Ra đời vào đúng thời điểm đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới, tổ chức Hội Làm vườn (HLV) đã nắm bắt đúng và trúng nguyện vọng của người nông dân muốn đổi mới sản xuất, vượt ra khỏi những trì trệ của lối canh tác cũ. Đến nay, tổ chức Hội đã lớn mạnh, vươn tới tận các thôn, bản xa xôi. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với GS.TS.Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam, về chặng đường hình thành và phát triển này.
Sau 30 năm thành lập và phát triển, thành tựu lớn nhất mà Hội đạt được là gì, thưa ông?
Theo tôi, thành tựu lớn nhất mà tổ chức Hội làm được trong 30 năm qua là đã gây dựng, phát triển phong trào cải tạo vườn tạp, ao hoang, chuồng trống thành một làn sóng rộng khắp, được chính quyền các địa phương và nhân dân ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình. Từ những mô hình đầu tiên, phong trào đã lan rộng ra các địa phương, các vùng sinh thái. Ở mỗi nơi, tùy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hội viên lại có những cách làm sáng tạo, biến những khu vườn tạp, ao hoang thành những trang trại cho thu nhập hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Mô hình kinh tế VAC đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình, góp phần quan trọng vào công cuộc xói đói giảm nghèo, nhiều chủ trang trại từ đói nghèo đã vươn lên khá giả nhờ áp dụng thành công mô hình VAC. Những tấm gương như thế không thể kể hết trên khắp mọi miền đất nước.
Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, vốn là một thế mạnh của HLV, Hội còn xây dựng được những mô hình kinh tế mang bản sắc riêng của mình. Điển hình như mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh xoài của HLV tỉnh Đồng Tháp ở Mỹ Xương (Cao Lãnh). Không chỉ trồng xoài theo tiêu chuẩn GAP, cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn, tổ hợp tác còn làm các dịch vụ như: sản xuất và cung cấp dụng cụ bao trái xoài, chăm sóc cây hay thu hái trái,… Hay HLV tỉnh Trà Vinh được tỉnh giao xây dựng những hợp tác xã chuyên ngành để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, hướng đến phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết. Ở các vùng cát trắng, miền núi…, các cấp Hội và hội viên đều có những cách làm sáng tạo, độc đáo, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa thân thiện với môi trường. Mô hình vườn mẫu do HLV tỉnh Hà Tĩnh thực hiện (cũng là tiêu chí số 20 do UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định trong chương trình xây dựng nông thôn mới) cũng được đánh giá cao. Mô hình hầm biogas VACVINA cải tiến mang thương hiệu của Hội cũng có những đóng góp tích cực trong vấn đề phát triển chăn nuôi bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo ông, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, mô hình kinh tế VAC cần có những thay đổi như thế nào để phù hợp với tình hình mới?
Rõ ràng, trong giai đoạn mới như hiện nay, nếu không thích ứng, mô hình kinh tế VAC sẽ tụt hậu. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp Hội cần vận động hội viên phát triển mô hình kinh tế VAC theo hướng sản xuất hàng hóa, không thể tự cấp tự túc, manh mún, nhỏ lẻ như trước. Vận động hội viên và nông dân kết nối với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành để áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có độ đồng đều cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, cần kết nối tốt với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Hiện, HLV Việt Nam đang triển khai dự án mô hình VACB thuộc Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới ở 3 tỉnh miền núi: Sơn La với HTX trồng rau an toàn, Bắc Giang với vải thiều và Hòa Bình với cam, tất cả đều có hợp đồng tiêu thụ ký trước khi thực hiện. Chúng tôi chủ trương, khi triển khai các dự án mô hình VAC phải bao gồm cả hợp phần khí sinh học biogas (VACB). Hầm khí sinh học là giải pháp giúp khắc phục sự bất hợp lý trong quản lý phế thải, sử dụng hợp lý phế - phụ phẩm nông nghiệp, để trả lại độ phì cho đất. Xử lý an toàn chất thải động vật, tạo năng lượng tái sinh tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.
Hội viên và nông dân phải thực hiện mô hình theo quy trình VietGAP, sản phẩm làm ra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề đặt ra ở mô hình này là, phải tổ chức vận động nông dân, hội viên liên kết với nhau trong các HTX hoặc tổ liên kết, cùng thực hiện quy trình trồng trọt, chăn nuôi thống nhất sử dụng cùng loại giống, cùng loại phân bón, thức ăn, cùng kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch sơ chế bảo quản để sản phẩm đồng nhất và có giá trị gia tăng cao.
GS.TS.Ngô Thế Dân (ngoài cùng bên trái) tham quan vườn nhãn chín muộn nhà ông Trình ở Đồng Kỳ (Yên Thế - Bắc Giang).
Ngoài ra, khi triển khai xây dựng mô hình, việc tìm đầu ra cho sản phẩm phải được quan tâm hàng đầu. Theo đó, mô hình VACB phải được sản xuất theo hợp đồng ký trước với các doanh nghiệp tiêu thụ, sản xuất theo kế hoạch, “sản xuất cái gì, cho ai, số lượng bao nhiêu”, khắc phục hiện tượng sản xuất tự phát, theo phong trào.
