Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 8 năm 2022 | 14:44

Đoan Hạ xây dựng thành công mô hình giống lúa ST25 hữu cơ

Nhằm từng bước thay thế giống lúa cũ năng suất thấp, chất lượng không cao, UBND xã Đoan Hạ (Thanh Thủy - Phú Thọ) đã triển khai thí điểm mô hình gieo cấy giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ trong vụ chiêm xuân năm 2022.

Điều kiện thuận lợi

Đoan Hạ là một trong những xã nằm ở phía Bắc của huyện Thanh Thủy, cách trung tâm huyện khoảng 3,2km. Tổng diện tích tự nhiên 426,83ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 283,04ha (chiếm tới 66,31%) – điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã có đường TL 317 đi qua, thuận tiện cho việc phát triển sản xuất các ngành nghề, giao thương hàng hóa, buôn bán sản phẩm.

 

z3665836327894_22468e2678c20e5973d67af57189c1e6.jpg
Lãnh đạo huyện Thanh Thủy cùng với cán bộ xã Đoan Hạ thăm, đánh giá mô hình thí điểm gieo cấy giống lúa ST25 tại xứ Đồng Ngọc.

  

Nhằm thực hiện xây dựng thí điểm mô hình gieo cấy giống lúa ST25 trên địa bàn, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, UBND xã Đoan Hạ cùng với nhân dân trong xã tiến hành dồn đổi ruộng đất tại xứ Đồng Ngọc với diện tích 33,04ha. Lý do xứ Đồng Ngọc được lựa chọn để xây dựng mô hình gieo cấy giống lúa mới theo hướng hữu cơ của xã bởi, bình quân nơi đây trước dồn đổi ruộng đất là 14 thửa đất/hộ, bình quân sau dồn đổi còn 11 thửa đất/hộ.

Trong vụ chiêm xuân năm 2022, mô hình thí điểm gieo cấy giống lúa ST25 tại xứ Đồng Ngọc, được thực hiện gieo mạ từ ngày 22/12/2021 với số lượng giống lên đến 1.000kg, số lượng gieo mạ là 932kg và ngày thu hoạch từ 20/5/2022 trở đi. Quá trình sinh trưởng, giống lúa mới này có thời gian dài hơn 5-7 ngày, thời gian trổ bông dài hơn 2 ngày so với giống J02, chiều cao của cây lúa cao hơn giống J02 từ 23,7-28,0 cm; số lượng dảnh tối đa, dảnh hữu hiệu của giống tương đương với giống J02 và chiều dài bông lúa của ST25 dài hơn giống J02 từ 4,6- 8,8cm.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND xã Đoan Hạ, cho biết: “Với những điều kiện thuận lợi ngay từ ban đầu, việc triển khai mô hình thí điểm giống lúa ST25 tại xứ Đồng Ngọc đã đạt những kết quả nhất định, cây lúa khỏe, khả năng đẻ nhánh trung bình, hạt thóc thon dài. Giống lúa này có bộ lá gọn, đứng, thuận lợi cho quá trình quang hợp, cứng cây, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt”.

Đặc biệt hơn, thời gian sinh trưởng của giống lúa ST25 chỉ có 114 ngày, ngắn hơn giống J02 khoảng 5-6 ngày, hiệu quả kinh tế cao hơn giống lúa khác 1,5-2,0 lần. Giống lúa ST25 có thể gieo cấy vụ mùa, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu của xã Đoan Hạ.

Tổ chức lại sản xuất

Bên cạnh ưu điểm đã được chứng minh, giống lúa ST25 cũng chịu sự tác động của điều kiện tự nhiên như những giống lúa khác, có thể kể đến như rầy nâu gây hại lúa trong giai đoạn đẻ nhánh. Tuy nhiên, ST25 lại là giống lúa có khả năng kháng rầy cao, kết hợp với quy trình chăm sóc của người nông dân, ST25 vẫn cho năng suất cao.

 

z3665835039329_963f6494806797e669154ce61a79b78d.jpg
Mô hình thí điểm gieo cấy giống lúa mới ST25 tại xứ Đồng Ngọc mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, tìm ra giống lúa năng suất để sản xuất.

 

Ông Nguyễn Tiến Công, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoan Hạ, chia sẻ: “Giống ST25 không chịu được thời tiết lạnh, đặc biệt là thời điểm rét đậm – rét hại. Đối với vụ chiêm xuân, đó là thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây mạ, nếu không thực hiện các biện pháp che chắn nylon chống rét thì mạ phát triển kém, ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng phát triển sau này. Khi lúa đã phát triển, bệnh đạo ôn và bạc lá gần như không thấy xuất hiện ở giống ST25, nhưng nhược điểm lại là ở bộ lá đòng lòng mo, rậm, dễ bị sâu cuốn lá và rầy gây hại, hai loại này thì rất dễ phòng trừ…”.

Như vậy, với những kết quả đạt được trong triển khai thí điểm mô hình gieo cấy giống lúa ST25 trên vùng đất chuyên lúa 2 vụ/năm xứ Đồng Ngọc, UBND xã Đoan Hạ và người nông dân đã có những cơ sở so sánh với giống lúa khác của địa phương; tìm ra giống lúa phù hợp để tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần tổ chức lại sản xuất theo hướng cộng đồng, dần hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo quy mô lớn, ổn định và bền vững.

 

 

Vũ Cừ
Ý kiến bạn đọc
Top