Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 9 năm 2017 | 5:21

Dự án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã: “Làn gió mới” tới xã nghèo

Dự án 600 trí thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội - văn hoá của các địa phương sau 5 năm thực hiện. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, vẫn còn 148 đội viên tại 26 huyện của 9 tỉnh chưa bố trí được do thiếu biên chế.

Ngày 28/8, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ tuyên dương đội viên tiêu biểu Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú tại Hà Nội.

“Làn gió mới” 

Tại khu vực Đông Bắc Bộ , Dự án 600 trí thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo thực hiện ở 15 huyện của 5 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang) với 160 đội viên. Theo báo cáo, hàng năm, hầu hết các đội viên Dự án tại các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau 5 năm, 150 đội viên Dự án là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, 7 đội viên đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Tại 4 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, hầu hết các đội viên đã được bố trí công tác; riêng Hà Giang, số lượng đội viên dự án được bố trí công tác còn thấp.

Đại diện các tỉnh triển khai dự án đều cho rằng, với sức trẻ, tâm huyết và sự năng động, sáng tạo, các đội viên đã đem đến “luồng gió mới” góp phần làm thay đổi tác phong, lề lối làm việc ở cơ sở; tạo sự thi đua, phấn đấu trong đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền đã có sự thay đổi tư duy, quan tâm đến thu hút lực lượng trí thức trẻ cống hiến, góp sức phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lào Cai có 32 đội viên tham gia Dự án tại 3 huyện nghèo. Trong 5 năm, các đội viên đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền trong việc khai thác thế mạnh của địa phương, tổ chức, triển khai thực hiện phát triển sản xuất, chủ động nghiên cứu, vận dụng kiến thức chuyên môn, kỹ thuật vào việc hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Điển hình là Đề án trồng cây dược liệu của đội viên Phạm Văn Điều, Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối (Bắc Hà) giúp người dân tăng doanh thu gấp 5 lần so với cách làm cũ; đội viên Ninh Thị Kim Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Xen (Mường Khương) với mô hình áp dụng kỹ thuật thâm canh sản xuất lúa đặc sản Séng Cù theo phương thức cánh đồng một giống, năng suất đạt 65 tạ/ha, giá trị kinh tế đạt 97 triệu đồng/ha, làm thay đổi thói quen canh tác lạc hậu; mô hình liên kết sản xuất ớt Mường Khương đạt 128 triệu đồng/ha, cao gấp 2 - 2,5 lần so với trồng ngô, lúa, trở thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu tại Lào Cai…

Phó chủ tịch UBND xã Na Hối Phạm Văn Điều (ngoài cùng bên trái) trao đổi với người dân kỹ thuật trồng cây atisô. Ảnh: Báo Lào Cai.

Quảng Ngãi cũng đã tuyển chọn được 53/104 hồ sơ đăng ký để tăng cường về làm phó chủ tịch 53 xã nghèo tại 6 huyện miền núi của tỉnh.

Sau 5 năm, các đội viên đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới như: Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồ án quy hoạch; khai hoang, phục hóa nhiều cánh đồng; vận động nhân dân đóng góp công sức, tài sản để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi trên địa bàn, góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ…

Kết quả, có 51/53 đội viên được kết nạp Đảng, 36 đội viên được quy hoạch, 13 đội viên trúng cử vào các chức danh huyện ủy viên, ủy viên ban thường vụ đảng ủy xã, ủy viên ban chấp hành đảng ủy xã và đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016-2021. Có 13 đội viên đã được bố trí công tác, trong đó có 8 đội viên được bố trí công chức cấp huyện, 2 phó chủ tịch UBND xã, 1 chủ tịch Hội Nông dân và 2 công chức xã. Hiện, còn 39 đội viên chưa được bố trí công tác.

Ông  Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã, đánh giá, Quảng Ngãi là cái nôi đào tạo tri thức trẻ. Đến thời điểm này, Dự án tại Quảng Ngãi được xem đã thành công. Đây là tỉnh có đội viên giữ chức vụ cao nhất (chức trưởng phòng ở cấp huyện) và là tỉnh duy nhất thẩm định lý lịch trước khi bố trí công tác cho các đội viên về các địa phương.