Tình hình biến đổi khí hậu đang có những diễn biến phức tạp, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Theo ông, mô hình kinh tế VAC có được coi là một giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mới đây, Thượng tá Trần Đình Bá, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã gửi đến Bộ Nông nghiệp và PTNT một đề xuất cách giải quyết tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán ở khu vực này.
Sáng kiến của ông Trần Đình Bá được tóm tắt như sau: Trong khoảng 20ha đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long nên dành 1ha đào ao, hồ chứa nước ngọt kết hợp nuôi cá và trồng cây ăn quả ở bờ. Vào mùa lũ lấy nước và nguồn cá tự nhiên từ kênh rạch đến ao, hồ... Mùa khô, xả nước từ ao, hồ ra để chống hạn, mặn và thu hoạch cá. Đây chính là cơ chế hoạt động của mô hình VAC, xuất phát từ cách thức chống hạn của nông dân miền Bắc từ thuở trước. Theo đó, mỗi thửa ruộng lớn, nông dân thường đào một ao nhỏ để dự trữ nước và cũng là nơi nuôi tôm cá, gọi là cái chuôm. Mô hình VAC đã khẳng định được hiệu quả trong việc khai thác các vùng đất lúa trũng, kém hiệu quả bằng cách đào sâu thêm đất lúa làm ao, đất đào ao đắp thành vườn trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi.
Ở ĐBSCL mỗi năm có hai mùa, mùa mưa lũ luôn thừa nước ngọt, còn mùa khô thì lại thiếu nước ngọt trầm trọng. Theo các nhà nông học, mỗi hecta lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL cần khoảng 4.000m3 nước tưới cho cả vụ. Tuy nhiên, nếu chỉ để đáp ứng cho nhu cầu chống hạn, chống mặn cho một thời kỳ nhất định, nhu cầu nước ngọt sẽ thấp hơn nhiều so với định mức trên. Vì vậy chỉ cần đào một hồ chứa có diện tích 1ha, sâu 3m thì khối lượng đất đào hồ có thể đủ tôn đắp cho bờ hồ rộng 15m, cao 5m. Phía lòng hồ, có thể kè, phủ bằng vật liệu chống thấm như xi măng hoặc vật liệu khác để tránh tình trạng nhiễm chua, mặn vào hồ. Đồng thời, lắp đặt các cống lấy nước và tiêu nước, kết hợp hệ thống máy bơm. Vào mùa nước lũ hoặc mùa mưa, hồ sẽ tích nước ngọt thông qua hệ thống cống lấy nước và bơm nước ngọt vào. Tôm, cá tự nhiên cũng sẽ theo hệ thống này vào hồ. Sau đó xả nước hoặc bơm từ trong ra ngoài để phục vụ cho việc chống hạn, chống mặn vào mùa khô. Chỉ cần một hồ chứa rộng 1ha như trên sẽ có lượng nước ngọt khoảng 800m3, đủ phục vụ cho nhu cầu chống hạn, chống mặn của khoảng ít nhất 20ha lúa xung quanh vùng.
Theo nghiên cứu của ông Bá, diện tích đất lúa chịu ảnh hưởng của hạn, mặn hiện nay rất lớn, nếu đào hồ, sẽ cần tới hàng trăm nghìn cái. Vì vậy, kinh phí Nhà nước đầu tư sẽ không khả thi, mà phải xã hội hóa. Nhà nước có thể chỉ thống nhất về mặt chủ trương cho phép xây dựng ao, hồ, đồng thời hỗ trợ về công đào múc đất, vật liệu xây dựng… Còn lại, việc tổ chức thi công sẽ do người dân, nhóm hộ dân tại các vùng có nhu cầu đứng ra triển khai xây dựng. Với năng suất lúa khoảng 9-10 tấn/ha/vụ, nếu xây dựng hồ rộng 1ha, thì chỉ cần khoảng 3 vụ lúa, người dân sẽ đủ hoàn vốn xây dựng hồ. Đó là chưa kể số tiền thu được từ nuôi cá và trồng cây ăn quả được dự kiến là sẽ có giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa.
Tôi cho rằng, đây là một sáng kiến rất khả thi và có tính sáng tạo cao, bởi mô hình kinh tế VAC có khả năng thích nghi với mọi vùng sinh thái. Từ đề xuất này, tôi đã trao đổi với một số chuyên gia thủy lợi để xây dựng một số mô hình thí điểm, sau đó có đánh giá cụ thể trình Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép triển khai trên diện rộng ở ĐBSCL.
Không chỉ ở ĐBSCL, những vùng cát ven biển cũng cần đào ao giữ nước, xây dựng mô hình kinh tế VAC để ứng phó với hạn hán. Việc dựa vào thiên nhiên để sản xuất đã không còn phù hợp, việc tìm ra mô hình mới đang là đòi hỏi cấp thiết. Và VAC là một sự lựa chọn hợp lý.
Xin cảm ơn ông!
Anh Thơ (thực hiện)
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.