Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 8 năm 2019 | 15:39

Đổi mới nội dung hoạt động Hội Làm vườn giai đoạn 2020-2025

Đứng trước thuận lợi đan xen khó khăn hiện nay, Hội Làm vườn cần phải đổi mới về cả mô hình tổ chức và nội dung hoạt động để tiếp tục thực hiện cuộc vận động hội viên và nông dân phát triển kinh tế vườn trong giai đoạn mới.

Báo Kinh tế nông thôn trân trọng giới thiệu dự thảo Đề cương chi tiết  Báo cáo đổi mới mô hình tổ chức và nội dung hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2020-2025.

Mong nhận được sự góp ý của bạn đọc, cán bộ hội các cấp, hội viên Hội Làm vườn Việt Nam trên cả nước. Mọi góp ý xin gửi vào hộp thư: [email protected][email protected]. Trân trọng cảm ơn!

------

tr4.jpg
Chủ tịch HLV Việt Nam Ngô Thế Dân (thứ 2 từ trái sang) thăm mô hình vườn mẫu ở Hà Tĩnh.

 

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT BÁO CÁO
ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TỔ CHỨC VÀ NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
CỦA HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2020-2025

 

Đặt vấn đề

Mục tiêu, phạm vi hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam đã được thay đổi và mở rộng , Hội không chỉ vận động hội viên và nông dân phát triển sản xuất để xóa đói giảm nghèo và làm giàu mà còn là phát triển nền sản xuất VAC hàng hóa và hiệu quả cao có kết nối với tiêu thụ sản phẩm .

- Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mới về Hội nên mô hình tổ chức hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam hiện nay không còn phù hợp cần thay đổi để thích ứng;

Từ bối cảnh nêu trên, Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức cuộc hội nghị Thường vụ mở rộng nhằm mục đích:  

- Đánh giá những thuận lợi, khó khăn của Hội Làm vườn Việt Nam hiện nay;

- Đề xuất giải pháp đổi mới mô hình tổ chức và nội dung hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Hội;

- Xây dựng báo cáo phương hướng nhiệm vụ cho giai đoạn 2020-2025 trình Đại hội đại biểu Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ VII sẽ tổ chức vào thời gian tới.

PHẦN THỨ NHẤT
TÌNH HÌNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG, NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN THÁCH THỨC ĐỐI VỚI HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM HIỆN NAY
 
1. Kết quả hoạt động

Trải qua 33 năm hoạt động, phong trào phát triển kinh tế VAC do Hội đề xướng và vận động đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế vườn tăng thu nhập cho nông dân. Mục tiêu hoạt động của Hội luôn được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn, từ việc giải quyết dinh dưỡng cho hộ gia đình trong thời gian đất nước thiếu lương thực, thực phẩm, đến thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và làm giàu vào thời kỳ đổi mới và hiện nay sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và áp dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả và hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới.

Thành tựu nổi bật của Hội là:

- Cuộc vận động phát triển kinh tế VAC do Hội khởi xướng tiếp tục được duy trì và đổi mới bằng việc áp dụng  tiến bộ khoa học kỹ thuật  và công nghệ  đem lại hiệu quả cao và bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn.

- Hội là đơn vị đầu tiên tiếp cận và đề xuất sản xuất nông nghiệp theo quy trình GAP (VietGAP, gGlobal GAP...) khởi đầu cho cuộc vận động sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm

- Xây dựng nhiều mô hình VAC hiệu quả, ATTP và phát triển bền vững (VACB, Vườn mẫu, vườn chuẩn, Vườn hữu cơ, VAC 4,0...) đang được mở rộng ở nhiều địa phương.

- Mỗi năm Hội phối hợp với các tổ chức đào tạo, tập huấn, tham quan mô hình cho hàng trăm nghin cán bộ, hội viên nâng cao năng lực. Bình quân trong 5 năm (2014-2019) đã đào tạo, tập huấn: 300-400 ngàn lượt/năm, tham quan, hội thảo:18 ngàn lượt người/năm).

Thành tựu của Hội đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Hội Làm vườn Việt Nam đã được Nhà nước 2 lần tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của MTTQVN, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Liên hiệp KHKTVN...

2. Thực trạng về tổ chức và hoạt động Hội hiện nay

Hội Làm vườn Việt Nam có tổ chức ở 54 tỉnh, 493 huyện, 6.197 hội cấp xã và 18.481 chi hội thôn với trên 840.000 hội viên, trong đó có gần 30 nghìn hội viên là chủ trang trại. 15 hội địa phương được xếp là hội đặc thù, 19 hội được cấp kinh phí và 31 hội được bố trí văn phòng làm việc.

