Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2019 | 14:16

EVIPA: Cơ hội phát triển thương mại, đầu tư Việt Nam và EU

Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng...

tr6.jpg
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty XNK thủy sản Cửu Long, TP.Long Xuyên (An Giang). Xuất khẩu cá tra kỳ vọng nhiều vào cơ hội từ EVFTA, EVIPA . Ảnh. Vũ Sinh.

 

Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

IPA tác động như nào?

IPA được ký kết với nhiều điều khoản, nội dung quan trọng, đồng thời thay thế 21 hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam đã ký với các thành viên EU trước đây.

Theo ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điểm khác biệt nằm ở việc đảm bảo an toàn nguồn vốn của các nhà đầu tư khi di chuyển nguồn vốn và tài sản.

IPA cũng đưa ra tiêu chí rõ ràng cho hành vi của Nhà nước mà không thể áp dụng được phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài... Đặc biệt, Hiệp định bảo hộ đầu tư lần này cũng có cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế thường trực, thay vì cơ chế trọng tài theo vụ việc trong các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các thành viên EU trước đây.

Theo cơ chế này, tranh chấp đầu tư quy định trong IPA được giải quyết tại cơ quan xét xử thường trực, gồm hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, với các thành viên do Việt Nam và EU thỏa thuận lựa chọn.

IPA cũng quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn và bộ quy tắc ứng xử của các thành viên của cơ quan xét xử. Khi phát sinh tranh chấp đầu tư cụ thể, Chủ tịch của từng cấp xét xử sẽ chỉ định các thành viên thụ lý vụ tranh chấp đó.

Ông Thắng khẳng định, thông qua IPA, sẽ có sự thay đổi lớn trong dòng vốn nhà đầu tư EU vào Việt Nam. Nhà đầu tư từ khu vực này sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang là trọng điểm trong đầu tư của EU.

Mặt khác, ông Thắng cũng khẳng định, Việt Nam sẽ nhanh chóng hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến đầu tư, bao gồm đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã sẵn sàng đối phó với các vụ kiện cũng như các vụ việc tranh chấp thương mại khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội nêu trên, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức trong quá trình thực thi hiệp định, như: thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

FDI chất lượng cao sẽ gia tăng

Riêng với IPA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững, trên cơ sở những điểm tiến bộ của IPA so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.

IPA cũng thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.

“Trong trung và dài hạn, dòng vốn FDI vào Việt Nam là nhân tố khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhất, tiếp đến là tác động của việc cắt giảm thuế và giảm các hàng rào phi thuế quan, và sự cải thiện năng suất”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

IPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà  đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính.

Tuy nhiên, việc chuẩn bị từ phía Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, khả năng hấp thụ công nghệ... đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy các cơ hội này.

IPA cũng giúp hỗ trợ sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước  thông qua tác động lan tỏa, do EU là khu vực có trình độ công nghệ phát triển cao, FDI gia tăng từ EU có thể đem theo thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, kết quả này phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và khả năng hấp thụ công nghệ của khu vực trong nước.

Dự kiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam, và thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN khác mà còn từ các nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Cơ hội tiếp cận thị trường EU

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ kỳ vọng: Việc ký kết  IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

Theo đó, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Kết quả đánh giá tác động cho thấy thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Thu ngân sách nhà nước có thể được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, EVFTA và EVIPA là hai hiệp định thế hệ mới, yêu cầu cao và có tính toàn diện trong cả lĩnh vực truyền thống, phi truyền thống, có những vấn đề rất mới như mua sắm chính phủ, hay vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền tác giả.

Để khai thác tốt cơ hội từ EVFTA và EVIPA, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung các vấn đề chủ động nắm bắt toàn diện nội dung hiệp định. Ông cho rằng, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với nhiều tranh chấp thương mại, đầu tư. Vì vậy, cơ chế xử lý tranh chấp cũng là những nội dung Chính phủ quan tâm, đã lên kế hoạch cùng với doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Ngoài ra, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh ý nghĩa hiệp định này giúp Việt Nam có động lực tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Quan trọng hơn là sự hợp tác công nghệ hai bên, thuận lợi cho Việt Nam trong phát triển những ngành quan trọng, giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đa phương hóa, đa dạng hóa, hướng tới xây dựng nền kinh tế tự chủ trong bối cảnh trỗi dậy nền kinh tế bảo hộ.

Theo bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy thương mại EU, cơ hội hai hiệp định mang lại nhiều điều, nhưng đây không phải con đường dễ dàng. Các quy định cần điều chỉnh để giảm tệ quan liêu, hành chính tập trung, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định mang lại.

Bà Cecilia Malmstrom cho biết, với các quy định trong EVFTA và EVIPA, các vấn đề an ninh, môi trường, lao động... cũng được hai bên nghiên cứu để hợp tác. Các hiệp định này sẽ mang lại sự hợp tác của cả người dân hai bên chứ không dừng ở cấp chính phủ.

Về EVIPA, theo Cao ủy thương mại EU, sẽ hình thành cơ chế thành lập tòa án giải quyết các mâu thuẫn về đầu tư.

Chứng kiến lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự kiện này là sự kiện đặc biệt mang ý nghĩa lịch sử trọng đại với Việt Nam và EU.

Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam vui mừng hợp tác với EU, nền kinh tế hùng mạnh của thế giới. Trong bối cảnh xu thế bảo hộ thương mại toàn cầu đang nổi lên, hai nền kinh tế Việt Nam - EU mang tính bổ sung cho nhau, sẽ cùng hợp tác để phát triển. Sau lễ ký kết này, Việt Nam sẽ ban hành Chương trình hành động quốc gia, với nội dung chi tiết, cụ thể, sâu rộng, để triển khai nghiêm túc hiệp định.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top