Đồng bằng sông Cửu Long là “vựa” trái cây của cả nước với nhiều loại đặc sản nổi tiếng. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả, nguyên nhân là do mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo. Việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình an toàn được coi là đòi hỏi cấp thiết.
Nhà vườn cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Nông dân vẫn tự sản tự tiêu
Theo thống kê, năm 2015, Đồng bằng sông Cửu Long có 307.060ha cây ăn trái, chiếm 37,5% diện tích cây ăn trái của cả nước. Các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn trong khu vực là Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp; 10 loại cây ăn trái có diện tích lớn của vùng là chuối, xoài, cam, nhãn, dứa, bưởi, sầu riêng, thanh long, chôm chôm, quýt.
Tuy nhiên, đến nay, phần lớn các loại quả đều tiêu thụ dưới dạng quả chín, tươi sau khi thu hoạch; việc chế biến, phơi sấy, đóng hộp, nước ép, bảo quản nhiều ngày đang mới giai đoạn đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thị trường tiêu thụ trái cây ở trong nước là chính, chiếm 85-90% tổng sản lượng sản xuất; xuất khẩu mới chiếm 10-15%. Tình trạng sản xuất phân tán, manh mún còn phổ biến, diện tích vườn cây có năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp còn chiếm tỷ lệ cao do việc phát triển theo phong trào, không theo quy hoạch; việc đầu tư thâm canh chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật; số lượng, quy cách, chất lượng không đồng đều; khối lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng còn ít. Công tác giống và quản lý cây giống còn nhiều bất cập, nhiều cây giống kém chất lượng, không sạch bệnh vẫn được tiêu thụ trên thị trường, công tác quản lý nhà nước về giống cây lâu năm chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thừa nhận một thực tế: “Việc tổ chức sản xuất cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa thật sự bền vững; mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được hình thành; doanh nghiệp chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chưa đầu tư, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nhà thu mua yêu cầu, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản chậm phát triển, chưa đáp ứng về quy mô, công nghệ; việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận sản xuất theo GAP bước đầu được quan tâm nhưng chưa có hiệu quả trong khai thác, mở rộng thị trường”.
Đơn cử như ở Vĩnh Long, dù đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ như liên kết sản xuất – tiêu thụ bưởi Năm Roi ở Mỹ Hòa (Bình Minh), liên kết sản xuất - thu mua xoài Xiêm núm ở xã Quới An (Vũng Liêm) nhưng kết quả liên kết này còn ở diện hẹp, chưa có nhiều mô hình liên kết đúng nghĩa có tính pháp lý (hợp đồng kinh tế) và sự liên kết chưa thật sự bền vững, vẫn còn ở quy mô nhỏ, sự liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã, thương lái còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau khi gặp biến động thị trường.
Tại Hậu Giang, thời gian qua, tỉnh này tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP như: Chanh không hạt Hậu Giang, bưởi Năm Roi Phú Hữu, khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, cam sành Ngã Bảy, xoài cát Hòa Lộc..., nhưng đến nay, cũng chỉ thực hiện được hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho rất ít nông sản do không có doanh nghiệp đầu tư bao tiêu. Trong việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân, chưa tìm được tiếng nói chung cũng như lợi ích giữa các bên và thường hợp đồng bị phá vỡ khi giá cả nông sản biến động lớn. Ông Vu Suổi ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến (TP Vị Thanh), thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng chuyên trồng khóm (dứa), cho biết, nông dân trồng khóm vẫn ở tình trạng tự tiêu, tự sản. Cho dù trên địa bàn tỉnh đã có nhà máy chế biến khóm xuất khẩu nhưng khi đến mùa rộ, nông dân vẫn phải chạy tìm thương lái bán, hoặc bán cho các chợ lẻ, một ít chở đến cung cấp cho nhà máy chế biến, nhưng phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá khóm bị “ép” xuống thấp.
