kênh thương mại điện tử và đơn vị vận chuyển đã tạo nên sự liên kết bền vững giúp hiện thực hóa mô hình 3F. Đặc biệt, giải quyết những tồn tại bất cập trong kết nối từ cung đến cầu trong chuỗi cung ứng cho người nông dân.

Theo ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế J&T Express, trong xu thế trực tuyến mạnh mẽ như hiện nay, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, sàn thương mại điện tử, người nông dân hay KOC (người tiêu dùng chủ chốt) đều giữ một vị trí cân bằng.

Doanh nghiệp phải bắt tay nhau tạo ra giải pháp toàn diện, chỉ dẫn cho người nông dân, mở đường cho hoạt động giao thương của người bán trở nên thuận lợi hơn, tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào một số đơn vị hay phải qua nhiều khâu trung gian.

Những nỗ lực trong việc hỗ trợ nông sản Việt thông qua liên kết các bên trong chuỗi cung ứng từ sản xuất đến vận chuyển ra thị trường tiêu thụ đã tạo thuận tiện cho bà con nông dân tìm hướng giải quyết đầu ra cho nông sản, nhất là vào giai đoạn mùa vụ thu hoạch.

Đơn vị chuyển phát nhanh, vận chuyển còn là khâu quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ, thu hoạch và đóng gói hàng hóa theo chuẩn quy định; đảm bảo chất lượng vận chuyển đến tay người tiêu dùng; giúp người nông dân có thể làm chủ giá cả mà không cần thông qua bất cứ đơn vị trung gian nào khác.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lâm Thế Khải, Giám đốc Sản phẩm UPOS Việt Nam, chỉ ra rằng, phần mềm UPOS có mối liên kết chặt chẽ với sàn thương mại điện tử, bởi với tính năng đa dạng về quản lý sản phẩm, đơn hàng và hàng tồn kho, người bán có thể dễ dàng quản lý hàng hóa, giám sát vận chuyển và thông tin khách hàng chỉ với vài thao tác đơn giản. Điều này giúp tăng khả năng bán hàng thành công trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh sự linh hoạt giải pháp dựa vào nhu cầu phong phú của khách hàng, phần mềm UPOS góp phần hỗ trợ người nông dân giải quyết nhu cầu về doanh thu, thắc mắc về công nghệ và giúp họ tập trung vào thế mạnh sản xuất nông sản...

Các bên cùng nhau phối hợp chặt chẽ để mang lại trải nghiệm tối ưu cho người tiêu dùng đến khâu vận chuyển cuối cùng và chung tay nâng tầm nông sản Việt, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt hòa chung với xu thế phát triển của thị trường toàn cầu.

Cú hích từ dịch Covid-19 đã khiến nông sản Việt dần được phổ biến trên nền tảng mua sắm trực tuyến, cũng như sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Tuy vậy, một số chuyên gia nhận định, nông dân ngoài vai trò sản xuất, cần tận dụng làn sóng mua sắm trực tuyến qua kênh thương mại điện tử, mạng xã hội... sẵn có để bán được sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, thúc đẩy hiện thực hóa mô hình “từ nông trại đến bàn ăn”.

Song song đó, mô hình này có duy trì lâu dài và phát triển bền vững không, nông dân cũng rất cần những giải pháp toàn diện; trong đó có sự đồng hành của doanh nghiệp, đơn vị chuyển phát nhanh và sàn thương mại điện tử, cùng với chính quyền địa phương.

Chuyển sang chính ngạch

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng cần nâng cao năng lực trong công tác cảnh báo sớm, phân tích, dự báo tình hình, thông tin cập nhật đến các doanh nghiệp để chủ động có biện pháp phù hợp, bảo vệ lợi ích xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thực tế, mặc dù Việt Nam có nhiều sản phẩm thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao, nhưng để xuất khẩu được, đòi hỏi doanh nghiệp phải kiện toàn cách kinh doanh, đáp ứng được điều kiện nhập khẩu. Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), nhận định, nhiều sản phẩm như: chuối, xoài, dứa, chanh leo… đều còn rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu ở Trung Quốc, nhưng phải thực hiện đúng quy trình từ trồng, thu hoạch đến cách thức xuất khẩu. Nếu xuất khẩu tươi thì phải nhanh chóng chuyển sang chế biến.

Ví dụ cụ thể về giá trị lớn của việc chuyển đổi cách thức xuất khẩu, ông Khuê cho biết: Năm 2020, xuất khẩu quả chanh leo sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch chiếm 75%, nhưng đến năm 2021 chỉ còn 25%. Cùng với việc gia tăng xuất khẩu chính ngạch là sự tăng trưởng của các sản phẩm chế biến, nhờ đó giá chanh leo đạt 20.000 đồng/kg, so với trước đây chỉ 7.000-8.000 đồng/kg. Ngoài ra, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc  chỉ thích nhập hàng theo hình thức chính ngạch vì khi đó, mọi vấn đề trong thương mại sẽ được minh bạch; chất lượng sản phẩm cũng được cam kết và bảo đảm chắc chắn.