Trong 54 hội, chỉ có 9 hội có thu hội phí, chủ yếu ở cấp huyện hội, chi hội. Tổng số quỹ 3.215 triệu (năm 2017).

Nhà nước hàng năm cấp ngân sách cho các hội địa phương gồm:

- Chi thường xuyên: 9-10 tỷ đồng

- Chi thực hiện các dự án: 4-5 tỷ đồng

Hội Làm vườn Việt Nam không được xếp là hội đặc thù, không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên thông qua đấu thầu, mỗi năm được Bộ  Nông nghiệp và PTNT giao bình quân 2 tỷ đồng thực hiện các dự án.

Hội Làm vườn Việt Nam hiện có 10 đơn vị trực thuộc là các Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật và Báo Kinh tế nông thôn. Các đơn vị này không được hỗ trợ ngân sách và hoạt động độc lập về tài chính.

III. Thuận lợi và khó khăn

  1. Về thuận lợi

- Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế VAC, nổi bật là chính sách đất đai cho phép chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc..., vì vậy, quy mô kinh tế VAC ngày càng được mở rộng.

- Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đang được khuyến khích đã giúp nâng cao giá trị hàng nông sản và tiêu thụ các sản phẩm VAC. Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP, GlobalGAP, Nông nghiệp hữu cơ, VAC 4,0...) do Hội vận động đang được tạo điều kiện và khuyến khích phát triển.

  1. Về khó khăn

- Về nhận thức quan điểm phần lớn các tổ chức Hội thành viên hiện nay vẫn mang nặng tư tưởng “nhà nước hóa hội”, ỷ lại vào trợ cấp Nhà nước, chưa nhận thức được quan điểm nguyên tắc tổ chức xã hội nghề nghiệp là tự nguyện, tự lo kinh phí hoạt động.

- Đội ngũ cán bộ chuyên trách của các hội thiếu ổn định, chưa được đào tạo, bồi dưỡng để đảm nhiệm công việc lâu dài cho hội. Phần lớn cán bộ chủ chốt ở các hội cơ sở là kiêm nhiệm, không có phụ cấp, chế độ đãi ngộ nên chưa dành được nhiều thời gian cho hoạt động hội.

- Cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tổ chức xã hội nghề nghiệp thay đổi từ có hỗ trợ sang tự lo, tự trang trải, từ đó nguồn lực về tài chính chủ yếu dựa vào sự trợ giúp của Nhà nước của nhiều Hội Làm vườn các địa phương nay gặp nhiều khó khăn.

- Về các nguồn lực khác thì hầu hết các hội không thu được hội phí, nếu có thu được hội phí cũng rất nhỏ. Các trung tâm trực thuộc Trung ương Hội và các hội địa phương không có hoặc rất ít việc làm nên nhiều đơn vị đã giải thể hoặc dừng hoạt động nên không hỗ trợ được cho các hoạt động chung của Hội.

- Nội dung hoạt động Hội chưa hấp dẫn được nhiều các doanh nghiệp, HTX, trang trại tham gia hội vì chưa có điều kiện giúp họ nhiều về áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiêu thụ hàng hóa như: quảng cáo, làm mô hình thí nghiệm, giới thiệu các sản phẩm mới…để các đơn vị trên có điều kiện và lý do hỗ trợ lại các hoạt động của hội. Ngay Văn phòng Trung ương Hội hiện cũng rất khó khăn trong việc lo kinh phí tổ chức các cuộc họp hàng năm  theo điều lệ (họp Thường vụ, họp toàn thể Ban chấp hành).

- Các điều kiện vật chất để hoạt động Hội như: tuyên truyền, xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn…hàng năm được các sở, ban ngành địa phương hỗ trợ kinh phí rất hạn chế và chủ yếu  hội tham gia mang tính chất phối hợp. Nhà nước chưa có cơ chế hướng dẫn để các địa phương giao kinh phí  cho các hội theo nhiệm vụ như Nghị định 45.

 - Chủ trương, chính sách Nhà nước đối với Hội còn chưa có sự nhất quán. Đến nay Luật về hội chưa được Quốc hội phê chuẩn làm cơ sở pháp lý cho Hội hoạt động. Vì vậy, Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho Hội tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tê-xã hội và hỗ trợ cho các hội theo nhiệm vụ được giao. Mặt khác, các địa phương hiện nay đang sắp xếp lại các tổ chức xã hội nghề nghiệp theo hướng sáp nhập và giảm số lượng Hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng yên tâm công tác của cán bộ Hội.

