Là địa phương có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng đã và đang có những đột phá trong sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực.
Thay đổi diện mạo nông nghiệp
Những năm qua, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Điều dễ nhận thấy, nhờ phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao nên nhiều hộ nông dân đã phát triển kinh tế khả quan, đem lại nhiều giá trị kinh tế. Hơn nữa, nhiều công ty, tổ chức đã chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tạo ra hiệu ứng tích cực, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp ở Lâm Đồng.
Đến nay, Lâm Đồng có 63.108ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao (chiếm 21% tổng diện tích canh tác toàn tỉnh), gồm: 25.910,2ha rau; 2.062,5ha hoa; 4.934ha chè; cà phê 22.031ha; lúa chất lượng cao 4.425ha; cây ăn quả 3.226ha; dược liệu 134ha; nấm 5,2ha; vườn ươm 381,1ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp thông minh 376,6ha, gồm 173,8ha rau; 187,2ha hoa; 5,5ha dâu tây và 10ha chè chất lượng cao.
Tổng diện tích sản xuất trồng trọt được cấp giấy chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 1.298,61ha. Trong đó, diện tích rau, củ, quả hữu cơ là 33,14ha, tập trung tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt; 1,5ha cây đặc sản tại huyện Lâm Hà, 14ha lúa, 1,37ha cây măng cụt, 1ha khổ qua và 1.110,4 ha điều tại các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên. Tổng sản lượng ước đạt hơn 2.042 tấn/năm.
Đối với chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh hiện có 137,2ha đồng cỏ chăn nuôi bò sữa tại 2 huyện Di Linh và Đơn Dương với 2.000 con bò sữa, tăng 1.500 con so với năm 2020; trong đó có 1.045 con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ với sản lượng khoảng 5.200 tấn sữa và 955 con bò sữa đang trong giai đoạn chuyển đổi hữu cơ.
Điểm sáng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Để sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng công nghệ cao, ngoài việc canh tác cây trồng ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại gắn với quá trình sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, các doanh nghiệp, HTX, nông dân Lâm Đồng luôn chú trọng các giải pháp để sản xuất nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm phụ thuộc vào vật tư nông nghiệp, đồng thời sản xuất ra sản phẩm nông sản chất lượng, sạch, tăng lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu với nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã triển khai mô hình thu gom, xử lý phế phụ phẩm từ trồng hoa, rau của trang trại tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương với quy mô trên 200ha nhà kính. Công nghệ tích hợp sử dụng máy cơ giới hóa cắt phụ phẩm, đảo trộn, phun chế phẩm, giúp doanh nghiệp tái chế khoảng 35.000-36.000m3 phụ phẩm hàng năm, tạo ra sản lượng phân Compost 24.000-25.000m3/năm (tương đương 12.000-12.500 tấn phân), nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm công lao động, hiện đại hóa sản xuất, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó còn có HTX phụ nữ trùn quế Đơn Dương, được thành lập năm 2019, quy mô 1.000m2, sử dụng phân bò, các phế phẩm nông nghiệp (rau, củ quả, thân cành,…) làm thức ăn cho trùn; công suất phân trùn quế đạt 140 tấn/năm, cung cấp phân bón đủ cho 14ha cây trồng. Doanh thu 1 tỷ đồng/năm/1.000m2.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Trần Quang Duy, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Chúng tôi đang tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, theo đó, định hướng tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao như: Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh (rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, dược liệu, bò sữa, bò thịt và cá nước lạnh), trong đó ưu tiên hình thành các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục mở rộng phạm vi, địa bàn ứng dụng các loại hình công nghệ cao, rút ngắn chênh lệch về trình độ canh tác giữa các vùng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa tại các vùng sản xuất chuyên canh; nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ cao đối với các đối tượng cây dài ngày và vật nuôi. Lựa chọn đưa vào phát triển các công nghệ mới hiệu quả, thân thiện với môi trường. Quản lý và phát triển diện tích nhà kính phù hợp, đẩy mạnh sản xuất chứng nhận hữu cơ, công nghệ sinh học; sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Đến năm 2025, diện tích sản xuất đạt tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao chiếm 25% diện tích canh tác toàn tỉnh, đến năm 2030 đạt trên 30%.”…
Có thể nói, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là một trong những động lực phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng. Điều đó đã và đang đưa Lâm Đồng trở thành điểm sáng trong lĩnh vực này. Nhiều cá nhân, tổ chức ở các tỉnh, thành đã đến Lâm Đồng tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế, từ đó áp dụng tại địa phương mình.