Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 8 năm 2017 | 4:56

Đồng bằng sông Cửu Long: Hết lo lũ sớm lại đến nỗi sầu lúa nếp rớt giá

Không chỉ lo lũ lên sớm ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa hè thu, thu đông, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long còn đang "rầu" vì giá lúa nếp giảm mạnh.

Lo sốt vó vì lũ lên nhanh

Nước lũ về sớm và cao hơn trung bình nhiều năm trước, cộng với trời liên tục có mưa khiến mực nước ở các sông dâng cao, nhiều nơi nông dân đang lo sốt vó, sợ ảnh hưởng đến diện tích lúa hè thu và thu đông.

Nông dân gia cố đê bao. Ảnh: nongnghiep.vn

Kiên Giang là tỉnh có diện tích rộng (trên 300.000 ha đất lúa), lại có 3 vùng sinh thái khác nhau nên trên địa bàn tỉnh vừa có lúa hè thu (HT) chưa thu hoạch xong, vừa có lúa thu đông (TĐ) mới gieo sạ. Mặc dù đã nắm được thông tin dự báo về tình hình lũ sớm, lúa gieo sạ phần lớn nằm trong vùng đê bao nhưng nông dân vẫn lo lắng bất an khi thấy nước ngày một dâng cao.

Tại ấp Tân Thành, xã Tân Hòa, Tân Hiệp (Kiên Giang), những hộ dân nơi đây đã tự hùn nhau đóng góp số tiền 55 triệu đồng đề mướn máy Kobe múc đất gia cố bờ bao chung quanh chống lũ, bảo vệ lúa TĐ đang thời kỳ phát triển. Đồng thời, một trạm bơm dã chiến với 3 chiếc máy dầu công suất lớn cũng được lắp đặt, túc trực để sẵn sàng bơm tháo nước ra, chống ngập úng cục bộ.

Huyện Hòn Đất nằm trong vùng rốn lũ của Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang, chính quyền và người dân đang rất lo lắng khi phần lớn diện tích lúa HT chưa thu hoạch xong, lúa TĐ mới gieo sạ đều có nguy cơ bị thiệt hại khi lũ tràn về. Ông Đào Xuân Nha, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Hòn Đất cho biết, tính đến thời điểm này, huyện mới thu hoạch được khoảng 12.000/79.400 ha lúa HT, diện tích còn lại đang thời kỳ trổ, chín. Lúa TĐ nông dân đã xuống giống hơn 6.500 ha. Lo ngại lúa bị lũ nhấn chìm, nhiều hộ dân đã tự hùn nhau gia cố đê bao nội đồng, thiết lập trạm bơm để chống ngập úng.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang, phần lớn diện tích lúa TĐ 2017 của tỉnh tập trung ở 2 huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, nằm trong vùng ngập nông và có đê bao khép kín nên không quá lo ngại. Còn tại Hòn Đất, cần tập trung bảo vệ và thu hoạch dứt điểm lúa HT, vì diện tích còn rất lớn. Sở cũng đã có chỉ đạo các địa phương cần tập trung bảo vệ sản xuất lúa HT và TĐ 2017 và chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ. Vì theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ cao hơn trung bình nhiều năm và nhiều khả năng lũ sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 9 tới. Khi lũ dâng cao, 2 đập tràn Tha La và Trà Sư (An Giang) sẽ được mở để thoát lũ, lượng nước sẽ dồn về các cánh đồng vùng Tứ giác Long Xuyên, nếu gặp thêm triều cường sẽ gây ra tình trạng ngập úng.

Ở những huyện đầu nguồn, dù người dân đã chủ động ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra. Tại ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông, An Phú (An Giang), 60 hộ dân ở đây đã cùng nhau đóng góp gần 35 triệu đồng gia cố đê bao, với mong muốn ngăn được nước lũ. Thế nhưng, nước lên quá nhanh đã làm vỡ đê, nhấn chìm 70 ha lúa TĐ sớm, người dân “mất cả chì lẫn chài”. Ông Nguyễn Văn Ba ở ấp Vĩnh An buồn rầu: “Do lúa mới được hơn 70 ngày đã bị lũ nhấn chìm nên 6 công ruộng của gia đình chỉ thu hoạch được hơn chục bao toàn lúa xanh, không đủ tiền thuê người đắp đê, nói chi thu lại vốn”.

Tồn hàng trăm ngàn tấn lúa nếp, giá giảm sâu

Năm 2016, xuất khẩu (XK) gạo nếp tăng mạnh, đẩy giá lúa nếp ở ĐBSCL lên cao. Bởi vậy, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân nhiều địa phương đã đua nhau mở rộng diện tích trong 2 vụ đông xuân 2016-2017 và hè thu 2017. Hậu quả là khi XK không còn thuận lợi, giá lúa nếp đã giảm mạnh, hàng trăm ngàn tấn lúa nếp tồn đọng.

Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: danviet.vn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2016, XK gạo nếp đạt 1,02 triệu tấn (tăng trên 96% so năm 2015, chiếm 20,9% tổng lượng gạo XK). XK nếp tăng mạnh khiến giá lúa nếp 2016 luôn ở mức tốt. Cụ thể, vụ đông xuân (ĐX) 2015-2016, giá lúa nếp từ 5.000-5.600 đ/kg; vụ hè thu (HT) đạt 5.600-6.100 đ/kg. Điều này đã kích thích nông dân ở nhiều địa phương lao vào trồng lúa nếp, kể cả ở những vùng chưa từng trồng. Bằng chứng là trong vụ ĐX 2016-2017, diện tích gieo trồng lúa nếp ở ĐBSCL lên đến 223.044 ha, tăng 87.848 ha so với vụ ĐX 2015-2016.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt), cho biết, nhận thấy tình hình sản xuất lúa nếp đang tăng mạnh về diện tích, trong khi thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, ngay từ đầu năm 2017, Cục Trồng trọt đã cảnh báo các địa phương về tình trạng này.

