Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 11 năm 2021 | 10:48

Giải bài toán việc làm cho lao động hồi hương ở Nghệ An: Bám sát yêu cầu thực tế, tăng cường kết nối cung cầu

Nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, chủ động kết nối cung - cầu lao động tại các địa phương là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thực hiện tốt việc đó, Nghệ An đã từng bước giải bài toán an sinh, việc làm cho lao động hồi hương.

ảnh-4-bài-2.jpg
Trung tâm DVVL Nghệ An phối hợp với UBND Huyện Kỳ Sơn tổ chức phiên GDVL để hỗ trợ việc làm cho người lao động hồi hương.

 

 Nhiều cơ hội

Thời điểm này, không chỉ người lao động chủ động tìm việc làm, mà tại nhiều địa phương như Yên Thành, Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, thị xã Thái Hòa…, một số nhà máy mới xây dựng hay mở rộng quy mô sản xuất, cũng có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động.

Qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, hiện có 127 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 37.500 vị trí việc làm mới, trong đó 97 doanh nghiệp nội tỉnh có nhu cầu tuyển hơn 22.160 lao động, mức lương  6-12 triệu đồng/tháng.

Các doanh nghiệp thông báo nhu cầu tuyển dụng đợt này thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, chiếm số lượng nhiều nhất là may mặc xuất khẩu, 10 đơn vị cần tuyển dụng  hơn 10.000 công nhân, như: Công ty may Minh Anh Tân Kỳ tuyển dụng 6.500 lao động, Công ty TNHH Mareep tuyển 3.000 lao động, Công ty cổ phần Tập đoàn An Hưng tuyển  2.000 lao động, Công ty Matrix Vinh tuyển  1.000 lao động….

Là công ty chuyên về xuất khẩu giày thể thao sang các nước châu Âu, Công ty TNHH Vietglory đóng tại xã Diễn Trường (Diễn Châu) có nhu cầu tuyển dụng hơn 6.000 lao động từ nay đến đầu năm sau, để đáp ứng yêu cầu sản xuất khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trong đó trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 tuyển dụng 2.000 lao động.

Ông Phạm Quang Sáng, Trợ lý Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Vietglory, cho rằng, di cư lao động do dịch Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp lựa chọn lao động có chất lượng, có kinh nghiệm. Tùy vị trí việc làm, người lao động tại công ty có mức thu nhập 5,5-10 triệu đồng/tháng, hàng năm được thi nâng tay nghề. Ngoài ra, công ty còn có chính sách hỗ trợ ăn trưa, xăng xe đi lại, nuôi con nhỏ và một phần chi phí thuê nhà ở cho công nhân ở xa. Khi người lao động gắn bó với công ty, thu nhập càng cao và ổn định khi có thêm nhiều khoản hỗ trợ tiền thâm niên, trợ cấp nghiệp vụ khoảng 2 triệu đồng. Đặc biệt, dịp này, công ty ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương và có kinh nghiệm, có tay nghề kỹ thuật về giày.

Trước nhu cầu lao động thời gian tới sẽ tăng cao, ông Lê Hải Dương, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, cho biết:  Để giải quyết việc làm cho người lao động hồi hương, Trung tâm cập nhật  nhu cầu tuyển dụng qua môi trường mạng như Cổng thông tin việc làm, các trang mạng xã hội như Facebook; triển khai hoạt động nhóm Zalo “Hỗ trợ việc làm – Covid-19”, kết nối với các huyện, xã trên địa bàn nhằm cung cấp kịp thời nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cho cán bộ đầu mối;  phối hợp với các địa phương tổ chức thông tin tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, truyền thanh địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng đã gửi thông tin lao động hồi hương đến các sàn giao dịch việc làm, sàn tuyển dụng để tăng cơ hội có việc làm cho người hồi hương, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

 

ảnh-3-bài-2.jpg
Thông qua sàn giao dịch việc làm online, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An đã tiếp nhận hồ sơ của người lao động.

 

Tăng cường kết nối cung-cầu lao động

Theo ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, khó khăn lớn nhất là vấn đề làm sao để cung - cầu lao động gặp nhau. Đây được xác định là giải pháp then chốt trong nhóm giải pháp tăng việc làm nội tỉnh, trong đó có nhiệm vụ giải quyết việc làm cho lao động hồi hương tránh dịch.

Thời điểm này, khi dịch dần được khống chế, các doanh nghiệp bước vào thời kỳ phục hồi, đẩy mạnh sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Mặc dù nhu cầu của doanh nghiệp đối với lực lượng lao động là rất lớn, 57 doanh nghiệp trong tỉnh cần tới 15.337 vị trí việc làm, nhưng dường như cung chưa gặp cầu.

Ông Lê Hải Dương cho biết, qua khảo sát, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã ghi nhận tới 2.000 vị trí việc làm tại Nhà máy may An Hưng đóng tại xã Công Thành (Yên Thành), hay 1.027 vị trí tại Công ty CP Nam Thuận đóng tại xã Diễn Mỹ (Diễn Châu), thế nhưng, con số đăng ký qua dịch vụ việc làm tại các trang điện tử còn rất ít. Thậm chí, khi chúng tôi thực hiện khảo sát, nhiều lao động đã đăng ký nhưng sau đó lại không tham gia phỏng vấn. Nguyên nhân phần nhiều họ vẫn còn e ngại các chính sách của doanh nghiệp và cho rằng dù chỗ làm có thể gần nhà nhưng vẫn phải thuê trọ vì không thể sáng đi tối về.

Ông Lê Hải Dương cho biết thêm: “Sở dĩ chính sách việc làm và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong tỉnh chưa đến được với người dân là vì công tác tuyên truyền của chúng ta chưa tốt. Nhiều lao động khá mơ hồ với chế độ tuyển dụng của công ty, nhà máy trong tỉnh nhưng lại rất thông thạo các chính sách của các đơn vị ở các tỉnh phía Nam hoặc ngoài Bắc. Với lao động ở các huyện miền Tây, việc phải di chuyển hàng trăm cây số xuống các huyện đồng bằng trong tỉnh làm việc mà chỉ có thu nhập  5 - 7 triệu đồng, trong khi vẫn phải mất chi phí thuê nhà, ăn uống thì họ chọn cách Nam tiến hoặc Bắc tiến để có  lương thưởng cao hơn.

Nhưng, còn có một thực tế, nhiều lao động ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương – nơi có các nhà máy, khu công nghiệp nhỏ, thế nhưng, họ vẫn chọn cách đi xa dù mưu sinh xa nhà vô cùng vất vả, dù ở ngay chính quê hương mình vẫn có những vị trí việc làm cho thu nhập tương tự. Về vấn đề này, bà Phan Thị An, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành, lý giải: “Khi tìm việc làm, người dân thường  đi theo phong trào, 1 người trong xóm đi thì nhiều người đi theo. Thế nên, để người lao động có được sự định hướng đúng, cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp cần có chính sách tiếp cận để kích cầu”.

Kết nối cung - cầu lao động có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động hồi hương khi nhiều người vẫn đang muốn quay lại chỗ làm cũ khi dịch bệnh được kiềm soát.  Trước vấn đề này, ông Đoàn Hồng Vũ nhận định: Để giải quyết việc làm cho người lao động hồi hương, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ cùng với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tổ chức phiên Giao dịch việc làm tại nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa. Chính quyền các cấp tiếp tục rà soát doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn cũng như nhu cầu tìm việc làm của người lao động để cùng với Trung tâm kết nối cung - cầu lao động, tạo điều kiện việc làm cho những lao động có mong muốn ở lại quê hương làm việc, ổn định cuộc sống.

 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top