Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 9 năm 2018 | 10:59

Đường lậu tung hoành "giết chết" đường nội

Lượng đường nhập lậu hằng năm lên đến 500.000 tấn (bằng 30% sản lượng đường trong nước sản xuất), đường lậu "chiếm lĩnh" thị trường vì giá rẻ.

Ông Phạm Quang Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nói: Riêng hai khoản thuế là thuế nhập khẩu và thuế VAT không phải chịu là đường lậu đã rẻ hơn đường nội địa 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, Chính phủ cho thực hiện việc tạm nhập tái xuất đường nhưng kiểm soát không tốt dẫn tới đường tạm nhập mang ra tiêu thụ nội địa gây khó khăn cho tiêu thụ của đường trong nước.

Theo phân tích của ông Vinh, để cạnh tranh với đường lậu, các doanh nghiệp (DN) bắt buộc phải hạ giá đường nội địa xuống, mỗi kg giảm 1.000 đồng, cũng đồng nghĩa với việc phải giảm giá mua mía của nông dân. Mỗi kg mía giảm 100 đồng, với sản lượng mía ép cả nước hơn 15 triệu tấn, thiệt hại tương đương 1.500 tỷ đồng, theo ông Vinh, mía thiệt hại này rất lớn nhưng chưa ai tính đến.

“Đường nhập lậu giá rất rẻ do không chịu thuế, trong khi doanh nghiệp trong nước phải chịu nghĩa vụ tài chính với nhà nước và phải mua mía làm sao để đảm bảo đời sống người nông dân. Doanh nghiệp có thể giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng cây mía, bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho nông dân..., nhưng doanh nghiệp không thể ngăn đường lậu được” - ông Vinh nói.

VSSA cho biết, kết thúc niên vụ mía 2017 - 2018, cả nước sản xuất được hơn 1,4 triệu tấn đường, lượng tồn kho tại các nhà máy gần 700 ngàn tấn, cao kỷ lục từ trước đến nay. Các doanh nghiệp mía đường tuy đã có nhiều giải pháp tích cực để duy trì sản xuất kinh doanh như giữ giá mía và bảo hiểm chữ đường cho nông dân trồng mía như hợp đồng đã ký kết, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch bán hàng và giá bán phù hợp, nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm và giá bán vẫn rất thấp.

Giá đường bán tại nhà máy gần sát giá đường nhập lậu, một số nhà máy bán bằng và dưới giá thành sản xuất (11.000 - 11.500 đồng/kg đường kính trắng RS, giảm gần 30% so cùng kỳ), một số nhà máy đang có nguy cơ thua lỗ và nợ tiền mua mía nguyên liệu của nông dân hàng trăm tỷ đồng.

Theo VSSA, nguyên nhân của tình trạng trên là do đường lậu từ Thái Lan hoạt động công khai, thách thức dư luận và cơ quan chức năng; đường lỏng sản xuất từ tinh bột ngô (HFCS) đang nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn và ngày càng có chiều hướng gia tăng, đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất đường nội địa. Tổng thiệt hại của ngành đường nội địa trong 3 năm 2015 - 2017 ước tính gần 527 tỷ đồng. Nếu tình hình này kéo dài thì thiệt hại của ngành mía đường trong nước sẽ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến sự tồn tại của một số nhà máy...

Với lượng đường tồn kho kỷ lục (hơn 30.000 tấn đường) trên địa bàn, vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang đã gửi công văn “cầu cứu” Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, đề nghị Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với đường, đặc biệt tại các địa phương có biên giới với các nước láng giềng.

11.jpg
Nạn nhập đường lậu diễn ra công khai, khiến doanh nghiệp mía đường trong nước lao đao. (Ảnh: IT)

Mỹ soán ngôi thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam

Sau một thời gian phải nhường lại vị trí số 1 cho Trung Quốc, Mỹ vừa trở lại là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam.

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu(XK) cá tra sang Mỹ đạt giá trị 259,4 triệu USD (tăng 18,3% so cùng kỳ 2017). Với giá trị như trên, Mỹ là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam trong 7 tháng đầu năm và chỉ cao hơn 1 chút so với thị trường đứng 2 là Trung Quốc (258,3 triệu USD). Đứng thứ 3 là EU với 134,1 triệu USD.

Điều đáng chú ý là giá trị XK cá tra sang Mỹ chỉ nhỉnh hơn sang Trung Quốc hơn 1 triệu USD, nhưng sản lượng XK sang Mỹ lại thấp hơn nhiều. Trong 7 tháng đầu năm nay, lượng cá tra XK sang Mỹ là 60,4 ngàn tấn, còn Trung Quốc là 125,2 ngàn tấn.

