Sau một thời gian dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế thì nay dịch bệnh lại có xu hướng hoạt động trở lại và tiến sâu vào khu vực phía Nam. Các địa phương vừa gồng mình chống dịch vừa lo việc tiêu hủy đảm bảo quy trình, theo đó giá lợn lại sụt giảm.
Dịch tả lợn châu Phi tiến sát TP. HCM cấp tập đối phó
Dịch tả heo châu Phi đã lây lan đến Đồng Nai. (Ảnh: IT)
Đồng Nai, Bình Phước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, giáp ranh và nơi cung cấp gần 50% lượng thịt heo cho TP HCM.
Sáng 10/5, tại cuộc họp về kinh tế - xã hội tháng 4, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm bày tỏ lo ngại khi dịch tả heo châu Phi đã lan đến Đồng Nai, sát TP HCM. "Chiều qua thành phố đã họp khẩn với các sở ngành để giao nhiệm vụ cụ thể đối phó bệnh dịch", ông Liêm nói và đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thông tin thêm.
Phó giám đốc Sở, ông Trần Ngọc Hổ cho biết, từ lúc dịch xuất hiện ở biên giới các tỉnh phía Bắc, TP HCM đã có kế hoạch ứng phó với 3 tình huống: dịch tả ở phía Bắc, ở các tỉnh giáp thành phố và dịch tả xuất hiện tại TP HCM. "Chúng ta đang vận hành tình huống thứ hai, cụ thể là dịch đang có ở huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch (Đồng Nai) và Bình Phước", ông Hổ nói.
TP HCM đánh giá bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch. Thành phố hiện có 4.000 hộ chăn nuôi heo (gần 280.000 con), trong đó có nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, không nấu chín, cho heo ăn nên khả năng lây lan cao.
Theo đó, thành phố thực hiện 3 giải pháp để đối phó là: lập kênh chia sẻ thông tin chính xác, thống nhất với các tỉnh giáp ranh để có biện pháp ngăn ngừa; tăng cường kiểm soát ở các cửa ngõ vì có 45-50% heo cung cấp cho TP HCM đến từ Đồng Nai, tổ chức các trạm tạm thời ở vùng giáp ranh như cầu Phú Long, cầu Bến Súc; kiểm soát trong nội bộ, không để giết mổ trái phép và tập trung tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó chủ tịch Lê Thanh Liêm yêu cầu: "Phải lấy mẫu thường xuyên để kiểm tra vì tình trạng giết mổ lậu vẫn xảy ra. Quận huyện nào để xảy ra tình trạng này lãnh đạo phải chịu trách nhiệm".
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan (Ban an toàn thực phẩm TP HCM), dịch bệnh không lây cho người, chỉ ảnh hưởng cho đàn heo. Nhưng heo bệnh vào thành phố sẽ có khả năng bị nhiễm khuẩn gây nhiều loại bệnh khác. Trong khi đó TP HCM là thị trường mở, nên khả năng lây nhiễm là hoàn toàn có thể xảy ra. Virus này có thể tồn tại cả nghìn ngày trong điều kiện đông lạnh, trong xúc xích, thịt nguội...
Ổ dịch tại Việt Nam được phát hiện ngày 1/2 tại Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra 22 tỉnh, thành gồm: Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
Đến giữa tháng 4, Cục Thú y xác định dịch cơ bản đã được khống chế.
Giá thịt lợn sụt giảm mạnh
Vừa tăng trở lại được hơn một tháng sau một thời gian xuống thấp vì ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi ở các tỉnh phía Bắc, giá lợn (heo) hơi ở Đông Nam Bộ trong những ngày qua lại quay đầu giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong những ngày cuối tháng 4, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh này liên tục giảm. Nếu như vào cuối tháng 4, giá lợn hơi còn ở mức 46.000 đồng/kg, thì đến nay chỉ còn trên dưới 40.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi ở Đông Nam Bộ giảm mạnh, trước hết là do tác động từ việc một lượng không nhỏ lợn hơi từ phía Bắc được chuyển vào Nam do chênh lệch giá khá cao giữa 2 miền. Chẳng hạn, vào ngày 27/4, trong khi giá lợn hơi ở phía Bắc phổ biến ở mức 32.000-36.000 đồng/kg, thì tại Đồng Nai, tuy đã giảm so với trước đó nhưng vẫn đang ở mức 42.000-45.000 đồng/kg. Trong 10 ngày cuối tháng 4, bình quân mỗi ngày có từ 10-12 xe chở lợn từ các tỉnh phía Bắc đi qua địa phận Đồng Nai để tiêu thụ ở các tỉnh, TP phía Nam. Bên cạnh đó, những thông tin đồn đoán về việc ở Đồng Nai đã xuất hiện một số ổ dịch tả lợn Châu Phi cũng đã góp phần quan trọng trong việc “đẩy” giá lợn hơi xuống.