Những thuận lợi và khó khăn trên đang đặt ra cho Hội cần phải đổi mới về cả mô hình tổ chức và nội dung hoạt động để tiếp tục thực hiện cuộc vận động hội viên và nông dân phát triển kinh tế vườn trong giai đoạn mới.

tap-huan.JPG
Lãnh đạo Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang trao đổi với hội viên tại vườn cây ăn quả ở xã Trung Thành (Vị Xuyên). Ảnh: Báo Hà Giang

 

PHẦN THỨ HAI
GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TỔ CHỨC, NỘI DUNG  HOẠT ĐỘNG HỘI LÀM VƯỜN VIỆT NAM TRONG TÌNH HINH MỚI

 

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tác động trực tiếp đến Hội như:

-Nghị định 45/2010/NĐ-CP, Nghị định 33/2012/NĐ-CP, Quyết định 68/2010, Chỉ thị17-CT/TW (2012),

- Kết luận  64-KL/TW (2013) và đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW (2017)  về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Những chủ trương, chính sách này đặt ra cho Hội Làm vườn Việt Nam và các hội địa phương phải đổi mới lại cả về tổ chức và nội dung hoạt động trên nguyên tắc:  Tự nguyện; tự quản; tự bảo đảm kinh phí. Nhà nước chỉ cấp kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao. Các hội không nhất thiết phải có mạng lưới tổ chức trong cả nước từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã.

I. Đổi mới tổ chức và nội dung hoạt động Hội

Căn cứ vào chủ trương chính sách trên, bộ máy tổ chức Hội Làm vườn Việt Nam và các tổ chức Hội Làm vườn địa phương cần phải tinh ngọn, mềm dẻo, có năng lực chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ  được giao.

  1. Về tổ chức

- Ở Trung ương:

+ Xác định rõ vai trò Hội Làm vườn Việt Nam là trung tâm vận động phong trào phát triển kinh tế VAC, thu hút cán bộ chuyên môn có năng lực xây dựng được nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình/dự án phù hợp với giai đoạn phát triển của Hội, tham gia phản biện chính sách và tổ chức thực hiện được các dự án để tạo việc làm và nguồn kinh phí hoạt động cho Hội.

 + Tổ chức lại Văn phòng Trung ương Hội để làm tốt nhiệm vụ là đầu mối kết nối và thông tin với các hội thành viên, tổ chức các sự kiện phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế vườn và huy động các nguồn kinh phí giúp Hội Làm vườn Việt Nam hoạt động.

+ Các đơn vị trực thuộc Hội Làm vườn Việt Nam (Báo Kinh tế nông thôn và các trung tâm) làm nhiệm vụ tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hội thảo và thực hiện các dự án, mô hình trên nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí và đóng góp một phần kinh phí cho hoạt động của Hội theo quy định.

- Ở địa phương:

Hội Làm vườn các địa phương và các doanh nghiệp, HTX.... hoạt động theo điều lệ, Luật doanh nghiệp do cấp thẩm quyền phê duyệt.  Nội dung hoạt động của các hội và doanh nghiệp theo nhiệm vụ được địa phương giao.

Các hội địa phương tán thành Điều lệ của Hội Làm vườn Việt Nam và tự nguyện làm đơn xin gia nhập thì được Ban Chấp hàng Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam xem xét, quyết định kết nạp làm hội thành viên được hưởng quyền lợi theo điều lệ Hội.

Các hội thành viên tham gia các hoạt động chung của hội như các cuộc họp Thường vụ, họp Ban chấp hành, tham dự hội nghị ... đều phải tự lo kinh phí đi lại, ăn ở.

  1. Về nội dung hoạt động

Căn cứ vào nhiệm vụ đã được xác định trong Điều lệ và chủ trương, phương hướng phát triển của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới, xác định mục tiêu và nội dung trọng tâm hoạt động của Hội trong giai đoạn 2020-2025 như sau:  

- Mục tiêu chung của Hội là vận động nông dân phát triển kinh tế vườn theo hướng xóa đói giảm nghèo và làm giàu, phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, hiệu quả, an toàn thực phẩm. Củng cố và phát triển tổ chức đáp ứng được nhiệm vụ trong tình hình mới. 

