Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam đã khẳng định vai trò và vị thế của mình trong tiến trình phát triển chung của nền nông nghiệp Việt Nam, đóng góp lớn cho việc phát triển kinh tế hộ, trang trại và toàn thể vùng nông thôn rộng lớn. Mô hình VAC theo kịp với tiến trình phát triển của ngành và xã hội, từ VAC dinh dưỡng đến VAC hàng hóa. 30 năm qua, HLV Việt Nam với giải pháp VAC đã thực sự góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu cho nhiều nông dân trên cả nước.
GS. TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch T.Ư HLVVN tặng Cờ Thi đua cho các đơn vị xuất sắc.
Đóng góp không nhỏ cho ngành nông nghiệp
Nhớ lại những ngày đầu thành lập, GS.TS.Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam, trầm ngâm: “Lúc ban đầu Hội mới chỉ có ở 4 tỉnh, thành phố, 4 huyện và 12 xã với 125 hội viên. Đến nay, đã có gần 1 triệu hội viên và trên 18.000 tổ chức cơ sở. Tổ chức Hội đã hình thành hệ thống từ Trung ương đến tỉnh, huyện và xã, hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Trong số 50 Hội cấp tỉnh hoạt động có 15 tỉnh Hội được công nhận là hội đặc thù, 10 tỉnh Hội không được xếp là hội đặc thù nhưng vẫn được cấp biên chế và kinh phí hoạt động. Trung ương HLV Việt Nam và số tỉnh Hội còn lại được hỗ trợ hoạt động theo nhiệm vụ được giao. Đây là bước tiến vô cùng to lớn, khẳng định vị trí, vai trò của HLV trong tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp”.
Tổng kết 5 năm gần đây cho thấy, hàng năm cả hệ thống HLV đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội khác đào tạo, huấn luyện, dạy nghề cho 300.000 lượt người/năm; in ấn, xuất bản trên 70 đầu sách và hàng ngàn tờ rơi phát miễn phí cho hội viên. Những hoạt động trên của HLV Việt Nam đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đánh giá: “Trong những năm qua, những người làm vườn nước ta đã góp phần đáng kể làm tăng tổng giá trị sản lượng nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng được hàng ngàn “vườn tình nghĩa” cho các mẹ Việt Nam anh hùng, cho gia đình liệt sĩ, thương binh và những người khó khăn, cô quả, thúc đẩy phân công lao động, bước đầu tạo ra những hình thức hợp tác kiểu mới trong nông nghiệp, nông thôn. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những việc làm có ý nghĩa, tốt đẹp và có hiệu quả thiết thực đó”.
Đồng chí Vũ Oanh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị nói: HLV Việt Nam đã góp nhiều công sức cho một công việc “ích nước lợi nhà”, xây dựng một hội nghề nghiệp xã hội nhưng có ý nghĩa chính trị to lớn. Bên cạnh những hoạt động trên, HLV Việt Nam còn thường xuyên phát động và tổng kết phong trào thi đua làm VAC giỏi, thi đua xây dựng các mô hình làm VAC có hiệu quả cao ở cấp xã, huyện, tỉnh và toàn quốc. Hàng năm đều tổ chức biểu dương, khen thưởng để động viên phong trào và cứ 5 năm lại tổ chức lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến xuất sắc toàn quốc. Với những đóng góp trên, HLV Việt Nam đã được Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiều lần tặng bằng khen, cờ thi đua, 2 lần tặng Huân chương lao động hạng Nhất, 1 Huân chương lao động hạng Nhì và 3 Huân chương Lao động hạng Ba.
Mục tiêu xuyên suốt trong 30 năm phát triển của HLV Việt Nam chính là khôi phục và phát triển nghề vườn, góp phần thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Chính mục tiêu này của Hội đã huy động được nhiều nguồn lực của chính quyền, đoàn thể các cấp, huy động được sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ nông dân các loại giống cây - con, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc… để phát triển sản xuất. Hội cũng nhận thức sâu sắc rằng, cuộc vận động phát triển kinh tế VAC thành công là công sức của toàn Đảng, toàn dân. Hội chỉ là trung tâm vận động, thông qua các mô hình do Hội xây dựng hoặc tổng kết mô hình tiên tiến phát triển trong phong trào quần chúng rồi nhân ra diện rộng.
