Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 18 tháng 12 năm 2016 | 2:9

Đừng để doanh nghiệp tự bơi: Tiếng nói người trong cuộc

Quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững, tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vốn tín dụng,… là những kiến nghị của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đừng để doanh nghiệp tự bơi

Quy hoạch phải ổn định

Mô hình trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP của Tập đoàn TH.

Theo ông Đinh Cao Khuê, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, xây dựng quy hoạch và giữ ổn định quy hoạch là rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực rau quả. Trên thực tế, sản xuất rau quả ở nước ta đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Mặt khác, sản xuất không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng rất khó khăn; bố trí mùa vụ sản xuất không tập trung nên dễ xảy ra tình trạng thiếu hoặc thừa nguồn cung. Do đó, vấn đề quy hoạch vùng để sản xuất nguyên liệu với khối lượng lớn là vô cùng quan trọng.

Ông Khuê nêu một thực tế, trước đây, trong quá trình quy hoạch các trung tâm chế biến rau quả thì việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu chưa được rõ nét, thiếu sự ổn định, dẫn đến các trung tâm chế biến hoạt động không hiệu quả do không có đủ nguyên liệu để sản xuất. Việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến xuất khẩu ở một số địa phương chưa mang tính ổn định, quy hoạch chưa gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Việc duy trì và phát huy hiệu quả của quy hoạch ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp cũng phải đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý nhà vườn địa phương trong việc duy trì ổn định quy hoạch, tránh tình trạng doanh nghiệp đã bỏ ra nhiều tiền đầu tư xây dựng nhà máy, phát triển vùng nguyên liệu được một thời gian thì địa phương lại thay đổi quy hoạch”, ông Khuê nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng vùng nguyên liệu rau quả trong cả nước có thể đáp ứng được cho công nghiệp chế biến tập trung không nhiều. Chẳng hạn ở miền Bắc chỉ có vài vùng như dứa Đồng Giao, dứa Lào Cai với tổng diện tích khoảng 5.000ha, sản lượng 70.000 tấn, trong đó 50% phục vụ chế biến xuất khẩu. Điều này là vô cùng lãng phí vì nước ta còn nhiều vùng có thể quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến xuất khẩu. Từ thực tế đó, ông Khuê kiến nghị, ngành chức năng và các địa phương cần tập trung quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu rau quả gắn với các nhà máy chế biến. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu không bị giới hạn trong một vùng mà phải quy hoạch đồng bộ cả vùng rộng lớn. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp chế biến nông sản khi đầu tư xây dựng nhà máy, mua sắm máy móc, thiết bị hoặc phát triển giống cây trồng được vay vốn với lãi suất thấp, khoảng 5% và thời gian cho vay đầu tư tối thiểu 12 năm, đồng thời mở ra và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến nông sản cơ chế vay vốn tín chấp.

Đồng quan điểm này, đại diện Công ty TNHH Hưng Cúc (Thái Bình) cho rằng, Nhà nước , các cấp ngành nên có quy hoạch công khai cụ thể của từng cấp ngành; tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân để người dân hiểu vai trò của tích tụ ruộng đất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiện đại.

Đại diện Công ty TNHH MTV Hanel cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi thời gian hàng chục năm, bởi vậy doanh nghiệp cần được Nhà nước đảm bảo chính sách ổn định, lâu dài, không thể vài năm lại thay đổi. Doanh nghiệp cần môi trường đầu tư lành mạnh, rõ ràng.

Có cơ chế thúc đẩy tích tụ ruộng đất

Đại diện Công ty TNHH Cường Tân kiến nghị, Nhà nước phải tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, cải cách kịp thời và phù hợp, cải cách thủ tục hành chính theo hướng cơ chế mở cho doanh nghiệp, cho phép nhập khẩu công nghệ mới, tạo điều kiện về mặt bằng, hạ tầng, đặc biệt là tạo cơ chế hợp lý để doanh nghiệp chủ động thực hiện tích tụ ruộng đất, phát triển quy mô sản xuất.

