“Khó khăn rất nhiều nhưng cái quý nhất, lớn nhất của toàn ngành Giao thông - Vận tải hiện nay là đã thay đổi tư duy. Từ chỗ trì trệ, nay đã dám đột phá, đã gắn trách nhiệm với người đứng đầu với chế tài rõ ràng...", Bộ trưởng Bộ GT - VT cho hay.
Mở đường lớn đón sóng đầu tư
Chiến lược “giao thông đi trước mở đường” được thể hiện sinh động tại Bắc Giang nhiều năm qua. Từ năm 2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 113-NQ/TU (viết tắt là Nghị quyết 113) về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 – 2020. Nghị quyết 113 nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trong tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra: “Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Ngay sau đó, Nghị quyết 113 được quán triệt, triển khai thành các dự án, công trình trên thực tế. Trong báo cáo của Tỉnh ủy Bắc Giang sơ kết gần 5 năm thực hiện nghị quyết này vào tháng 3 năm 2021 cho thấy, đây là thời kỳ các công trình, dự án giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ phát triển bùng nổ.
Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thành. Trong đó, toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn đã đưa vào sử dụng từ tháng 1/2020. Tuyến quốc lộ (QL) 37 được đầu tư, cải tạo, mở rộng qua địa bàn huyện Việt Yên, Hiệp Hòa hoàn thành cuối năm 2020. Tuyến QL 17 đoạn nối đường tỉnh (ĐT) 398 - QL 18 hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng năm 2018.
Các đường tỉnh (293, 295, 289, 294, tuyến Đình Trám- Đồng Sơn - QL31, tuyến ĐT 293 - cầu Bến Đám, đường nối QL 37 - xã Trung Sơn - chùa Bổ Đà) và nhiều đường tránh đô thị, đường nội thị… đã đầu tư xong hoặc gấp rút thi công. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đã chủ động lập quy hoạch và đầu tư vành đai IV (Hà Nội) và đưa vào khai thác sử dụng công trình giữa năm 2020.
Giao thông nông thôn là một thành công nổi bật trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các huyện đầu tư cứng hóa được 200 km đường huyện có quy mô cấp 5 trở lên, nâng tỷ lệ cứng hóa đường huyện lên 94,1%. Toàn tỉnh cứng hóa được hơn 180 km đường xã có quy mô cấp VI trở lên, đạt 97,26%. Về đường thôn xóm, có đến 4.300 km (đạt 89,61%) được cứng hóa; trong khi, Nghị quyết 113 chỉ đặt mục tiêu cứng hóa ít nhất 870 km với loại hình này.
Ông Dương Văn Thái, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang đánh giá: “Hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp đã giúp cải thiện đáng kể môi trường đầu tư kinh doanh; tạo động lực quan trọng và đóng góp tích cực thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ vừa qua”.
Tuy đã tập trung tối đa nguồn lực nhưng hạ tầng giao thông của Bắc Giang vẫn được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mạng lưới giao thông còn thiếu ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều tuyến đường quy mô nhỏ hẹp, trong tình trạng quá tải, hư hỏng, xuống cấp chưa được đầu tư. Đặc biệt, hệ thống quốc lộ qua địa bàn (QL 31, QL 37, QL 297) còn rất khó khăn. Giao thông đối ngoại, kết nối với các tỉnh xung quanh còn hạn chế. Giao thông đường thủy, đường sắt, hệ thống bến xe, bãi đỗ xe hầu như chưa có cải thiện…
Để tháo gỡ khó khăn đó, Ban Thường vụ tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Kết luận 55-KL/TU để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 113. Tháng 7/2021, UBND tỉnh Bắc Giang cũng ban hành Kế hoạch số 340/KH-UBND tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, hạ tầng giao thông vẫn được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, trong giai đoạn tới, tỉnh Bắc Giang đặt mục cải tạo nâng cấp 100% đường huyện có mặt đường tối thiểu 6m; 100% đường xã, 90% đường thôn, xóm được cứng hóa.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là phát triển các tuyến đường giao thông mang tính kết nối, mở rộng không gian mới để phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Tỉnh Bắc Giang cũng sẽ quy hoạch các tuyến đường đảm bảo quy mô, cấp đường có tầm nhìn dài hạn, nâng tính kết nối giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị. Tỉnh cũng sẽ mở mới một số tuyến đường nhằm tạo ra không gian phát triển và kết nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh; đề nghị mở rộng cầu Xương Giang, Như Nguyệt (hai điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển của Bắc Giang trên QL 1A); đầu tư vành đai 5 (Hà Nội); nâng cấp QL 31, QL 37, xây dựng cầu Cẩm Lý mới tách khỏi đường sắt. Về giao thông đối nội, Bắc Giang cũng lên quyết tâm hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh.