Lãnh đạo Báo Kinh tế nông thôn nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo kết quả điều tra ở một số tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, vùng thuần nông kinh tế VAC chiếm tới 60-70% thu nhập của hộ gia đình. Nhờ làm kinh tế VAC mà nhiều hộ thoát nghèo, trở nên giàu có, cuộc sống đầy đủ. Cho đến nay, ở nhiều tỉnh, hầu như không còn thấy vườn tạp, ao hoang, chuồng trống. VAC được xem là giải pháp quan trọng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
VAC và 4 câu chuyện nông nghiệp
Đến chung vui và chúc mừng sự lớn mạnh của HLV Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhấn mạnh: “Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp rất đặc biệt, được thành lập từ rất sớm (1986), quá trình phát triển rất nhanh và bền vững. Từ 125 thành viên ban đầu, sau 30 năm Hội đã có gần 1 triệu hội viên, điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của HLV Việt Nam. Với tôn chỉ, mục đích là động viên, khuyến khích các thành viên của mình tập trung phát triển nông nghiệp trong lĩnh vực VAC, đây là hệ sinh thái không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt môi trường, an sinh, văn hóa. Các hoạt động của Hội trong 30 năm qua gắn rất chặt với nông nghiệp, qua các kỳ đại hội của Trung ương đều có nghị quyết liên tịch, chương trình hành động với Bộ Nông nghiệp và PTNT làm căn cứ cơ sở để triển khai xuống các cấp Hội, động viên hội viên hoàn thành những mục tiêu lớn, chủ trương lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng và Chính phủ”.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định vai trò to lớn của mô hình kinh tế VAC trong 30 năm qua khi VAC trở thành thành tố tích cực cùng các lực lượng khác giải quyết tốt 4 câu chuyện trong nông nghiệp, đó là: đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng trong những thập niên 90 của thế kỷ trước - thập niên khó khăn nhất trong lịch sử lương thực Việt Nam.
Câu chuyện thứ hai mà hệ sinh thái VAC đã làm được, đó là góp phần rất tích cực để hơn 20 năm sau đổi mới, chúng ta đã tạo ra sản lượng lương thực thực phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu của hơn 90 triệu dân mà còn xuất khẩu, mang về giá trị 31 tỷ USD.
Câu chuyện thứ ba VAC đã gây dựng được là, tôn vinh hình ảnh những cựu chiến binh với những mô hình kinh tế vô cùng đặc sắc. Không chỉ vươn lên làm giàu mà còn thể hiện tính an sinh, tính nhân văn rất rõ ràng. “Năm 1994, bản thân tôi đã từng làm Phó chủ tịch HLV Hà Tây (cũ). Đi đến đâu cũng thấy hình ảnh, tấm gương những cựu chiến binh điển hình, vươn lên làm giàu cho mình, giải quyết công ăn việc làm cho con cháu đồng đội, cho cộng đồng. Đấy là nghĩa cử vô cùng cao đẹp mà không phải lực lượng nào cũng làm được”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
GS. TS Ngô Thế Dân tặng Kỷ niệm chương của Hội cho các đồng chí có nhiều đóng góp cho phong trào phát triển Hội và kinh tế VAC.
Và câu chuyện cuối cùng không kém phần hấp dẫn, đó là từ VAC, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân ra đời từ chính mô hình này. Những trang trại ban đầu đều làm VAC, nhưng sau này khi đủ tiềm lực tài chính, có sự tiếp sức của các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã vươn lên trở thành những doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh lực nông nghiệp - nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực.
Niềm vui của tuổi 30 càng được nhân lên khi nhiều cá nhân, tập thể của Hội được đón nhận cờ thi đua, bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Xin mượn lời Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường thay cho lời muốn nói của nhiều hội viên, nông dân, đó là “gửi lời cảm ơn tới Trung ương HLV Việt Nam cùng hệ sinh thái VAC trong 30 năm qua đã đồng hành cùng ngành nông nghiệp, làm nên những thành quả tuyệt vời”.
Danh Hùng
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.