Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2019 | 11:31

Dịch tả lợn châu Phi: Kết hợp phòng chống với SX sạch và phân phối

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, lịch sử ngành chăn nuôi của Việt Nam và thế giới chưa từng đối phó dịch bệnh nào nguy hiểm, phức tạp, tốn kém như dịch tả lợn châu Phi.

Tuy không lây bệnh sang người nhưng dịch bệnh này hiện chưa có thuốc đặc trị.

 

tr12.jpg
Lực lượng chức năng tổ chức tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh tại xã Đông Phụng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).  Ảnh: Vũ Sinh.

 

Nguy cơ xóa hàng chục triệu con lợn

Dịch tả lợn châu Phi đã thấy xuất hiện ở tỉnh Hậu Giang, một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, sau tin dịch xảy ra tại Đồng Nai và Bình Phước của khu vực phía Nam.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, chỉ trong vòng hơn 3 tháng từ ngày phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTCLP) đầu tiên, tính đến ngày 13/5, dịch bệnh này đã lây lan ra 30 tỉnh, thành trên cả nước, số lợn tiêu hủy lên tới trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn heo của cả nước).

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, mặc dù các đơn vị cơ sở và lãnh đạo đã cố gắng nhiều nhưng DTLCP đã xảy ra trên diện rộng.

Theo ông Cường, thời gian tới, nếu không làm tốt công tác phòng chống bệnh, DTLCP sẽ tiếp tục lây lan, phát triển khá nhanh theo ba hướng: Thứ nhất, những nơi đã bị dịch rồi sẽ tái bị; thứ hai, dịch lan rộng từ vùng có dịch đến những vùng chưa có dịch; thứ ba, dịch lây lan phát triển vào các hộ chăn nuôi lớn hiện vẫn cầm cự được.

Lúc đó tình cảnh sẽ vô cùng thảm khốc, vô cùng khốc liệt. Kết cục xấu càng nhân lên vì diễn biến thời tiết năm nay rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu tuyệt đối không tái đàn nếu chưa đảm bảo an toàn.

Đây là bệnh chưa có tiền lệ, thiệt hại nhiều mặt, đe dọa cả một ngành hàng.  Bệnh để lại tàn dư tồn tại lâu dài, ảnh hưởng sinh kế cho người dân, thiệt hại kinh tế lớn chưa từng có... Vì vậy, phòng chống DTLCP cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Ông Phạm Văn Xuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết, Thái Bình là một trong những tỉnh xuất hiện sớm dịch tả lợn châu Phi, đến nay tròn 3 tháng. Số liệu về bệnh dịch được báo cáo từng ngày, với quy mô tổng đàn khoảng 1 triệu con, số lợn bệnh đã tiêu hủy là 300.000 con lợn (14.900 tấn).

Tỉnh này dự kiến phải hỗ trợ 470 tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng chỉ trên 100 tỷ đồng. “Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để hỗ trợ, chưa thể cấp tiền ngay cho người chăn nuôi. Bởi phải minh bạch hồ sơ và mua hóa chất, hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ đi chống dịch”, ông Xuyên chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng thông tin, Hà Nội đã phải tiêu hủy 10 vạn con lợn mắc bệnh DTLCP, tiêu tốn khoảng hơn 200 tỷ đồng.

Theo một chuyên gia trong ngành, với hơn 1,2 triệu con lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh thì con số thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Giá lợn sụt giảm

Không chỉ thiệt hại về số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, mà hiện, giá lợn cũng khiến người chăn nuôi điêu đứng vì giá sụt giảm sâu. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong những ngày gần đây giá lợn hơi giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg tại một số địa phương thuộc hai miền Bắc - Nam, kéo dài chuỗi giảm bắt đầu từ tuần trước khi DTLCP lan vào miền Nam, rủi ro xâm nhập vào khu vực TP Hồ Chí Minh tăng cao.

Đại diện Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, giá lợn hơi tại Nam Định giảm 2.000 đồng/kg so với tuần trước, xuống 31.000 đồng/kg. Tại Hải Dương có nơi xuống còn 29.000 - 30.000 đồng/kg. Tại Hưng Yên khoảng 32.000 - 33.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng so với tuần trước. Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội, giá dao động 29.000 - 34.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, xác nhận thương lái đang ép giá người chăn nuôi, chỉ một tháng qua đã mất gần 20.000 đồng/kg. Giữa tháng 4/2019 giá heo xuất bán tại chuồng 55.000-56.000 đồng/kg, đến cuối tháng giảm còn 45.000 đồng/kg. Sang đầu tháng 5 tiếp tục giảm tiếp, hiện dao động ở mức 28.000-33.000 đồng/kg. Thông thường lợn đạt 120-130kg/con mới bán nhưng nay sợ rớt giá, người nuôi bán lợn khi chưa đạt 100kg. Tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở TP HCM, lượng lợn đổ về nhiều, trong khi giá lại thấp.

Vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất

Nhấn mạnh yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng là ngăn chặn dịch lây lan và có biện pháp hữu hiệu để dập dịch, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ, ngành, địa phương cần phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống dịch.

Các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống DTLCP cần thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Phải siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Sẵn sàng ứng phó, xử lý ổ dịch nhanh gọn, triệt để theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ về thú y quốc tế”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc giết mổ lợn trong vùng dịch; cơ sở giết mổ đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được phép nhập lợn từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trong và ngoài tỉnh để giết mổ và xuất bán các sản phẩm lợn sau khi giết mổ ra ngoài vùng dịch dưới sự giám sát của cơ quan thú y.

“Trong điều kiện hiện nay, chúng ta không thể đóng cửa, mà phải bảo đảm vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện sản xuất sạch, phân phối, vận chuyển tốt”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương, nghiên cứu tái cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi, tìm các sản phẩm bù đắp, thay thế, phục vụ đời sống người dân và sản xuất; các doanh nghiệp đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng các trạm kiểm dịch quốc gia, bảo đảm các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục Quốc lộ Bắc - Nam.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ động làm việc, đề nghị các tổ chức quốc tế (FAO, OIE) và các nước (Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, EU...) xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nghiên cứu các giải pháp phòng, chống và vaccine phòng bệnh.

Huy động toàn xã hội dập dịch

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới chưa có vắc-xin, chưa thể có thuốc chữa nên phải tập trung chặn dịch quyết liệt. “Thủ tướng đã nói dập dịch như đánh giặc, nếu nơi nào để DTLCP lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động kịp thời thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Để công tác tiêu hủy bảo đảm đúng kỹ thuật thì quân đội, công an phải là lực lượng nòng cốt”, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý chưa thể tuyên bố khống chế hoàn toàn dịch bệnh, chưa kiểm soát được việc dịch quay trở lại. Một số địa phương vẫn còn coi nhẹ, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y. “Mới đây, báo chí đưa tin lợn trôi sông, chỉ vài tiếng đã vớt được hàng tấn. Có địa phương chôn lợn bệnh rồi lại đào lên. Nhiều nơi chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương, doanh nghiệp, người dân, tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong phòng chống, đặc biệt là dập dịch. Đồng thời, đề nghị Ban Cán sự Đảng của Bộ Nông nghiệp và PTNT  phối hợp với Chính phủ hoàn thiện dự thảo gửi Ban Bí thư và đề xuất Ban Bí thư ra chỉ thị huy động toàn xã hội, hệ thống chính trị vào cuộc phòng dập dịch.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top