Chính phủ Australia vừa quyết định ngừng xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam sau khi một nhóm bảo vệ động vật công bố những hình ảnh cho thấy cảnh giết thịt bò tàn bạo trong các lò mổ ở nước ta.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thẳng thắn thừa nhận, doanh nghiệp (DN) Việt giết mổ tàn bạo như vậy, "bị đình chỉ là đúng quá, oan gì". Ông Dương cho biết thêm, trước đây phía Australia đã từng cảnh báo, nhưng Việt Nam vẫn vi phạm, nên họ "làm thật".Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Australia, ông Laương Thanh Nghị cho biết hiện các cơ quan chức năng Việt Nam đang phối hợp với phía Australia tiến hành điều tra các cơ sở này và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời tiến hành rà soát quy trình của các cơ sở giết mổ khác.
Đại sứ quán đã làm việc với phía Australia về vụ việc này, khẳng định Việt Nam luôn nhận thức tầm quan trọng của việc đối xử nhân đạo với gia súc được thể hiện rõ trong Luật thú y và các quy định của pháp luật khác. Các cơ sở giết mổ được phía Australia chấp thuận đã và đang tuân thủ hết sức nghiêm ngặt quy trình của phía bạn (Escas). Với các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Thiệt cho người tiêu dùng và DN làm đúng
Theo vị lãnh đạo Cục chăn nuôi, động thái trên từ Chính phủ Australia sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) Việt ở lĩnh vực này bị ảnh hưởng lớn, thị trường Việt cũng sẽ chịu khủng hoảng nhẹ. Trước có loại bò nhập từ Thái Lan, qua Campuchia về Việt Nam. Nhưng từ khi có bò Úc thì hạn chế số này đi.
Trong khi đó, Đại sứ Lương Thanh Nghị cho rằng, trước mắt, quyết định của Chính phủ Australia chưa ảnh hưởng nhiều tới xuất nhập khẩu của 2 nước.
Tuy nhiên "nếu tình trạng này tái diễn phía bạn có thể phải tạm dừng xuất khẩu bò sống sang Việt Nam. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho các cơ sở giết mổ chế biến đã được trang bị dây chuyền hiện đại theo tiêu chuẩn và tuân thủ quy trình giết mổ nhân đạo.
Người tiêu dùng Việt Nam và nông dân Australia cũng sẽ chịu thiệt", ông Nghị nhận định.
Hơn nữa, hình ảnh giết bò tàn bạo cũng ảnh hưởng tới hình ảnh Việt Nam trong mắt đối tác, ảnh hưởng tới du lịch và đầu tư nữa.
Đồng tình, ông Dương cho rằng, quyết định của Chính phủ Australia sẽ là tin xấu với những DN chủ yếu nhập bỏ Úc và giết mổ tại Việt Nam, vốn đã đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất. Đây là đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
Không đáng lo ngại ở góc độ quốc gia
Thế nhưng, ở góc độ quốc gia, vị này cho rằng quyết định trên “không gây ra vấn đề gì”.
“Việt Nam cũng không muốn nhập bò Australia về đâu vì chúng ta thừa đầy lợn, gà, còn đang muốn xuất đi không được. Thiếu thịt bò, nhưng mình có sẵn nguồn thịt khác", ông Dương nói.
Lãnh đạo Cục chăn nuôi cũng cho biết, thịt bò không chiếm nhiều trong thói quen tiêu dùng Việt, không phải là thức ăn thường xuyên. Trong khi thịt lợn chiếm 70%, thịt bò chỉ chiếm khoảng 10% lượng thịt tiêu thụ ở Việt Nam. Vì thế, ngay cả khi bò Úc không có mặt ở Việt Nam, theo ông Dương, cũng "không thay đổi nhiều cán cân thực phẩm" của Việt Nam.
Với ngành chăn nuôi, theo ông Dương, vụ việc là bài học nhắc nhở Việt Nam về quản lý giết mổ. Giết mổ cần hướng tới vấn đề vệ sinh và nhân đạo. “Giết mổ không nhân đạo, không hợp vệ sinh thì chẳng nước nào ưa”, ông Dương nêu quan điểm.
Vị này dự đoán trong thời gian tới giá thịt bò sẽ tăng, nhưng đổi lại thịt gà, lợn, các loại gia cầm khác của ta sẽ được bán nhiều hơn.
“Chúng tôi không khuyến khích nhập bò về. Mình là đất nước nông nghiệp, rất mong tự sản xuất mà ăn chứ nhập về không ai hoan nghênh đâu. Hiện nay Việt Nam đã tổ chức chăn nuôi bò khá nhiều nên cũng không đáng lo ngại trước sự việc trên”, ông Dương nhấn mạnh./.