Những điển hình tiên tiến

Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai - Sơn La) Điêu Quỳnh Nga  là trường hợp “may mắn” trở thành công chức thuộc biên chế của xã khi dự án chưa kết thúc. Là Phó chủ tịch phụ trách khối nông-lâm-ngư nghiệp, Đại hội Đảng bộ cấp xã Chiềng Ơn năm 2015, chị không được cơ cấu bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã do thời điểm đó chị chưa là đảng viên chính thức. Sau Đại hội, do khuyết chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã, đồng thời xét thấy năng lực, trình độ chuyên môn, quá trình công tác của chị tại địa phương, lãnh đạo xã Chiềng Ơn đã kiến nghị các cấp, được Bộ Nội vụ đồng ý và tháng 12/2015, chị trở thành công chức của địa phương theo Nghị định 92 của Chính phủ (không còn là diện trong Dự án 600).

Giàng Seo Châu (sinh năm 1986) ở xã biên giới Mản Thẩn (Si Mai Cai - Lào Cai) là thạc sỹ đầu tiên của bản làng. Anh mới được bầu làm Phó bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn sau ba năm làm Phó chủ tịch xã theo dự án 600 tri thức trẻ.

Theo đánh giá của người dân và cán bộ nơi đây, anh Châu có vai trò rất lớn trong việc thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi nâng cao thu nhập cho người dân. Anh đã trực tiếp xây dựng và phát triển mô hình trồng cây tam thất tại địa phương, ban đầu chỉ có vài hộ với diện tích nhỏ, nay có hàng chục hộ dân tham gia trồng 4,4ha. Anh còn tổ chức, hướng dẫn đồng bào thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch về diện tích lúa, ngô, riềng, gừng... Năm 2016, tổng sản lượng lương thực của xã Mản Thẩn đạt gần 1.182 tấn; sản lượng lương thực bình quân  614 kg/người.

Bên cạnh đó, anh Châu còn tổ chức thực hiện trồng rau tăng vụ được 20ha; nâng tổng đàn gia súc lên 946 con, đàn lợn 2.830 con, gia cầm 19.700 con… Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 22 triệu đồng/năm. Mản Thẩn là xã đầu tiên của huyện Si Ma Cai được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.

Với những kết quả trên, anh Giàng Seo Châu được bình chọn là một trong 10 thanh niên đoạt giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016, vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng; đoạt Giải thưởng Thanh niên ASEAN 2017.

148 đội viên chưa vào biên chế

Ông Vũ Đăng Minh cho biết,  qua 5 năm thực hiện dự án, vẫn còn 148 đội viên tại 26 huyện của 9 tỉnh chưa được vào biên chế.

Theo chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương phải có trách nhiệm bố trí hết số đội viên trong dự án, còn tuyển dụng công chức theo quy định của pháp luật thì thẩm quyền của tỉnh cứ tuyển. Tuy nhiên, 9 tỉnh còn lúng túng trong bố trí, triển khai. Đặc biệt là Hà Giang và Thanh Hoá còn lúng túng, sự chỉ đạo của tỉnh tới huyện chưa đồng nhất, còn đùn đẩy.

Nếu hết biên chế, các địa phương có thể làm văn bản báo cáo Bộ Nội vụ để có báo cáo Thủ tướng bổ sung biên chế. Việc bổ sung thêm biên chế phải qua Bộ Nội vụ thẩm định căn cứ vào khối lượng công việc, vị trí việc làm để rà soát bố trí chứ không phải muốn là bổ sung. Hơn nữa, việc bổ sung biên chế cũng căn cứ vào nguyên tắc “ra 2 vào 1” theo Nghị quyết 39. Hoặc là chờ các biên chế về hưu, ưu tiên cho bố trí các đội viên. Như vậy tinh thần là không trái với Nghị quyết 39.

“Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính tính toán bố trí hơn 30,06 tỷ trả lương cho các đội viên đến hết tháng 12/2017. Trường hợp nào vào biên chế địa phương rồi thì hưởng theo suất của địa phương. Vì vậy, cả 148 đội viên đang chờ bổ sung biên chế vẫn đang làm việc trên cương vị Phó chủ tịch xã và vẫn đảm bảo hưởng lương bình thường. Hết năm 2017, sang 2018, những người chưa được bố trí thì mới không được trả lương”, ông Vũ Đăng Minh nói.

 

Từ giữa năm 2012, Bộ Nội vụ triển khai Dự án thí điểm đưa 600 tri thức trẻ, có trình độ đại học về làm Phó chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn ở 64 huyện nghèo trong cả nước (2012-2017).

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho cấp ủy, chính quyền cơ sở các huyện nghèo triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

Dự án được triển khai ở 600 trong tổng số 894 xã thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo . Theo đó, mỗi xã của huyện nghèo được bổ sung một người về làm việc với chức danh Phó chủ tịch UBND xã.

Vân Nhi

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top