Liên kết để phát triển bền vững
Theo TS.Nguyễn Hữu Đạt (Hiệp hội Rau quả Việt Nam), giá thành và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhóm quả tươi xuất khẩu hiện nay của Việt Nam là thách thức lớn khi tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, cần phải thực hiện cấp bách một số giải pháp sau để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính: Hợp tác hóa để sản xuất cây ăn quả ở quy mô lớn hơn, nguyên liệu sản xuất ra đồng nhất hơn; rải vụ để có sản phẩm xuất khẩu quanh năm; thực hiện VietGAP (thực hiện trên ý thức tự giác, không cần có chứng nhận tốn kém); chăm sóc cây trồng và thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật, đối với nhãn, vải, xoài, vú sữa xuất đi Mỹ cần bọc trái; liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp xuất khẩu, cung ứng nguyên liệu quả cho doanh nghiệp trung thực và quanh năm theo một mức giá hợp lý thống nhất quanh năm.
Quyết định 1648/QĐ-TT-BNN ngày 17/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam Bộ đến năm 2020 hướng đến mục tiêu hình thành vùng trồng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả theo hướng đảm bảo năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, trên cơ sở đổi mới phương thức tiếp cận thị trường, kết hợp ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, khai thác có hiệu quả lợi thế và điều kiện sinh thái mỗi vùng, mỗi địa phương đối với từng loại cây; quan tâm đến cây ăn quả đặc sản nổi tiếng có lợi thế cạnh tranh cao ở từng địa phương.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Văn Hòa, các địa phương cần vận động nông dân tham gia các hình thức hợp tác liên kết hình thành “tổ chức sản xuất của nông dân” có quy mô phù hợp theo nhiều mức độ như: câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp cổ phần. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với “tổ chức sản xuất của nông dân” theo chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp liên doanh, liên kết trực tiếp với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là khâu bảo quản và tiêu thụ trái cây tươi. Hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, rải vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo phát triển ngành hàng trái cây bền vững. Phát huy hiệu quả, hiệu lực công tác chỉ đạo điều hành của các Tổ trái rải vụ thu hoạch các cây ăn trái chủ lực đã hình thành, xoài (Đồng Tháp là tổ trưởng), chôm chôm (Bến Tre tổ trưởng), sầu riêng (Tiền Giang tổ trưởng), nhãn (Vĩnh Long tổ trưởng). Trên cơ sở định hướng quy hoạch của tỉnh, của vùng, tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện đảm bảo phát triển đúng định hướng, xác định cụ thể diện tích từng loại cây gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, xu hướng tiêu dùng của thị trường; chọn tạo ra giống mới thích ứng với từng vùng, với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường, nhất là những cây đặc sản, nổi tiếng có lợi thế cạnh tranh. “Cục Trồng trọt sẽ tham mưu cho bộ, ngành Trung ương có liên quan để tăng cường liên kết sản xuất, điều hành hiệu quả rải vụ thu hoạch, quản lý tốt quy hoạch phát triển cây ăn quả vùng ĐBSCL. Nhà nước cần có các chính sách phát triển cây ăn quả phù hợp”, ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh: “Hiện nay vấn đề liên kết cực kỳ quan trọng, đây chính là chìa khóa của sản xuất hàng hóa. Còn nếu không liên kết thì các mặt hàng nông sản không thể vươn ra thị trường xuất khẩu được. Để liên kết sản xuất hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, tạo ra năng lực quản trị và nội quy đồng thuận cho các hợp tác xã. Chính quyền là trọng tài rất quan trọng để điều khiển các bên, giúp tỉ lệ thành công cao. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai các mô hình khuyến nông canh tác trái cây an toàn theo quy trình VietGAP, khuyến khích nông dân hình thành các tổ hợp tác để việc sản xuất, tiêu thụ trái cây ngày càng bền vững”.
Năm 2015, sản phẩm trái cây của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt 1,838 tỷ USD, tăng 123% so với năm 2014, và tăng 782,13% so với năm 2005. Đây là năm có kim ngạch xuất khẩu rau quả cao nhất từ trước đến nay. 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 1,385 tỷ USD, tăng 135,5% so với cùng kỳ năm 2015. |
Khánh Nguyên
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.