Giá cá lóc loại I được thương lái mua tại ao hiện chỉ còn 23.000 đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi phải chịu lỗ từ 7.000-8.000 đồng/kg cá thương phẩm.
Huyện Trà Cú là địa phương có diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất tỉnh Trà Vinh, với khoảng 80% diện tích nuôi cá lóc trong toàn tỉnh.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Cú cho biết, giá cá lóc sụt giảm mạnh là do nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng mở rộng diện tích nuôi cá lóc nên cung vượt cầu.
Năm 2016, huyện Trà Cú có 1.607 hộ thả nuôi với hơn 96 triệu con giống, trên tổng diện tích gần 230 ha.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2016 đến nay, giá cá lóc luôn ở mức thấp khiến các hộ nuôi bị thua lỗ nặng, nhiều hộ phải treo ao hoặc chuyển sang nuôi đối tượng khác; trong đó, khoảng 50ha đã được chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, từ đầu năm đến nay, với sản lượng thu hoạch khoảng 4.000 tấn cá lóc thương phẩm, các hộ nuôi trên địa bàn huyện đã thua lỗ hơn 20 tỷ đồng. Hiện, toàn huyện chỉ còn hơn 70ha nuôi cá lóc, giảm gần 70% diện tích so với năm 2016.
Ông Huỳnh Văn Thảo cho biết thêm, ngành nông nghiệp huyện Trà Cú đang vận động các hộ nuôi cá lóc chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc cá bông lau. Ngành sẽ đầu tư mô hình nuôi các đối tượng này để hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.
Phong trào nuôi cá lóc tự phát ở huyện Trà Cú đã xảy ra nhiều năm nay. Trước đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích nuôi cá lóc, bởi hạ tầng thủy lợi ở địa phương chưa được đầu tư đồng bộ nên về lâu dài sẽ tác động xấu đến môi trường và nguy cơ dịch bệnh.
Không chỉ vậy, việc nuôi cá lóc tự phát còn tiềm ẩn rủi ro về thị trường, do loại thủy sản này hiện chủ yếu tiêu thụ nội địa nên mở rộng diện tích sẽ dẫn đến cung vượt cầu, giá cả xuống thấp là điều khó tránh khỏi./.