Điều đáng chú ý là giá lợn hơi ở Đông Nam Bộ quay đầu giảm mạnh trong bối cảnh nguồn cung lợn hơi ở khu vực này cũng đang giảm ở mức đáng kể. Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, đến cuối tháng 4, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh này chỉ còn trên 2 triệu con, giảm gần 500 ngàn con so với hồi đầu năm. Ông Trầm Quốc Thắng, GĐ HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong cũng cho hay, nguồn cung lợn hơi trong tháng 4 vừa qua đã có dấu hiệu thiếu hụt.
Nguyên nhân giảm mạnh đàn lợn ở “thủ phủ chăn nuôi” Đồng Nai nói riêng, Đông Nam Bộ nói chung, vẫn là ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu Phi. Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Bắc, nhiều hộ, trang trại ở Đông Nam Bộ, sau khi bán “chạy giá”, đã tạm ngưng tái đàn vì e ngại rủi ro khi dịch bệnh lan vào Nam. Giá lợn hơi ở Đông Nam Bộ giảm mạnh trong tháng 3 (có thời điểm chỉ còn 33.000-34.000 đồng/kg ở nhiều địa bàn) do nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng ngại ăn thịt lợn vì thiếu hiểu biết về dịch tả lợn Châu Phi, cũng khiến cho nhiều hộ chăn nuôi trong khu vực đã chủ động giảm đàn hay tạm ngưng tái đàn sau khi xuất bán.
Khó khăn tìm đất chôn lợn bệnh
Ghi nhận tại Nam Định và Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, số lượng lợn nhiễm bệnh không ngừng gia tăng đang gây áp lực lớn cho các địa phương trong việc tìm kiếm quỹ đất chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh.
Dịch tả lợn châu Phi đã hiện diện ở cả 10/10 huyện, TP tại tỉnh Nam Định và liên tục phát sinh thêm ổ dịch mới khiến các địa phương trong tỉnh gặp khó trong tìm kiếm quỹ đất chôn lấp, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.
Theo tìm hiểu, được biết tại xã Xuân Phú (H.Xuân Trường), thời gian đầu khi dịch mới xuất hiện, chính quyền địa phương đưa lợn vào... nghĩa trang của các thôn để chôn lấp. Nhưng sau đó, các ổ dịch xuất hiện nhiều hơn, người dân đã quyết liệt ngăn chặn, phản đối đưa lợn bệnh vào chôn chung ở nghĩa trang buộc địa phương phải chuyển hướng đào hố chôn lấp tại các bãi rác thải sinh hoạt.
Ông Đinh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh Nam Định, cho biết dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan, bùng phát đang là áp lực lớn cho các địa phương trong tìm kiếm quỹ đất chôn lấp và tiêu hủy. Hiện tại, các địa phương đang cho chôn lấp lợn bệnh trong khuôn viên khu chuồng trại, vườn cây ăn quả ngay tại hộ chăn nuôi nếu diện tích đất đủ rộng và đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh phòng dịch.
Nhưng cách này chỉ áp dụng được với hộ chăn nuôi nhỏ, quy mô vài con đến vài chục con. Còn nếu dịch xảy ra cùng lúc ở nhiều hộ, các hộ chăn nuôi, trang trại quy mô lớn thì địa phương rất khó xoay xở tìm kiếm quỹ đất công đủ để chôn lấp lợn bệnh. Theo ông Hiểu, cá biệt ở một số xã tại Nam Định, có ổ dịch chủ trang trại và chính quyền địa phương phải mua đất nông nghiệp để có chỗ tiêu hủy lợn.
