Đam mê văn hoá tinh hoa của thổ cẩm dân tộc, anh Võ Văn Tài (Sapa - Lào Cai) đã tìm cách thổi vào thổ cẩm truyền thống hơi thở đương đại với khát vọng giữ gìn và phát triển văn hoá bản địa ngày một rực rỡ.
“Phải lòng” thổ cẩm
Nhiều năm trước, gia đình anh Tài có một cửa hàng bán đồ lưu niệm nhỏ ở trung tâm thị trấn (nay là thị xã) Sapa, chủ yếu là những sản phẩm khăn, áo thổ cẩm của bà con đồng bào dân tộc Mông, Dao ở địa phương sản xuất.
Anh nhớ lại: “Thời đó, du lịch chưa phát triển, du khách đến Sapa không nhiều, cứ vào thứ bảy, chủ nhật, thị trấn như một trung tâm văn hoá của đồng bào dân tộc vì những ngày cuối tuần, bà con ở khắp các bản làng đổ về, đi chơi, đi mua bán, đi hò hẹn… xúng xính váy áo. Cửa hàng của gia đình luôn tấp nập, phần vì là nơi tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhưng cũng là nơi để các chàng trai, cô gái đến sắm váy áo cho mình. Khách du lịch cũng vào tham quan, chiêm ngưỡng và mua về vật lưu niệm đặc sắc mà chỉ Sapa mới có. Cửa hàng nhỏ, sản phẩm cũng không được đa dạng bởi đặc trưng của thổ cẩm là làm hoàn toàn thủ công trên những chất liệu tự nhiên. Sau mỗi dịp Tết, bà con lên núi trồng cây lanh, đến hè thu hoạch về tước lấy sợi rồi tranh thủ lúc nông nhàn dệt thành vải. Để may trang phục cho mình, cho người thân họ lại nhuộm vải bằng cây chàm, rồi may vá, thêu hoa văn… mất hàng năm trời mới xong được bộ trang phục”.
Những năm gần đây, khi du lịch trở thành ngành đột phá trong phát triển kinh tế ở Lào Cai, nhiều ngành nghề phát triển theo nhưng nghề làm thổ cẩm lại bị mai một dần, nhiều người bỏ sang làm dịch vụ. Sản phẩm mua được của bà con ngày một ít đi. Lúc đó, gia đình anh cũng đã có hướng phát triển sang nhà hàng, khách sạn. Nhưng, vào mỗi đêm thứ bảy, nhìn những chàng trai, cô gái Mông diện váy “made in China” mỗi người một kiểu, loè loẹt, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, anh Tài cứ tần ngần nhớ những những bộ váy truyền thống, hoa văn quen thuộc khiến gương mặt các cô gái Mông trắng hồng, nổi bật trên nền chàm xanh. Anh biết, mỗi hoạ tiết thêu trên trang phục của họ là hồn văn hoá của đồng bào, nó mang ý nghĩa rất sâu xa.
“Hoạ tiết của người Mông chủ đạo có hình giống như bông hoa, và cũng tình cờ tôi biết được đó chính là chữ của người Mông. Chủ yếu là hình xoắn ốc, sau có biến thể thành nhiều hình, những hình như số 3, nhiều hoạ tiết hợp lại nhìn như cánh hoa nhưng đó là dấu chân hổ, tượng trưng cho sức mạnh cộng đồng của họ. Người Mông chủ yếu sống trên núi cao, khi đến định cư tại một vùng nào có hổ, có cọp thì nó chính là dấu hiệu báo động cho mọi người cùng biết, nên nó được coi là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng”, anh chia sẻ.
Người làm thổ cẩm đã ít, sản phẩm làm ra lại khó bán. Thấy bà con chào bán trên đường, ở chợ, khách du lịch rất muốn mua ủng hộ nhưng họ không biết mua về sử dụng vào việc gì, anh Tài cũng rất trăn trở. Cũng từ đó mà Công ty TNHH thổ cẩm Lan Rừng ra đời. Thay vì thụ động với nguồn hàng, mẫu mã sản phẩm, anh tập trung phát triển dòng sản phẩm nội thất: đệm, tranh treo tường, gối tựa, ghế cà phê, bọc sofa… với những hoạ tiết được cải biên sao cho các hoạ tiết trên vải gần gũi, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được nét hoa văn truyền thống. Không chỉ bán tại chỗ, anh Tài cũng quảng bá trên internet…, nhờ đó khách hàng tìm đến cũng nhiều hơn. Đối tác của công ty anh cũng đa dạng, từ khách nước ngoài đến những khách sạn, tập đoàn lớn.