Theo đại diện Công ty TNHH Hưng Cúc, vấn đề đất đai đang là nút thắt khó gỡ của quá trình phát triển sản xuất lớn. Vì vậy, cần phải xác định rõ đối tượng tham gia vào tích tụ ruộng đất như các nguồn lực tại chỗ là các hộ nông dân có khả năng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp sẽ liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân bằng cách hỗ trợ và thu mua lại sản phẩm. Phải tuyên truyền để người dân nhận thức được sự cần thiết phải tham gia tích tụ ruộng đất như một quyền lợi, trách nhiệm và các doanh nghiệp đầu tư, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, giá trị sản phẩm chứ không phải lấy đất để kinh doanh. Nhà nước cần có sự điều chỉnh về vấn đề pháp lý, quản lý hạn điền sao cho phù hợp với người có sở hữu ruộng đất hiện nay, giống như thủ tục giấy tờ chuyển đổi đất ở để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, những người đi thuê đất có đầy đủ pháp lý sử dụng quyền thuê đất, tránh rủi ro tranh chấp hợp đồng trong quá trình thuê đất.

Được biết, thời gian qua, Công ty TNHH Hưng Cúc đã thuê 13ha đất nông nghiệp tại xã Thanh Tân và 30ha tại xã Bình Định (Kiến Xương - Thái Bình) để tổ chức sản xuất lúa theo quy trình VietGAP. Đại diện công ty cho biết, nếu môi trường đầu tư vào nông nghiệp thuận lợi hơn, những vướng mắc về đất đai, vốn,… được tháo gỡ thì công ty có thể tích tụ diện tích đất lớn hơn để mở rộng sản xuất.

Mở rộng liên kết, hợp tác, tháo gỡ khó khăn về vốn

Đó là kiến nghị của Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam trong phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Theo đó,  Nhà nước cần phải quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện về mặt bằng, đất đai để xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung; có chính sách đồng bộ khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp như giao đất ổn định lâu dài 50 năm, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi, đường điện, hệ thống cấp thoát nước , xử lý môi trường; khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực chăn nuôi; có chính sách riêng hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bền vững về môi trường.

Về hình thức triển khai, nên phát triển mạnh mô hình liên kết hợp tác - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giữa doanh nghiệp và hộ nông dân nhằm tăng quy mô, nâng cao năng suất, kiểm soát được dịch bệnh và chất lượng sản phẩm. Nhằm hỗ trợ việc triển khai mô hình hợp tác với nông dân, nên  chăng chúng ta cần xem xét việc thành lập và thúc đẩy các hợp tác xã chuyên nghiệp và trích lập quỹ rủi ro trong chăn nuôi.

Theo DABACO, nhà nước nên thực hiện giải pháp xã hội hóa hoạt động nghiên cứu, chọn tạo và nhập khẩu giống vật nuôi phục vụ sản xuất; tạo điều kiện tối đa xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi như ngô, đỗ tương, gạo,… để hạn chế nhập khẩu. Cần có giải pháp hỗ trợ giống tốt, chuyển giao phương pháp thâm canh hiệu quả, giảm hoặc miễn tiền thuê đất, hỗ trợ vay vốn ngân hàng không lãi suất để triển khai sản xuất hiệu quả.

Trong khi đó, đại diện Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang (Cụm công nghiệp Diên Phú, Diên Khánh, Khánh Hòa), doanh nghiệp chuyên chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, kiến nghị, Chính phủ nên ban hành thêm các chính sách hỗ trợ vốn thông qua vay ưu đãi lãi suất, khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ, đồng thời cải thiện cơ chế thông thoáng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi của chính sách. Theo đại diện công ty này, lãi suất cho vay của các nước ở châu Âu và Mỹ thấp hơn ở Việt Nam rất nhiều, cụ thể tại Pháp là 3,9%/năm, Mỹ 3,3%/năm; ngay cả ở các nước châu Á, lãi suất cho vay cũng thấp hơn Việt Nam, cụ thể, Singapore là 5,3%/năm, Malaysia 4,6%/năm, Hàn Quốc 3,5%/năm, trong khi Việt Nam là 7-10%/năm. Nếu Chính phủ ưu đãi về lãi suất sẽ thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo quy mô hàng hóa lớn.

Ngoài ra, cần tăng cường việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ để thúc đẩy và bảo vệ hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ, giúp các doanh nghiệp và các tổ chức yên tâm nghiên cứu, phát triển đề tài và các sản phẩm mới trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp. Những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ mới phải được nhà nước bảo vệ. Tình trạng hàng giả, hàng nhái đáng báo động như hiện nay cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm mới. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ cần cải thiện thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ cũng như thông tin, tư vấn, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp về vấn đề này.

Có thể thấy, những vấn đề bức xúc của các doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn hiện nay chủ yếu tập trung vào vấn đề đất đai, vốn, quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu. Những vấn đề này không phải mới phát sinh mà nó đã là tồn tại rất lâu của ngành nông nghiệp. Nếu được giải quyết một cách dứt điểm, chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ còn thu hút thêm nhiều “ông lớn”.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top