Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 3 năm 2016 | 10:8

Giải pháp ứng phó với hạn, mặn: Sử dụng nước tiết kiệm, canh tác thông minh

Những đồng ruộng khô cháy, nứt nẻ; nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng; con người, gia súc khô cháy vì khát,… Chưa bao giờ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên lại đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt như hiện nay. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát lo lắng, nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài thì không chỉ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bị đe dọa mà cả những cánh rừng cũng đối mặt với nguy cơ cháy bất cứ lúc nào.

Cơ cực vì hạn, mặn

Chia sẻ thông tin với các đối tác phát triển và nhà tài trợ trong cuộc hội thảo ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Việt Nam đang trải qua El Nino kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại. Lượng mưa tại ĐBSCL giảm 20 - 30% so với trung bình nhiều năm. Lượng nước trên sông Mekong chảy về Việt Nam giảm khoảng 50%. Trong tháng 1 và 2, thủy triều dâng cao hơn bình thường nhiều năm nên xảy ra xâm nhập mặn sâu vào đất liền, nhiều nơi vào sâu tới 70-90km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15-20km. “Dự báo, tình hình sẽ còn xấu hơn trong những tháng tới, tháng 3 - 4, lượng nước chảy về trên song Mekong ít nên nước mặn tiếp tục xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Hiện, gần một nửa diện tích ĐBSCL đã bị ảnh hưởng bởi ngập mặn”, ông Phát nói.

Lúa cháy vì hạn, mặn. Ảnh: Thu Hiền (TTXVN).

Theo thống kê, đến nay có 160.000ha lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại, diện tích không thể làm được vụ hè thu hoặc phải thay đổi thời vụ, lùi lại chờ mưa khoảng 500.000ha, tương đương 1/3 diện tích lúa của ĐBSCL. Đã có 204.000 hộ gia đình với khoảng 1 triệu người không có nước ngọt sinh hoạt, phải mua với giá cắt cổ (đơn cử như tại Bến Tre, giá nước ngọt lên đến 60.000 – 80.000 đồng/m3.

Nếu khu vực ĐBSCL đang cơ cực vì xâm nhập mặn thì các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng đang oằn mình chống hạn. Tại Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần Khánh Hòa có tổng số 23.000ha diện tích khuyến cáo nông dân không gieo cấy. Nhiều hồ chứa ở Tây Nguyên đã cạn trơ đáy, hàng chục ngàn hộ dân đang đối mặt với cơn khát khốc liệt nhất trong lịch sử.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thông tin thêm, hiện toàn tỉnh có 14.774ha lúa bị hư hỏng hoàn toàn; 475ha nuôi nghêu, hàu bị ảnh hưởng. Để giải cơn khát, tỉnh tập trung chỉ đạo chở nước bằng xà lan để cấp cho các nhà máy sản xuất thực phẩm, bệnh viện (chủ yếu khoa là chạy thận và khoa dinh dưỡng), trường học có tổ chức học bán trú, khách sạn từ 3 - 4 sao trở lên, công suất cấp nước khoảng 500m3/ngày. “Đối tượng nghèo và cận nghèo đang chịu tác động nhiều nhất trong đợt hạn mặn lịch sử này vì họ không có vốn để đầu tư thiết bị chứa nước. Chúng tôi đang vận động các nguồn vốn xã hội hóa để chia sẻ khó khăn với bà con, đầu tư máy lọc mặn để khắc phục tình trạng thiếu nước trước mắt”, ông Trọng cho biết.

Trong khi đó, tại Ninh Thuận, dung tích các hồ chứa chỉ còn khoảng 25% lượng nước so với dung tích thiết kế, tương ứng với 50 triệu mét khối. Hiện, đã có 2 hồ chứa cạn hết nguồn nước. Ông Trần Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh lo ngại, nếu thời tiết cứ kéo dài như hiện nay thì dự kiến 2 tháng nữa toàn bộ 20 hồ chứa nước trên địa bàn sẽ cạn. Vụ đông xuân 2016, trên địa bàn tỉnh có 6.000ha đất nông nghiệp không có nước sản xuất, dự báo vụ hè thu tới sẽ có 10.000ha sẽ phải dừng không sản xuất.

Tình hình tại Đắk Lắk cũng không khả quan hơn. Dù Đắk Lắk là một trong những tỉnh có nhiều công trình thủy lợi lớn nhất cả nước (770 công trình lớn nhỏ, trong đó có 599 hồ chứa) nhưng hiện nay đã có 68 hồ khô hoàn toàn, dự báo đến cuối tháng 2, con số này là 250 hồ. Dự kiến, đến cuối vụ đông xuân 2016, trên địa bàn tỉnh sẽ có 80.000ha cây trồng bị hạn, trong đó có 70.000ha cà phê, 25.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Điều Bộ trưởng Cao Đức Phát và các địa phương lo ngại là, tình hình hạn hán không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân mà còn đe dọa đến nhiều diện tích rừng khi nguy cơ cháy rất cao. “Đây không phải là biểu hiện của El Nino mà là của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ diễn biến nặng nền hơn, những điều thấy hôm nay sẽ lặp lại thường xuyên và gay gắt hơn trong tương lai”, ông Phát nói.