Cụ thể, tại Công văn số 184/TT-CLT ngày 22/2/2017, về việc tăng cường chỉ đạo chăm sóc lúa ĐX 2016-2017 và triển khai kế hoạch sản xuất lúa HT 2017, Cục Trồng trọt đã nêu rõ việc sản xuất lúa nếp cần phải theo dõi thị trường tiêu thụ để khuyến cáo nông dân gieo sạ các giống lúa phù hợp. Đặc biệt duy trì đúng quy hoạch diện tích gieo sạ các giống lúa nếp, không để nông dân tăng diện tích tự phát, dễ xảy ra rủi ro về tiêu thụ.

Đến ngày 4/4, Cục Trồng trọt tiếp tục có Công văn số 385/TT-CLT, về chăm sóc lúa xuân hè, hè thu sớm và tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất lúa HT 2017 tại các tỉnh Nam Bộ, trong đó lưu ý các địa phương về gieo trồng lúa nếp vì chất lượng không cao và đề phòng thị trường không thuận lợi. Tuy nhiên, diện tích lúa nếp vụ HT 2017 vẫn tăng so với vụ hè thu 2016 (tăng 20.339 ha và đạt 178.094 ha).

Do tăng mạnh diện tích trong cả vụ ĐX và HT, lúa nếp đã chiếm tỷ lệ tới 25,2% trong cơ cấu giống lúa các tỉnh ĐBSCL. Sản lượng lúa nếp năm nay đã tăng mạnh, đạt tới 2.558.634 tấn, tăng 665.732 tấn so năm 2016. Trong khi đó, xuất khẩu (XK) gạo nếp lại đang gặp khó khăn, nhất là khi Trung Quốc thay đổi chính sách thuế NK lương thực.

Thông tin từ các doanh nghiệp (DN) XK gạo sang Trung Quốc cho hay, trước đây, để mua gạo nếp của Việt Nam, thương nhân Trung Quốc thường sử dụng quota gạo hạt ngắn (20 USD/tấn) cộng 1% thuế lương thực. Nhưng từ 1/8/2017, Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu (NK) đối với gạo nếp bằng cách bắt buộc thương nhân phải mua quota NK gạo hạt dài (110 USD/tấn) cộng 1% thuế lương thực, hoặc đóng 65% thuế NK.

Nếu đóng 65% thuế NK, chi phí sẽ rất cao, nên thương nhân Trung Quốc đã chọn cách mua quota NK gạo hạt dài. So với quota NK gạo hạt ngắn trước đây, rõ ràng quota NK gạo hạt dài cũng cao hơn nhiều. Do đó, thương nhân Trung Quốc buộc phải giảm mạnh giá mua gạo nếp của Việt Nam xuống. Hiện tại, giá gạo nếp Việt Nam XK sang Trung Quốc chỉ còn 425-435 USD/tấn, giảm 50-60 USD/tấn so với trước đó.

Cũng theo thông tin từ các thương nhân XK gạo, sở dĩ Trung Quốc tăng mạnh thuế NK đối với gạo nếp là do trong nửa đầu năm nay, lượng gạo nếp Việt Nam XK sang Trung Quốc quá nhiều, trong khi nhu cầu NK của nước này chỉ khoảng 1,5 triệu tấn/năm.

Nếu như trong vụ ĐX 2016-2017, giá lúa nếp vẫn còn cao, từ 5.000-5.800 đ/kg, thì giá lúa nếp vụ hè thu chỉ còn 4.500-5.100 đ/kg. So với vụ HT 2016, giá lúa nếp hè thu 2017 cũng thấp hơn tới 1.100 đ/kg. Giá lúa nếp đang có nguy cơ giảm tiếp, có nơi chỉ còn 4.200-4.300 đ/kg, thấp hơn cả giá lúa IR50404 (4.600-4.700 đ/kg). Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng tồn đọng hàng trăm ngàn tấn lúa nếp vì DN chưa thu mua.

Trước tình hình trên, Cục Trồng trọt đã đề xuất các giải pháp như: Thu mua tạm trữ khoảng 200-300 ngàn tấn lúa nếp; tiếp tục chỉ đạo việc khoanh vùng nguyên liệu nếp và giới hạn diện tích sản xuất tại các tỉnh có diện tích nhiều, tập trung như An Giang, Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp trong vụ đông xuân 2017-2018; công bố sản lượng nếp tiêu thụ hàng năm trong nước và XK vào đầu 2018 và dự kiến sản lượng cho từng tỉnh để chủ động phân vùng, bố trí mùa vụ sản xuất nếp phù hợp; xây dựng vùng nguyên liệu và quản lý vùng sản xuất nếp để dự báo sản lượng và thời gian thu hoạch, hạn chế tình trạng thiếu hoặc thừa trong thời gian tới.

Theo ông Lê Thanh Tùng, bà con không nên mở rộng diện tích nếp ở những vùng trước đây chưa trồng nếp, do vừa làm tăng sản lượng gây dư thừa, vừa không đảm bảo về chất lượng (nông dân không có kinh nghiệm mua giống lúa nếp chất lượng tốt, dễ xảy ra khả năng lẫn tạp giữa lúa nếp với các giống lúa khác gieo trồng trước đó). Các DN XK lúa nếp cũng cần gắn bó chặt chẽ hơn với vùng nguyên liệu.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top