Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 1 năm 2018 | 2:14

Gỡ nút nào để doanh nghiệp phát triển?

Để trả lời câu hỏi mà title bài đặt ra thực sự tốn rất nhiều giấy mực, tuy nhiên, có 2 rào cản lớn nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của doanh nghiệp (DN) là vốn và thể chế. Nếu như vốn là điều kiện cần thì thể chế không chỉ là điều kiện đủ mà còn tiên quyết. Việc dỡ bỏ rào cản, gỡ nút thắt thể chế đòi hỏi hành động cụ thể và nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan thực thi, mà trước hết là từ Chính phủ và các bộ ngành.

Nhiều thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp đã được gỡ bỏ.

Mở nút thắt tín dụng

Thời gian qua, quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn. Tuy nhiên, có không ít DN phản ánh còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Do vậy, việc gỡ “nút thắt” tín dụng ngân hàng sẽ giúp khối DN này có “bạn đồng hành” trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số hơn 600.000 doanh nghiệp hiện nay, 97% là nhóm DN nhỏ và vừa. Trong số này lại có đến 90% là những DN nhỏ và siêu nhỏ. Những khó khăn của DN nhỏ về nguồn vốn luôn là vấn đề bức xúc.

Trong số gần 25% DN nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng mà các số liệu thống kê đang chỉ ra thì số DN siêu nhỏ lọt vào nhóm này gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chia sẻ về những khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay để kinh doanh, bà Hà Thị Thu, Giám đốc một DN chuyên kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ hoạt động trên địa bàn Hà Nội cho biết, việc khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đang rất phổ biến ở hầu hết các DN nhỏ. Thành lập DN từ năm 2010, nhưng nguồn vốn của chị Thu bỏ ra để kinh doanh đều chủ yếu từ nguồn gia đình và vay mượn người thân, bạn bè.

“Mặc dù các ngân hàng hiện nay đã tung nhiều gói sản phẩm ưu đãi hấp dẫn, nhưng sau khi tìm hiểu, thì việc tiếp cận nguồn vốn không hề đơn giản. Một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhưng yêu cầu điều kiện lại khá khắt khe như lập báo cáo tài chính, tài sản thế chấp... nên DN tôi không đáp ứng đủ”, chị Thu chia sẻ.

Còn ông Lâm Văn Chiểu, Phó giám đốc Công ty TNHH Cường Tân thì cho rằng, để thực thi dự án công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, lãi suất vốn vay phải ở mức 5-6%/năm thì DN kinh doanh mới có hiệu quả và mạnh dạn đầu tư.

Nói thêm về những khó khăn của DN, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, hiện nay các DN nhỏ và vừa rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực khiến chất lượng, hiệu quả kinh doanh, cũng như khả năng cạnh tranh không cao. Ngay cả những điểm được coi là lợi thế của khối doanh nghiệp này như: Cần ít vốn, chi phí quản lý, sử dụng nguồn lao động giá rẻ... cũng không còn là lợi thế, thậm chí trở thành bất lợi trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Ông Phạm Văn Vũ, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để tích cực hỗ trợ tín dụng lãi suất hợp lý cho các DN.

Để chung tay tháo gỡ khó khăn cho các DN nhỏ và vừa, mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Công văn 3643/UBND-KT về phối hợp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN và tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.

Theo đó, UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp ngành ngân hàng trên địa bàn đánh giá, nhận diện những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Trên cơ sở đó có giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; đẩy mạnh thực hiện, phát huy hiệu quả hoạt động của các quỹ phát triển, quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa tại địa phương.

“Dưới” chần chừ...

Trước hàng nghìn rào cản, giấy phép con, thủ tục hành chính… các DNTN dù nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, vẫn không có ý định “lớn” do… sợ bị hành. Chính phủ đã thấu hiểu DN hơn, nhưng vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự “chuyển mình”.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, DNTN từ chỗ chưa có danh, bắt đầu chính danh rụt rè và giờ đã được chính danh. Việt Nam có nhiều DN to nhưng đúng nghĩa lớn vẫn chưa có, mà chỉ có một số DN “tập lớn” như: FPT, Viettel, Vinamilk. DN lớn phải có thương hiệu toàn cầu, công nghệ sáng tạo, chi phối được mạng lưới phân phối. Về khó khăn hiện nay mà DN gặp phải, chúng ta mới xử lý được một vấn đề là gia nhập thị trường, còn lại cạnh tranh, chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức thấp nên DN khó có đủ năng lực cạnh tranh, khó tạo động lực.

Việc thành lập Tổ công tác theo dõi, kiểm tra các ngành, các địa phương - một sáng kiến hết sức hữu dụng, cũng mang dấu ấn của nhiệm kỳ đã đạt được kết quả bước đầu rất ấn tượng. 4.500 thủ tục đã xử lý và bãi bỏ; trong 1.100 kiến nghị của doanh nghiệp, đã xử lý được 850 (77,5%). Có đến 75% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng kết quả cải cách đã tích cực.

