Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 2 tháng 11 năm 2016 | 4:27

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao gặp 4 vướng mắc

Đó là ý kiến của đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) trong buổi thảo luận ở hội trường về: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, sáng nay (2/11) .

Đại biểu Đỉnh, phân tích: Thực tế ở một số địa phương đã có những mô hình doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Như trồng hoa, rau sạch, chuối xuất khẩu, nuôi bò. Nhưng số lượng còn ít và việc doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa phổ biến. Nhiều doanh nghiệp thấy được nông nghiệp là lĩnh vực tiềm năng để đầu tư nhưng còn vẫn chần chừ do 4 vướng mắc sau đây:

Thứ nhất, về đất đai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần diện tích rộng và thời hạn sử dụng đất lâu dài để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo đồng bộ của sản phẩm trên diện rộng và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, hiện nay đất sản xuất đang thuộc quyền sử dụng của người dân, mỗi hộ một diện tích nhỏ, manh mún và không đồng đều. Doanh nghiệp rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, còn người dân thì không muốn rời bỏ đất đai vốn là tài sản lớn nhất của mình và tập quán canh tác đã hình thành từ lâu đời. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hai hướng. Nếu diện tích lớn thì họ mua lại quyền sử dụng đất của người dân, mở rộng sản xuất rồi tự làm. Còn nếu ứng dụng các công nghệ cao như thủy canh, làm vườn thẳng đứng, trồng bằng giá thể thì họ đăng ký vào khu công nghệ cao. Tuy nhiên, việc hình thành và kêu gọi đầu tư hạ tầng vào khu công nghiệp công nghệ cao còn nhiều trở ngại, chủ yếu do nguyên nhân quỹ đất và chính sách.

Thứ hai, về chính sách, nhà đầu tư không chỉ trông vào những chính sách ưu đãi mà nhà nước dành cho họ, còn quan tâm đến tuổi thọ của các chính sách có lâu dài và nằm trong quy hoạch rõ ràng và ổn định không. Một ví dụ điển hình, nếu sau khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà chính quyền lại cấp phép cho các dự án công nghiệp liền kề xả chất thải ra nguồn nước vẫn cung cấp cho nông nghiệp thì họ sẽ mất trắng. Ở đây môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, rõ ràng, có tầm nhìn xa là yếu tố quyết định thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Thứ ba, về công nghệ. Các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp vì thấy có nhiều tiềm năng nhưng do không chủ động nắm bắt, triển khai và thích nghi công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao và các trang thiết bị liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao. Bản thân công nghệ cũng thay đổi và biến động hàng ngày nên họ vẫn có ý chờ.

Người Israel trên sa mạc làm nên nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới thì tại sao với muôn vàn thuận tiện như ta thì chẳng lẽ lại không làm được. Điều này có liên quan đến mặt bằng doanh nghiệp công nghệ. Hiện nay, nhìn sang các nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc cho thấy số lượng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp các thiết bị nông nghiệp công nghệ cao và lực lượng kỹ thuật viên rất dồi dào.

Thứ tư, vấn đề liên kết giữa người sản xuất với người nông dân. Hiện tại đã có vài mô hình doanh nghiệp hợp tác với dân bao tiêu sản phẩm. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao cho các hợp tác xã hợp tác với doanh nghiệp thực hiện ở một số địa phương, trong đó có Long An. Dù có đóng góp tích cực cho phong trào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng nhìn chung vẫn mang tính phong trào. Điều quan trọng nhất là người dân có thay đổi được tập quán canh tác, tiếp thu khoa học công nghệ hay không, có đảm bảo phát triển lâu dài mối liên kết hay không. Độ ổn định thị trường và quyền lợi, khả năng cải thiện thu nhập của nông dân như thế nào, chưa có câu trả lời chắc chắn. Điều này do bản thân doanh nghiệp chưa đủ lớn mạnh, hệ thống chính sách và các hành lang pháp lý đảm bảo quyền lợi giữa hai bên chưa cụ thể, rõ ràng.

Vậy mục tiêu đặt ra làm thế nào để phát triển được nền nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Trên quy mô sản xuất hàng hóa lớn, làm thay đổi tập quán kinh tế của người dân và từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến. Theo đại biểu Đỉnh, mục tiêu trên chỉ có thể làm được nếu doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao với vai trò trung tâm, bên cạnh họ là nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nông.

Doanh nghiệp làm chủ công nghệ quyết định quy trình canh tác sản xuất, chế biến và bao tiêu đầu ra. Các hộ gia đình gia công cho doanh nghiệp theo hợp đồng kinh tế hoặc tham gia cổ phần với doanh nghiệp và làm việc như công nhân nông nghiệp. Các chuyên gia hay các nhà khoa học được doanh nghiệp chọn và thuê theo hợp đồng kinh tế. Nhà quản lý đảm bảo các chính sách được thực thi và song hành cùng doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn đáp ứng những yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Trong môi trường đó doanh nghiệp giúp người nông dân thay đổi tập quán canh tác, nâng cao thu nhập và là quá trình giải phóng một lượng lao động lớn từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Đây là ý nghĩa tích cực nhất.

Do đó, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần có những chính sách mạnh mẽ hơn, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp mở đường mang lại uy tín cho nông sản Việt Nam với quốc tế cũng như thực hiện mục tiêu nhiệm vụ trên, theo đại biểu Lê Công Đỉnh cần tập trung thực hiện ba nhóm giải pháp sau:

Nhóm chính sách liên quan đến đầu vào. Sớm triển khai cụ thể chủ trương tích tụ ruộng đất, đặc biệt nên quan tâm chính sách thuê đất trong quỹ đất công để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhất là vừa qua Quốc hội chúng ta đã có giám sát tối cao để đánh giá hiệu quả sử dụng đất của nông, lâm trường hiện còn nhiều bất cập.

Có chính sách đối với người đưa quỹ đất vào liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Có chính sách đối với các phương thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như khu nông nghiệp công nghệ cao, trang trại, nông hộ. Trong đó quan trọng nhất là tiếp cận các nguồn tín dụng lãi suất thấp trong đầu tư và sản xuất.

Chính sách đối với xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu và trang thiết bị cho nông nghiệp cao, trước mắt phải có những hướng dẫn cụ thể và có các hành lang pháp lý đối với các phương thức hợp đồng sản xuất. Liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong đó trọng tâm là doanh nghiệp với người dân hoặc tổ chức đại diện của nông dân.

Nhóm chính sách liên quan đến quá trình sản xuất, các chính sách đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ chuyên nông nghiệp công nghệ cao kể cả doanh nghiệp chuyên trang thiết bị. Đối với các chủ thể như Viện trưởng, nhà khoa học tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như triển khai công nghệ, triển khai thích nghi công nghệ.

Thứ ba, nhóm chính sách liên quan đến đầu ra. Các chính sách khuyến khích xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao quy định phẩm cấp các mặt hàng xuất khẩu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiêu thụ trong nước. Chính sách lồng ghép sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với các chương trình đầu ra như chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chính sách liên quan đến xúc tiến thị trường, xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp khoa học, công nghệ cao.

Dương Thanh (ghi)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top