Đến nay, Công ty của gia đình anh Tài không chỉ là đơn vị cung ứng sản phẩm cho nhiều khách sạn, tập đoàn lớn tại Sapa mà còn là đơn vị tư vấn sâu về giá trị văn hoá đặc trưng của thổ cẩm từng dân tộc bản địa, để cho ra đời những thiết kế hoàn hảo trên nền chất liệu thổ cẩm truyền thống.
Gieo đam mê vào làng bản
Càng yêu thổ cẩm, anh Tài càng khám phá ra nhiều điều thú vị ví như trang phục của người Mông ở Sapa chủ yếu là màu chàm, hoa văn cũng thêu bằng chỉ màu trầm tông sáng hơn, nhưng người Mông ở Lai Châu lại dùng nhiều chất liệu khác nhau như: vải, len sợi, chỉ… để thêu, may nên trang phục rất sặc sỡ. Đặc sắc nhất của thổ cầm người Mông ở Sapa là chỉ sử dụng vải dệt từ sợi lanh, nhuộm bằng cây chàm, tự thêu, may trang phục…, mọi công đoạn được làm thủ công hoàn toàn. Trang phục càng mặc càng mềm ra, nên dù có tới vùng khác như Lai Châu, Sơn La thì qua trang phục của họ vẫn có những khác biệt.
Anh Tài tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.
Gắn bó với bản làng, anh Tài biết tường tận nơi nào có nghệ nhân giỏi, kết hợp với nguồn kinh phí có được từ Dự án thúc đẩy bình đẳng giới của Úc tài trợ: “Tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ dân tộc vùng cao”, anh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo tay nghề cho người Mông, Dao, Xa Phó… với mong muốn bản sắc văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc được gìn giữ một cách bền vững nhất. Sản phẩm của đồng bào làm ra được Công ty Lan Rừng thu mua toàn bộ, không những tạo thu nhập để bà con sống bằng nghề mà còn làm ra sản phẩm phục vụ cho chính bản thân mình. Bài toán thị trường cũng được anh hoá giải ngay trên các buổi học: “Người Dao làm ra 1 tấm thổ cẩm trên tà áo, bán với giá 6 - 10 triệu đồng, trong khi, khách bỏ tiền mua một tấm vải về không biết để làm gì, rất khó bán. Vì vậy, chúng tôi đã hướng dẫn bà con cũng từ hoạ tiết đấy nhưng bổ nhỏ ra, đẩy hoa văn to hơn thêu trên tấm vải có thể làm gối tựa, làm tranh trang trí… giá chỉ 50.000 - 100.000 đồng, dễ tiêu thụ hơn. Nếu không đẩy mạnh tính ứng dụng cao trên mỗi sản phẩm, mà bà con chỉ làm ra mặc thì nghề chắc chắn sẽ mai một. Chưa kể, một số người chuyển sang mặc đồ người Kinh tiện lợi, nhẹ nhàng nên không muốn mặc trang phục truyền thống nữa, bởi một người phụ nữ may được bộ trang phục mất cả năm trời nhưng mua một bộ của Trung Quốc giá chỉ 50.000 đồng, thì quá khó để có thể giữ được những giá trị văn hoá trong mỗi bản sắc của đồng bào các dân tộc bản địa”, anh Tài cho biết.
Bén duyên với thổ cẩm, Công ty của anh đã mạnh dạn đầu tư để phát triển nguồn nguyên liệu. Năm 2020, được hỗ trợ giống, phân bón, khung dệt…, 60 hộ dân tại xã Xử Pán đã trồng cây lanh. Với diện tích trồng 2.000m2, không mất công chăm sóc, lại tranh thủ lúc nông nhàn nhưng cho thu nhập trung bình khoảng 20 triệu đồng/năm/hộ. Bà con xã Nậm Sài thì tập trung trồng cây ý dĩ. Trước đây, chưa có ai phát triển kinh tế loại cây này bởi là cây mọc hoang, nhưng đối với anh Tài thì nó lại có tiềm năng phát triển những sản phẩm du lịch, Công ty Lan Rừng đã hỗ trợ cho 30 hộ dân trồng trên tổng diện tích 2ha. Với 1ha lanh dệt được khoảng 500 - 700m vải thô khổ 40. Bán với giá 80.000 đồng/m, người dân có thể thu về gần 60 triệu đồng/năm.
Công ty Lan Rừng cũng đã có Đề án phát triển vùng nguyên liệu với 300 hộ dân trồng cây lanh, ý dĩ, chàm tại các xã Xử Pán, Liên Minh, Nậm Sài, Bản Hồ của thị xã Sapa và cho ra mắt một khu bảo tàng, trưng bày nhiều sản phẩm thổ cẩm đặc sắc. Đặc biệt, du khách sẽ được tìm hiểu văn hoá và trải nghiệm cách làm thổ cẩm truyền thống của bà con đồng bào các dân tộc ở Sapa.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.