- Nội dung hoạt động của Hội và các hội thành viên là thực hiện nhiệm vụ của ngành nông nghiêp mà trọng tâm là xây dựng, nâng cao chuỗi giá trị, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, quy chuẩn phổ biến về an toàn trong sản xuất, cùng với ứng dụng công nghệ sản xuất trong bảo quản và chế biến, xây dựng thương hiệu nâng cao giá trị nông  sản; ứng dụng khoa học và công nghệ cao và tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện được những mục tiêu và nội dung trên, Hội và hội thành viên tập trung vào những hoạt động cụ thể sau:

2.1 Vận động phong trào làm kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ kết nối sản xuất với thị trường đáp ứng yêu cầu về ATTP và phát triển bền vững

+ Trước hết, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình “vườn hữu cơ”, “vườn đô thị” , “Trang trại VAC 4.0” nhằm thiết thực góp phần bảo vệ đất vườn, bảo vệ môi trường sống trong lành và cung cấp rau quả sạch cho gia đình và cộng đồng.

+ Áp dụng các biện pháp khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương và hộ gia đình để chuyển đổi dần từng bước từ làm VAC thông thường sang làm vườn hữu cơ, vườn đô thị, trang trại  VAC 4.0 mà không đòi hỏi đầu tư quá tốn kém vẫn đạt được tiêu chí nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ được môi trường khu vực nông thôn và phù hợp với xu thế xây dựng đô thị văn minh ở thành phố.

+ Tổ chức các diễn đàn, tham quan mô hình, trao đổi, rút kinh nghiệm, thông qua Báo Kinh tế nông thôn, Website của VACVINA, tuyên truyền vận động hội viên và nông dân nhân rộng các mô hình trên phù hợp với khuôn viên sống của hộ gia đình ở nông thôn, ở đô thị.

+ Biên tập và phát hành Sổ tay hướng dẫn về Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), làm vườn hữu cơ, vườn đô thị, trang trại VAC 4.0 làm tài liệu và tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên.

2.2 Tổng kết kinh nghiệm,  xây dựng lý luận mô hình sản xuất VAC trong điều kiện mới

+ Tổng kết thực tiễn các mô hình VAC đã được thực hiện thành công tại các địa phương như  vườn mẫu (Hà Tĩnh), vườn chuẩn (Nghệ An), vườn đô thị, trang trại VAC 4.0 (Hà Nội) -  Trang trại VAC 4.0 của Công ty Share farm là  mô hình VAC truyền thống được cải tiến bằng áp dụng công nghệ tiên tiến. Các sản phẩm của trang trại là các sản phẩm hữu cơ được sản xuất trong hệ sinh thái khép kín, đảm bảo cân bằng sinh thái, chất thải của loài này sẽ là thức ăn của loài kia. Điểm khác biệt nữa của mô hình là người tiêu dùng sản phẩm của mô hình cũng là người đầu tư mô hình. Người tiêu dùng có thể góp vốn và trực tiếp tham gia kiểm soát quy trình sản xuất của mô hình;

+ Tổ chức các hội thảo chuyên đề về chiến lược phát triển bền vững mô hình kinh tế VAC trong tình hình mới. Cần có sự cập nhật, điều chỉnh về các phương pháp sản xuất VAC để đáp ứng các yêu cầu, quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thực hành nông nghiệp tốt.

+ Xây dựng và thực hiện đề án/ chiến lược phát triển Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2020- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

2.3  Hỗ trợ, thúc đẩy mối liên kết giữa người làm vườn với HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp; xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi sản phẩm nghề làm vườn

+ Khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nghề làm vườn, các hợp tác xã, tổ hợp tác… tham gia Hội;

+ Giới thiệu, làm cầu nối, cung cấp thông tin và hướng dẫn, phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nghề làm vườn trên cơ sở liên kết giữa hội viên với nhau và giữa hội viên với các doanh nghiệp.

+ Phối hợp với các doanh nghiệp và địa phương  xây dựng và phát triển một số cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nghề làm vườn được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tại một số thành phố lớn.

2.4 Đẩy mạnh hợp tác và giao lưu quốc tế.

+ Trên cơ sở các kết quả đạt được, Hội chủ động đề xuất và phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hiệp hội Trang trại Việt Nam VietDHRRA, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động phong trào “làm vườn hữu cơ”, “vườn mẫu (vườn chuẩn )”, “trang trại VAC 4.0” trong toàn quốc và tổ chức triển khai tại các địa phương.

+ Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức việc quảng bá, hướng dẫn sử dụng, cung ứng các thiết bị, vật tư phục vụ cho người trồng vườn hữu cơ, vườn đô thị, trang trại VAC 4.0.