Nỗ lực tìm giải pháp chống hạn, mặn

Trước tình thế cấp bách này, các địa phương đang huy động mọi nguồn lực để chống hạn, mặn. Trong đó, Ninh Thuận đề nghị các bộ, ngành trung ương và tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ gạo cấp cho nhân dân những vùng 5 vụ qua chưa sản xuất được, nhu cầu khoảng 6.000 tấn với 90.000 khẩu thiếu gạo, chiếm 1/6 dân số toàn tỉnh; hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, đầu tư xây dựng một số công trình cấp nước tập trung; nâng cao năng lực sản xuất cho một số vùng,…

Trong khi đó, thay vì sản xuất 3 vụ lúa, Bến Tre quyết định chuyển sang sản xuất 2 vụ, cố gắng kết thúc vụ sản xuất trước ngày 31-12. Tỉnh quyết định chuyển một số diện tích có nguy cơ làm 2 vụ không ăn chắc để chuyển sang trồng dừa, trồng cỏ nuôi bò… Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chính phủ cần tăng cường biện pháp ngoại giao với các nước khu vực thượng nguồn để có sự thống nhất trong sử dụng nguồn nước sông Mekong”, ông Cao Văn Trọng đề xuất.

 Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trước tình hình phức tạp của hạn, mặn, từ tháng 10/2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã họp trực tuyến với địa phương đưa ra dự báo, hướng dẫn địa phương khuyến cáo nhân dân điều chỉnh sản xuất. Chính phủ cũng cung cấp khoảng 700 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh xây dựng trạm bơm nước ngọt, hệ thống dẫn nước, chở nước đến cho nhân dân, hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng/ha để nhân dân mua giống cho vụ sau. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt; thực hiện phương châm không để người dân nào đói, thống kê hộ dân thiếu lương thực và cấp gạo với định mức 15kg/người/tháng.

Đại diện Văn phòng Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tại Việt Nam đề xuất, cần nhanh chóng đưa ra những giống lúa ngắn ngày, đạt chất lượng, chịu được mặn để đưa vào vụ đông xuân. Hiện, IRRI đã nghiên cứu được một số giống giúp tránh được thiệt hại cho giai đoạn sau, Việt Nam có thể phối hợp để lựa chọn đưa vào cơ cấu giống. Bên cạnh đó, cần xác định vùng nào cần thu hoạch sớm để dùng giống ngắn ngày, nên áp dụng sản xuất hai vụ giống ngắn ngày thay vì 3 vụ dài ngày như trước đây. Ngoài ra, cần có biện pháp quản lý nước hiệu quả. Việc mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh rất quan trọng để nâng cao khả năng chống chịu. IRRI sẵn sàng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT có các giải pháp kỹ thuật để chọn tạo giống cây trồng phục vụ một nền nông nghiệp thông minh.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), ngoài các giải pháp trước mắt, trong kế hoạch dài hơi, Việt Nam cần có kế hoạch sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm để có nền nông nghiệp thông minh. Đồng quan điểm này, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, cần nâng cao hiệu suất sử dụng nước; khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ tưới hiệu quả và tiết kiệm song song với áp dụng các giống cây trồng mới có khả năng chịu hạn, mặn.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, để ứng phó tình hình thiên tai nghiêm trọng tại Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT làm việc với phía Trung Quốc đề nghị phía Trung Quốc xả nước từ các hồ chứa thủy điện để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tùy theo lượng nước xả nhưng nếu phía Trung Quốc thực hiện thì theo tôi tình trạng hạn hán kỷ lục do El Nino và biến đổi khí hậu tại ĐBSCL sẽ đỡ hơn. Cũng không chỉ riêng Việt Nam mà hiện ở các nước trong lưu vực cũng đang bị hạn, nhất là Thái Lan.

 Bộ trưởng Phát cho biết, chúng ta cũng đang phối hợp với Chính phủ Hà Lan và Ngân hàng Thế giới cũng như các nhà tài trợ tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch thủy lợi có tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác, thông qua các quy hoạch đó có thể lựa chọn những dự án ưu tiên đầu tư mà theo cách nói của các chuyên gia quốc tế là “những giải pháp không hối tiếc” trong mọi tình huống cần phải thực hiện.

Công hàm số 128 của Bộ Ngoại giao đề nghị Trung Quốc xả nước từ tháng 3 đến tháng 8/2016, trong đó từ tháng 3 đến tháng 5, mỗi tháng sẽ có 6 đợt xả (gồm 7/3; 21/3; 5/4; 20/4; 4/5; 19/5), mỗi đợt xả liên tục trong 7 ngày, lưu lượng xả đề nghị là 2.300m3/ giây. Ngoài các đợt xả trên, đề nghị vận hành liên tục tối thiểu 40 - 60% số tổ máy. Từ tháng 6 đến tháng 8 sẽ xả liên tục, đề nghị xả theo khả năng nguồn nước đến, lưu lượng xả từ 1.740 – 2.890m3/giây.

Khánh Phương

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top