Điều này cho thấy giá cá tra XK sang Mỹ cao hơn nhiều so với sang Trung Quốc. Chính vì vậy, dù luôn gặp phải nhiều khó khăn ở thị trường Mỹ, nhưng ngành cá tra Việt Nam vẫn quyết tâm giữ bằng được thị trường quan trọng này.

chế-biến-cá-tra-xuất-khẩu-tại-nhà-máy-của-công-ty-tnhh-công-nghiệp-thủy-sản-miền-nam-ảnh-vũ-sinh-ttxvn.jpg
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của công ty TNHH công nghiệp thủy sản miền Nam. (Ảnh: Vũ Sinh)

 

Xuất khẩu chè vẫn trong xu hướng giảm

Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2018 xuất khẩu chè đạt 85,8 nghìn tấn, trị giá 141,2 triệu USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 8,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn nguồn tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu chè 15 ngày đầu tháng 9/2018 đạt 4,8 nghìn tấn, trị giá 8,4 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 17,9% về trị giá so với 15 ngày cuối tháng 8/2018, giảm 22,0% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2018 xuất khẩu chè đạt 85,8 nghìn tấn, trị giá 141,2 triệu USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 8,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu chè trong tháng 8/2018 đạt 12,8 nghìn tấn, trị giá 21,5 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 7,2% về trị giá so với tháng 7/2018, giảm 7,1% về lượng và giảm 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 8 tháng năm 2018, xuất khẩu chè đạt 81 nghìn tấn, trị giá 132,9 triệu USD, giảm 10,3% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.


Cục Xuất nhập khẩu nhận định, theo FAO, tiêu thụ chè tiếp tục tăng trong thập kỷ tới do nhu cầu cao ở các nước đang phát triển và mới nổi. Vì vậy, xuất khẩu mặt hàng chè còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, hiện tại trong ngành chè, phần lớn doanh nghiệp sản xuất đều có quy mô nhỏ, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu để đảm bảo sản xuất, các thiết bị công nghệ trong chế biến chè chưa được cải thiện theo hướng sản xuất hiện đại.

 

3.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: "Đánh" cả vào xuất khẩu cao su Việt Nam

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, ngày 13.9, Tổng thống Mỹ quyết định tiếp tục áp thuế với tổng giá trị 189 tỉ USD đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả các mặt hàng đồ gỗ và các bộ phận của ôtô. Mức thuế này sẽ gây nhiều khó khăn cho ngành cao su Việt Nam.

Tại Việt Nam, các cơ quan quản lý và Hiệp hội Cao su Việt Nam đã và đang khuyến cáo các nhóm tham gia khâu sản xuất hạn chế lượng cung, hạn chế mở rộng sản xuất, tuy nhiên các khuyến cáo này chỉ có tác dụng với khối doanh nghiệp, với loại hình cao su đại điền. Đối với cao su tiểu điền, tác dụng của các khuyến cáo này gặp nhiều hạn chế.

Trong khi đó, ngày 13.9, Tổng thống Mỹ quyết định tiếp tục áp thuế với tổng giá trị 189 tỉ USD đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả các mặt hàng đồ gỗ và các bộ phận của ôtô. Chính sách thuế mới này của chính quyền Tổng thống Trump sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 24.9.2018, với mức thuế tăng lên 25% vào thời điểm 1.1.2019 và sau đó đẩy lên cao nhất có thể lên tới 44% nếu Trung Quốc và Mỹ không có giải pháp tháo gỡ cuộc chiến này.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam, và với 70% cao su thiên nhiên đi vào ngành công nghiệp sản xuất lốp xe, xuất khẩu cao su Việt Nam sang Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng đưa ra nhận định: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài khiến ngành cao su Việt Nam bị tác động bởi danh sách các mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ chịu thuế bổ sung 10% có cả lốp xe ôtô. Đây là ngành hàng sản xuất khá mạnh của Trung Quốc và sử dụng nhiều cao su.

4.jpg
Thu hoạch mủ cao su. (Ảnh: IT)

 Giá tiêu đen tăng "nóng" 

Giá tiêu đen xô tại các các vùng sản xuất chính trong nước tăng thêm 1.000 đồng/kg, tức là tăng 2.000 đồng/kg so với mức giá cuối tuần trước. Cụ thể, giá tiêu đen xô ở Bà Rịa – Vũng Tàu 53.000 đồng/kg, tại Bình Phước và Đắc Lắc 52.000 đồng/kg trong khi tại Gia Lai có mức thấp nhất ở 51.000 đồng/kg. Theo các thương nhân địa phương, giá còn muốn nhích lên thêm nữa do nhu cầu mua của các nhà xuất khẩu.

Sản lượng tiêu năm nay của Indonesia, Malaysia không như kỳ vọng do nông dân của hai nhà xuất hạt tiêu, thành viên chính thức của IPC, bỏ bê vườn cây, không chăm sóc vì giá thấp. Nông dân cũng không có thói quen trữ hàng nên đã bán ngay sau thu hoạch trong khi các công ty kinh doanh hạt tiêu vẫn "chưa lại sức" sau dự trữ vụ mùa trước đó.

Có lẽ do điều này nên các thương nhân Trung Quốc kinh doanh hạt tiêu bắt đầu quay trở lại thị trường Việt Nam thúc đẩy giá tiêu đen xô tăng "nóng". Tuy nhiên, giá tiêu trắng giao tại các xưởng chế biến ở vùng Đông Nam bộ vẫn ổn định ở mức 76.000 – 77.000 đồng/kg nhưng khách mua vẫn chưa thấy sôi động.

5.jpg
Sản phẩm của một hộ nông dân chuẩn bị đưa vào nhà máy để chế biến xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ)./.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top