Tăng cường trao đổi kinh nghiệm tổ chức và hoạt động với Hội Làm vườn và các tổ chức nhân dân có liên quan các nước trong khu vực và trên thế giới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội và tạo điều kiện cho các Hội địa phương tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm nghề vườn của các nước.

+  Chủ động đề xuất, thiết lập quan hệ hợp tác với Hội Làm vườn Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Mỹ… để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động Hội.

+ Trao đổi thông tin, đặc biệt là tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động Hội và  tiến bộ kỹ thuật giúp người làm vườn nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.

+ Hàng năm, thành lập các đoàn của Hội Làm vườn Việt Nam đi tham quan, chia sẻ kinh nghiệm với Hội Làm vườn một số nước, kết hợp tham quan, du lịch trải nghiệm cho cán bộ Hội Làm vườn các địa phương và Trung ương Hội.

+ Mời và tạo điều kiện để Hội Làm vườn các nước thăm và chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghề vườn tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ, tư vấn phát triển các dự án hợp tác quốc tế giúp phát triển nghề làm vườn tại Việt Nam.

+ Tiếp tục tăng cường và phát huy hiệu quả hợp tác với Mạng lưới hợp tác phát triển nguồn nhân lực nông thôn châu Á (AsiaDHRRA) và Mạng lưới VietDHRRA. CIPEN...

+ Chủ động đề xuất, xây dựng các dự án/nội dung hợp tác với các tổ chức quốc tế ( FAO, IFAD…) và các tổ chức phi chính phủ có liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

+ Chủ động tham gia vào các hoạt động của các dự án hợp tác quốc tế có liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT hiện đang được thực hiện tại Việt Nam.

II. Về một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động thích ứng với tình hình mới

  1. Vận động, tập hợp đội ngũ các cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp có kinh nghiệm, chuyên môn, ngoại ngữ và uy tín tham gia vào Ban Chấp hành, các Ban và hoạt động của Hội trên cơ sở tự nguyện là chính bằng cách thành lập và duy trì hoạt động với hình thức phù hợp Hội đồng khoa học, Hội đồng cố vấn/ tư vấn, Mạng lưới cộng tác viên của Hội và huy động sự tham gia của các thành viên khi cần thiết.
  2. Kiện toàn và đổi mới hoạt động Văn phòng Trung ương Hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả, một người có thể đảm nhận nhiều công việc; huy động sự tham gia của một số cán bộ làm việc cho Văn phòng Trung ương Hội trên cơ sở tự nguyện.
  3. Ứng dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động Hội, giảm tối đa giấy tờ và tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, hội viên tiếp cận thông tin thuận lợi, dễ dàng và kịp thời. Thực hiện hiệu quả việc trao đổi thông tin, tư vấn trên mạng (on- line) cho nông dân và hội viên.
  4. Huy động sự đóng góp về nhân lực và tài chính, tài trợ của các doanh nghiệp, các hội địa phương và các hội viên. Có quy định thống nhất, rõ ràng, minh bạch về quyền lợi của các nhà tài trợ và trách nhiệm đóng góp kinh phí đối với các thành viên tham gia các hoạt động của Hội. Trung ương Hội đóng vai trò tổ chức các hoạt động, sự kiện, tạo diễn đàn và môi trường thuận lợi để các hội địa phương và hội viên nói chung tham gia trên cơ sở tự nguyện và đóng góp kinh phí.
  5. Khai thác tốt sự hỗ trợ kinh phí của các dự án, chương trình khuyến nông, các hoạt động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong hệ thống nhà nước ở Trung ương và địa phương.
  6. Chủ động tìm kiếm, xây dựng và triển khai các hoạt động hợp tác với sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế.
  7. Hoạt động của Hội có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; kết hợp hợp lý, hài hoà các hoạt động trong mỗi ngày, mỗi lần tổ chức sự kiện để tiết kiệm kinh phí tổ chức của Hội và chi phí đi lại của các đại biểu tham dự.

 

Trên đây là một số nội dung báo cáo do Ban Thường trực chuẩn bị trình bày với Hội nghị Thường vụ Ban chấp hành mở rộng để xin ý kiến đóng góp. Ban thường trực Hội sẽ tiếp thu  ý kiến của các đại biểu và hoàn thiện báo cáo làm cơ sở xây dựng điều lệ và phương hướng nhiệm vụ cho Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Làm vườn Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025.

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

  • Chào năm mới 2024! Dấu ấn vị thế mới hướng đến thịnh vượng

    Chào năm mới 2024! Dấu ấn vị thế mới hướng đến thịnh vượng

    1. Năm 2023 đã qua đi trong niềm vui và sự tự tin.

Top