Phó chủ tịch Hội đồng T.Ư các Hiệp hội DN Việt Nam, Phạm Đình Đoàn chia sẻ, hiện nay, với DN hoạt động kinh doanh tốt, lợi nhuận một năm chỉ 2 - 4%, trong khi theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi phí không chính thức của DN lên tới 6 - 8%. Đây là khó khăn rất lớn đối với DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Với vấn đề này, vai trò của Nhà nước trong việc định hướng các chính sách vĩ mô, tạo điều kiện, hướng đi cho DNTN là rất lớn.

Phó viện trưởng Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, vẫn còn những rào cản chính sách với DN như gánh nặng pháp luật - chi phí tuân thủ; rủi ro pháp lý; an toàn và bảo vệ quyền tài sản… Chúng ta đã có chính sách cạnh tranh và thực thi cạnh tranh bình đẳng, tạo động lực cho DN phát triển như Nghị quyết (NQ) 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (NQ 19)… Tuy nhiên, những nghị quyết này mới chú ý cắt giảm thời gian và chi phí cho DN, còn rủi ro với DN ít được nhắc đến.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ chia sẻ, trong khi Chính phủ thể hiện quyết tâm đồng hành cùng DN thì ở nhiều địa phương chính quyền vẫn cố níu kéo tinh thần bao cấp của tư duy quản lý kiểu cũ, khiến cho kỳ vọng của Thủ tướng chưa đạt được. Rút ngắn thời gian nhưng đi nhiều vòng cũng không có ý nghĩa gì. Trong khi đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi đe dọa tới cộng đồng DN. Nhiều DN nói không muốn lớn vì lớn sẽ bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn, như thanh tra phòng cháy, chữa cháy, môi trường theo quý, theo tháng...

Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cũng cho rằng, hiện nay còn tồn tại mâu thuẫn khi Chính phủ và các cấp ngành địa phương đã hành động nhưng một số bộ, ngành vẫn đề xuất thêm giấy phép con. Chính phủ và các bộ, ngành chưa rà soát lại các thông tư hiện hành. DNTN tha thiết đề nghị Chính phủ và bộ, ngành giải quyết những nút thắt rủi ro chính sách để tháo gỡ cho DNTN. Đất nước đã và đang phát triển nên nếu gỡ bỏ rào cản cho DNTN càng sớm, DNTN càng phát triển.

“Trên” quyết liệt

Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tư nhân thực sự tạo niềm tin cho cộng đồng DN, cho người dân, nhưng phải hành động như thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất. Rào cản về định kiến được xóa bỏ, nhưng chính sách phải được vạch ra ngay lập tức và đó là vai trò quan trọng của một Chính phủ kiến tạo. 

Hai tháng sau nhiệm kỳ mới, tại Hội nghị về cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nói với đại diện các bộ, ngành, chính quyền địa phương rằng, tăng trưởng kinh tế của đất nước là do người dân và DN làm ra. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là ban hành cơ chế chính sách, pháp luật, đặc biệt là kịp thời tháo gỡ cơ chế, chính sách chưa phù hợp tạo thuận lợi cho người dân và DN.

“Thể chế do chúng ta nghĩ ra nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý.” Đây là nỗi trăn trở lớn mà Thủ tướng thường chia sẻ và chỉ đạo mỗi khi chủ trì những hội nghị, buổi làm việc mà các ngành, địa phương còn đang loay hoay tìm hướng ra cho phát triển.

Những số liệu thống kê cho thấy, một lượng công việc khổng lồ dưới sự đôn đốc thường xuyên và quyết liệt của Thủ tướng và Tổ công tác của Chính phủ đã được các bộ, ngành, địa phương ngày đêm giải quyết với nỗ lực và tiến độ cao nhất. 

Trong hơn 1 năm qua, Chính phủ đã ban hành tới 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh; tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cùng với các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất.

Một ví dụ hết sức sinh động, minh chứng cho khẩu hiệu “chuyển lời nói thành hành động” của Thủ tướng trong việc gỡ nút thắt thể chế, xóa bỏ quy định cũ kỹ, kìm kẹp doanh nghiệp diễn ra ngay tại hội nghị “Diên Hồng” lần thứ 2 với DN. Viện dẫn lại những quy định ràng buộc điều kiện kinh doanh chặt chẽ trong điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc than thở: “Ngay cả Boeing nếu muốn đầu tư vào Việt Nam cũng bó tay”. Đúng 3 ngày sau đó, dưới sự chỉ đạo ngay lập tức của Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ phát đi thông tin về việc sửa đổi quy định này.

Sóng sau nối sóng trước, việc xóa bỏ các quy định rườm rà về thủ tục hành chính đã được triển khai đồng loạt ở nhiều bộ, ngành, địa phương với sự ra đời của các trung tâm hành chính công. Qua đó, góp phần giảm thiểu thời gian đi lại và sự phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực: đăng ký kinh doanh, kê khai thuế; tiếp cận các dịch vụ công, hải quan… Theo thống kê, những chi phí này đang có xu hướng giảm nhanh, cụ thể là năm 2015 là 28%, năm 2016 giảm còn 18,8%, năm 2017 và những năm tiếp theo tiếp tục giảm.

Những con số biết nói trên phần nào mang lại nhiều kỳ vọng về sự đổi mới lớn lao hơn trong năm 2018. Vẫn biết kinh tế muốn phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng gỡ được càng nhiều nút thắt thì cơ hội để phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam càng tăng lên bấy nhiêu.

Nguyễn Tố

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top