Các nhiệm vụ này đã được đặt ra trong giai đoạn trước và đang được gấp rút tiến hành. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bắc Giang cuối năm 2021 vừa qua, Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái thông báo, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về hạ tầng giao thông, ông Thái thông báo thông tin tích cực khi Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh dùng ngân sách địa phương đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt để giải quyết nhanh nút thắt về giao thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Tuyến QL 31 cũng được bổ sung đưa vào Kế hoạch trung hạn của Bộ Giao thông vận tải và dự kiến sẽ khởi công trong quý II/2022.
Cũng tại kỳ họp nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đánh giá, các khu công nghiệp, khu đô thị ven trục đường cũ đã kín. Do đó, phải xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch trong thời gian tới để phát triển công nghiệp, đô thị. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư để có các nhà đầu tư lớn đầu tư vào xây dựng các khu dịch vụ tổng hợp, logistic, cảng cạn ICD và cảng thủy nội địa dọc các tuyến cao tốc, tuyến sông để khai thác tối đa lợi thế giao thông đường bộ, giao thông đường thủy phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ xuất nhập khẩu. Tỉnh Bắc Giang cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho thành lập ga liên vận quốc tế đường sắt trên địa bàn tỉnh để khai thác giao thông đường sắt phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa từ Bắc Giang sang Trung Quốc và ngược lại.
Quy hoạch đi trước một bước Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang cho hay, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặc biệt quan tâm các tuyến giao thông đối ngoại, kết nối để tạo động lực phát triển. Sau khi có quy hoạch sẽ xác định và cắm mốc chỉ giới để quản lý, dành quỹ đất để mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông, giảm thiểu chi phí bồi thường và các vấn đề có liên quan đến giải phóng mặt bằng sau này. |
Thủ tướng chỉ đạo đề xuất một số loại thuế nhà đất
Chính phủ mới đây có quyết định 2161/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một trong những mục tiêu của Chiến lược là phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí tài nguyên đất trong phát triển nhà ở.
Đồng thời, phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 27 m2 sàn/người, trong đó: diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26 m2 sàn/người.
Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc phấn đấu đạt khoảng 30 m2 sàn/người, trong đó: diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 28 m2 sàn/người.
Đối với phát triển nhà ở thương mại, khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở chung cư cao tầng hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải thấp góp phần nâng cao chất lượng nhà ở, đảm bảo kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng.
Phát triển đa dạng loại hình sản phẩm nhà ở cho thuê, cho thuê mua, để bán, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp trong đó tăng tỷ trọng nhà ở thương mại có diện tích trung bình và giá cả hợp lý thông qua thị trường bất động sản nhà ở và các chính sách khuyến khích của Nhà nước.
Nhà nước có chính sách đảm bảo việc phân bổ các nguồn lực phát triển nhà ở thông qua cơ chế thị trường, công khai, minh bạch.
Tại Chiến lược trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện xây dựng chương trình phát triển nhà ở của các địa phương; theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Chiến lược để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược theo định kỳ; đề xuất sửa đổi, bổ sung Chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn.
Chủ trì đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xây dựng, phát triển đô thị, pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản phù hợp với định hướng chiến lược phát triển nhà ở và tình hình thực tế; nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển nhà ở; xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ cải thiện nhà ở cho từng nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở.
Chỉ đạo, hướng dẫn, thẩm định Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi được cơ quan có thẩm quyền thông qua và giám sát việc tổ chức thực hiện.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan xây dựng các chương trình mục tiêu, đề án, dự án hỗ trợ, phát triển nhà ở cho từng nhóm đối tượng cụ thể theo thẩm quyền và phân giao trách nhiệm cho các địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển đa dạng nguồn vốn dài hạn dành cho phát triển nhà ở như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và các công cụ tài chính dài hạn khác.
Đáng chú ý, Bộ này cũng được giao nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
Hướng dẫn thực hiện các ưu đãi liên quan đến chính sách tài chính, thuế, tín dụng, chế độ miễn tiền sử dụng đất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quy định chế độ miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các thuế khác liên quan đến hoạt động phát triển nhà ở xã hội.
Liên quan đến vấn đề về thuế bất động sản, trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất đánh thuế rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng”, trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”. Theo HoREA, kể từ năm 2017 thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị... Khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, trắng tay. Nhiều khu đất trở thành hoang hóa. Để giải quyết tình trạng này, HoREA đề xuất với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí "găm giữ" đất, chống đầu cơ đất đai... |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.