Ông Hiểu cho hay, thống kê đến ngày 10/5, toàn tỉnh Nam Định đã có khoảng 120.000 con lợn nhiễm dịch bị tiêu hủy. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn đang có xu hướng bùng phát, gia tăng các ổ dịch mới. Ngay tại xã Trực Thắng (H.Trực Ninh), ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của tỉnh Nam Định được phát hiện trong ngày 8.3 nhưng đến nay địa phương vẫn ghi nhận có lợn chết do dịch bệnh. “Dịch bệnh cứ bùng phát theo đà này, chúng tôi lo ngại nhiều địa phương rất khó để bố trí đất chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh”, ông Hiểu lo lắng.
Khó bố trí mặt bằng chôn lợn bệnh cũng là vấn đề “đau đầu” của nhiều địa phương tại H.Chương Mỹ (Hà Nội), làm chậm tiến độ xử lý tiêu hủy lợn tại các ổ dịch.
Khảo sát tại xã Đồng Lạc (H.Chương Mỹ) trong ngày 7.5, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại địa phương này được ghi nhận xảy ra ở trang trại anh Nguyễn Duy Bình (thôn Yên Lạc) với đàn 125 lợn thịt, lợn đực giống.
Ngay sau đó, UBND xã Đồng Lạc quyết định chôn lấp toàn bộ lợn trong khuôn viên trang trại này nhưng không nhận được sự đồng thuận từ gia đình và các hộ nuôi lợn liền kề bởi lo ngại bệnh dịch phát tán. Đến ngày 9/5, lãnh đạo địa phương bố trí được mặt bằng toàn bộ số lợn này được đem đi chôn lấp thì đã chậm tiến độ 2 ngày so với thời gian quy định.
Ông Tạ Viết Thiều, Trưởng ban Thú y và chăn nuôi xã Hoàng Diệu, cho biết liên tục trong nửa tháng gần đây, ngày nào địa phương cũng duy trì tổ cán bộ 10 người, thuê cả ô tô và máy xúc làm việc để kịp tiêu hủy chôn lấp lợn bệnh đúng tiến độ.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng trạm Thú y và chăn nuôi H.Chương Mỹ, thừa nhận việc xử lý ổ dịch xã Đồng Lạc chậm tiến độ do khó thống nhất, bố trí đất chôn lợn. Quy định của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho phép chôn lấp tại chỗ, điểm chôn phải cách giếng nước, nhà dân và khu chuồng nuôi tối thiểu 30 m. Nhưng ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, mặt bằng chật hẹp rất khó thực hiện chôn lấp tại chỗ.
Trong khi đó, nguồn đất công ở các xã cũng rất hạn hẹp nên thực tế có những ổ dịch cán bộ thú y chờ đến 12 giờ đêm địa phương cũng không tìm đâu ra đất chôn lấp lợn bệnh. Còn ở những xã bố trí đất công, quy hoạch thành khu vực riêng thì người dân phản đối vì lo ngại lợn bệnh chôn lấp với số lượng lớn ảnh hưởng đến chăn nuôi tại địa bàn, chính quyền và cơ quan thú y phải mất thời gian tuyên truyền để có sự đồng thuận.
Cũng theo bà Hằng, tổng đàn lợn tại H.Chương Mỹ là 240.000 con, đứng thứ hai trong toàn TP.Hà Nội nhưng hiện tại dịch bệnh đã ghi nhận xảy ra ở trên 200 hộ chăn nuôi, trang trại tại 22/32 xã trong toàn huyện.
“Áp lực tìm đất chôn lợn bệnh ở nhiều xã trong huyện là rất khó khăn, cơ quan thú y vẫn đang cố gắng hết sức để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, bởi nếu tiếp tục bùng phát nhiều nơi sẽ không đủ đất chôn lấp, tiêu hủy lợn bệnh”, bà Hằng nói.
Chiều 10/5, Cục Thú y cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở hơn 20 tỉnh, TP trên cả nước, đặc biệt là đã ghi nhận xảy ra ở các tỉnh phía nam là Đồng Nai và Bình Phước. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ họp trực tuyến toàn quốc tiếp tục rà soát, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh./. |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.