Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 5 năm 2021 | 15:8

Góc nhìn pháp lý từ việc nhượng bản quyền giống lúa ST25

Liên tiếp thời gian gần đây, gạo ST25 của Việt Nam, sản phẩm được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019, nóng lên bởi thông tin bị đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ và Australia.

t12.jpg
Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống lúa ST25.

 

Ngay sau luồng thông tin bị đăng ký nhãn hiệu, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - “cha đẻ” giống lúa thơm ST25 - bày tỏ mong muốn được nhượng bản quyền giống lúa này cho Nhà nước.

Đây được xem là việc làm chưa có tiền lệ.

Nhượng bản quyền giống

Nói về nhượng bản quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước, ông Hồ Quang Cua cho biết, đây là mong muốn từ lâu của ông, chứ không phải bây giờ nhen nhóm. Lý do ông đưa ra là vấn đề quản lý giống hiện nay rất phức tạp, tình trạng gạo giả, gạo nhái cũng xuất hiện nhiều, là vấn đề nhức nhối không chỉ với doanh nghiệp, nhà nghiên cứu. Chính vì vậy, khi Nhà nước quản lý giống, mọi việc sẽ thuận lợi hơn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu phương án và trình Chính phủ xem xét vấn đề này nếu đây là mong muốn của tác giả Hồ Quang Cua.

“Để giải quyết vấn đề này phải có tờ trình Chính phủ. Mong muốn của ông Hồ Quang Cua là Bộ Nông nghiệp và PTNT sử dụng, tức là Nhà nước sử dụng, qua đó để nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các đơn vị có thể sử dụng bản quyền này thúc đẩy sản xuất gạo ST24 và ST25 trên diện tích rộng hơn và sản lượng lớn hơn phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, ông Tiến nói.

Liên quan đến căn cứ pháp lý bảo đảm về quyền lợi của nhóm tác giả sau khi nhượng quyền cho Nhà nước, ông Tiến làm rõ thêm: Trong Luật Khoa học Công nghệ năm 2013 và Luật Chuyển giao công nghệ quy định rất rõ về trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi của tác giả kèm theo đó là các văn bản hướng dẫn dưới Luật.

“Về giá sẽ có căn cứ pháp lý để định giá, theo quy định trong Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn. Ví dụ như tác giả được bao nhiêu phần trăm, theo Luật Khoa học công nghệ thì tối thiểu không dưới 30%, Luật Chuyển giao công nghệ thì có ủy quyền và phải căn cứ vào nguồn kinh phí để triển khai Đề tài. Nếu là của Nhà nước là vấn đề khác, còn nếu của tư nhân, vấn đề này sẽ được bàn bạc với nhóm các tác giả khi mà có văn bản đề nghị của ông Hồ Quang Cua với Bộ Nông nghiệp và PTNT”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.

Cần có tiêu chí rõ ràng

Gạo là  sản phẩm mang quốc hồn, quốc túy của Việt Nam, gắn bó với đời sống sản xuất và văn hóa ẩm thực của người Việt. Năm 2020, nước ta xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, giá trị 3,07 tỷ USD; là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Chính vì tầm quan trọng của sản phẩm này và với thương hiệu sản phẩm gạo ngon nhất thế giới, ST25 đã góp phần nâng tầm sản phẩm gạo của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới với 15 AFTA thế hệ mới. Tuy nhiên, hiểu biết, vận dụng về luật quốc tế, đặc biệt ở lĩnh vực nông sản, thì chúng ta còn những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, tới đây, quyền bảo hộ, sở hữu của lúa, gạo ST24, ST25 nói riêng và những nông sản khác nói chung, chắc chắn phải có sự hỗ trợ của nhà nước, trong đó có các bộ: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ. Các bộ này sẽ bàn với nhau để hỗ trợ, giải quyết vấn đề thương hiệu, bảo hộ nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, vì đây là việc chưa có tiền lệ, nên việc Nhà nước bỏ tiền ra mua lại quyền sở hữu một loại giống cũng cần phải có tiêu chí rõ ràng. Việt Nam có tới 800.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, mỗi doanh nghiệp lại có tới hàng chục sản phẩm, chưa tính đến việc quản lý, sử dụng các quyền bảo hộ đó ra sao.

Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN (đơn vị nhận ủy quyền đăng ký thương hiệu gạo ST25, ST24 tại thị trường nước ngoài), cho rằng: “Đây là việc rất hay, Nhà nước nên làm như vậy. Đây là bản quyền về giống quốc gia. Việc này giúp dập tắt hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, người dân có thể yên tâm hơn khi có các sản phẩm thật”.

Đại diện Tập đoàn PAN cũng bày tỏ hy vọng sẽ có cơ chế hợp tác liên ngành giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong việc hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu có tiếng và các thương hiệu quốc gia đã được công nhận.

 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Minh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, về quyền đối với giống cây trồng thì có thể chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng, hoặc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng.

Trong đó chủ bằng bảo hộ giống cây trồng chuyển giao toàn bộ quyền đối với giống cây trồng đó cho bên nhận chuyển nhượng.

Bên nhận chuyển nhượng trở thành chủ bằng bảo hộ giống cây trồng kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

Việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được thực hiện bằng hình thức ký hợp đồng hoặc bằng văn bản xác nhận. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng và phải làm thủ tục đăng ký.

“Như vậy về dân sự, người sở hữu quyền đối với giống cây trồng có thể chuyển giao cho một đơn vị sự nghiệp, tổ chức có chức năng nghiên cứu, ứng dụng giống cây trồng thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua hợp đồng”, luật sư Minh cho hay.

Ngoài ra trường hợp hiến, biếu, tặng, cho, chuyển giao khác thì theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản này sẽ được Nhà nước  tiếp nhận và được chuyển thành tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Theo quy định tại các điểm d, đ, Khoản 9, Điều 5, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP thì có thể chuyển giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính hoặc đơn vị được Bộ Tài chính phân cấp; còn chuyển giao cho chính quyền địa phương, thì Sở Tài chính là đơn vị chủ trì.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top