Lạng Sơn hỗ trợ xuất khẩu hoa quả tươi

Mới đây, các mặt hàng nông sản trái cây như xoài, mít, nhãn, thanh long…, nhất là vải tươi đang đến mùa thu hoạch ở một số địa phương trên cả nước được các doanh nghiệp, thương nhân đưa tới cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để xuất sang Trung Quốc ngày càng tăng.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho xuất khẩu, lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai biện pháp nghiệp vụ, qua đó hỗ trợ nông sản thông quan nhanh chóng.

Tại cửa khẩu Tân Thanh, khu vực cửa khẩu và bến bãi được chủ động phân luồng phương tiện xuất - nhập khẩu riêng biệt.

Bãi xe Bảo Nguyên - nơi tập trung phần lớn phương tiện xuất - nhập khẩu - đã bố trí các vị trí ưu tiên cho xe chở hoa quả tươi xuất khẩu. Xe chở hoa quả tươi xuất khẩu được tạo điều kiện thông quan trước vào buổi sáng để bảo đảm chất lượng.

Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh - Phùng Văn Ba cho biết, các đội nghiệp vụ hải quan của đơn vị luôn thực hiện giải quyết các thủ tục thông quan nhanh chóng và đúng quy trình với mặt hàng hoa quả tươi. Ngoài ra, với những tờ khai có sai sót, các đội nghiệp vụ chủ động thông tin tới doanh nghiệp để kịp thời chỉnh sửa, trên quan điểm luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu các loại nông sản qua cửa khẩu.

Chị Vũ Quỳnh Trang, đại diện Công ty xuất - nhập khẩu Vũ Hồng Hải (thành phố Lạng Sơn), người thực hiện khai báo xuất khẩu quả vải tươi qua cửa khẩu Tân Thanh, cho biết, được các đơn vị chức năng cửa khẩu hướng dẫn nên thủ tục giấy tờ khai báo lô vải tươi của doanh nghiệp sớm được hoàn chỉnh. Các công đoạn hoàn thiện thủ tục chỉ trong một thời gian ngắn nên xe hàng của doanh nghiệp được thông quan nhanh chóng mà không có vướng mắc gì phát sinh.

Để hoạt động xuất khẩu các mặt hàng hoa quả tươi được thuận lợi, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo các doanh nghiệp, thương nhân ngoài việc tăng cường nắm bắt, cập nhật tình hình hoạt động cửa khẩu cần chủ động thực hiện chuyển đổi loại hình xuất khẩu nông sản theo hướng chính ngạch, qua đó hạn chế rủi ro. Đồng thời, quan tâm hơn đến chất lượng, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm nông sản.

Hỗ trợ nông sản Việt vào “trời Âu”

Để thúc đẩy hơn nữa việc xuất khẩu nông sản Việt vào châu Âu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Oxfam xây dựng Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành rau quả và gia vị Việt Nam - SFV-Export”. Dự án được Liên minh châu Âu cung cấp 80% nguồn kinh phí để thực hiện triển khai trong 2 năm (năm 2022 và 2023).

Mục tiêu của dự án tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng doanh số xuất khẩu thông qua việc tuân thủ các quy định và cơ hội tiếp cận, kết nối kinh doanh trên thị trường EU.

SFV-Export sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành (bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà cung cấp và các doanh nghiệp khác) thông qua các nhóm hoạt động: Hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu giúp doanh nghiệp tuân thủ và được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (như IFS, BRC và chứng nhận Fairtrade); hỗ trợ hoạt động marketing, cung cấp thông tin về thị trường, kết nối với các đối tác tiềm năng; số hóa các hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến thương mại trên nền tảng số chuyên biệt; hỗ trợ cải thiện chính sách và thực hành tốt liên quan đến người lao động, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường; thúc đẩy hợp tác đa bên để nâng cao năng lực ngành và quảng bá nông sản Việt Nam.

Với tư cách là Trưởng nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), Giám đốc dự án SFV-Export - bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI, nhấn mạnh, ngành rau quả và gia vị đang thuộc top đầu lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA khi xuất khẩu vào EU.

“Tuy nhiên, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm nông sản Việt Nam cần được sản xuất, chế biến, bảo quản đảm bảo tuân thủ những quy định, khuyến nghị về thương mại và phát triển bền vững của EVFTA”, bà Lan Anh khuyến cáo.

 

Bài 2: Cần làm gì để nối dài đà thắng?

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top