Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 7 năm 2021 | 14:36

Gắn với thế mạnh địa phương, Lâm Bình nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Những năm gần đây, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.

t16.jpg
Người dân xã Thổ Bình hái chè Shan Khau Mút, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

 

Phát huy thế mạnh địa phương

Nhằm phát huy những điều kiện thuận lợi sẵn có của địa phương, Lâm Bình đã đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản. Đặc biệt, khi tỉnh Tuyên Quang đề ra Nghị quyết số 16 ngày 22/5/2016 về phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện đã tập trung mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng - vật nuôi, đảm bảo ổn định đời sống và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.

Không dừng lại ở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành, thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển một số cây trồng, vật nuôi đặc sản có lợi thế của địa phương, đồng thời triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP. Kết quả, trong 2 năm 2019 - 2020, Lâm Bình đã xây dựng được 10 sản phẩm OCOP là đặc sản mà địa phương có thế mạnh.

Ngoài ra, huyện cũng hình thành một số vùng, chuỗi cây trồng - vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như: duy trì đàn trâu trên 7.600 con, đàn bò gần 2.000 con, đàn dê trên 4.600 con, hơn 480ha cây lạc, phát triển trên 10ha rau bò khai và trồng thử nghiệm hơn 7ha cây dược liệu. Với lợi thế tại hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, huyện đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản với trên 200 lồng nuôi cá đặc sản. Tổng sản lượng thủy sản toàn huyện bình quân đạt trên 400 tấn/năm.

 

t16b.jpg

Sản phẩm dê núi Thổ Bình đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đây là điều kiện tốt để giới thiệu sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế.

 

Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, Lâm Bình đã hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì, đặc biệt là với sản phẩm đã phân hạng OCOP, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện, sản phẩm dê núi Thổ Bình và trứng vịt hồ Lâm Bình đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Đây là điều kiện để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ông Ma Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Thổ Bình, cho biết: Thời gian qua, xã đã lồng ghép một số dự án, chương trình được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để hỗ trợ cho các tổ hợp tác, đặc biệt là HTX Đồng Tiến. Đến nay, sản phẩm chè Shan Khau Mút của HTX đã đạt 3 sao.

Nếu như vụ xuân 2015, bà con xã Thổ Bình chỉ gieo trồng  trên 150 ha lạc thì đến vụ xuân 2021 tăng lên 239 ha,  sản xuất theo hướng tập trung, năng suất 33,5 tạ/ha, sản lượng 800 tấn, tổng thu nhập  hơn 8 tỷ đồng. Sản phẩm lạc nhân của xã Thổ Bình đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Để duy trì và nhân rộng diện tích đất trồng lạc, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm, Thổ Bình tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì sản phẩm, phấn đấu nâng lên hạng 4 sao.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Thời gian tới, Lâm Bình xác định lựa chọn 1 sản phẩm để hỗ trợ phát triển đạt tiêu chuẩn và hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng đánh giá phân hạng 5 sao (Homestay 99 ngọn núi) và nâng cấp 5 sản phẩm từ hạng 3 sao nâng lên hạng 4 sao.

 

t16a.jpg

Tổ hợp tác Homestay 99 ngọn núi tại xã Thượng Lâm đạt tiêu chuẩn 4 sao, là cơ sở thu hút khách du lịch đến tham quan du lịch.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lâm, cho biết, địa phương đã được công nhận Homestay đạt OCOP 4 sao. Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ đủ điều kiện, tạo điều kiện cho các hộ khác đến tham quan, học tập, cùng với đó tổ chức cho các hộ đi tham quan một số mô hình ở các tỉnh bạn để có thêm kinh nghiệm tổ chức, từ đó thu hút được nhiều du khách đến địa phương hơn, góp phần tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo.

Theo mục tiêu của huyện Lâm Bình, đến năm 2025, sẽ có 24 sản phẩm chủ lực là đặc sản địa phương tham gia đánh giá phân hạng OCOP, trong đó khuyến khích ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm ngành thực phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ và trang trí để gắn với các hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Thời gian tới, Lâm Bình sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn về chính sách hỗ trợ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đã xếp hạng, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, giúp các doanh nghiệp, HTX và người dân có thu nhập ổn định; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

 

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

 


 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top