Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 4 năm 2021 | 15:29

Làm gì để không mất thương hiệu gạo ST25?

Trước cảnh báo về việc thương hiệu gạo ST25 ngon nhất, nhì thế giới đã bị doanh nghiệp ngoại nhanh chân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, nguy cơ gạo ST25 bị mất thương hiệu khiến dư luận lo lắng. "Cha đẻ" gạo này cần làm gì để không mất thương hiệu?

9-1200x676.jpg
Gạo ST25 là loại gạo thơm Sóc Trăng được công nhận là loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Thông tin gạo ST24, gạo ST25 đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài "nhanh tay" đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận qua thông tin phản ánh của doanh nghiệp.

Nguy cơ mất thương hiệu

Tra cứu thông tin công khai trên WIPO - cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, hiện có 3 tổ chức, cá nhân có địa chỉ ở Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ liên quan trên sản phẩm gạo ST25. Đó là Ngon Fish Sauce đăng ký bảo hộ "Gao Thom ST25" "Dac san Soc Trang" nộp đơn ngày 22-10-2020; Transworld Foods đăng ký bảo hộ "VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG", nộp đơn ngày 1-9-2020 và John D.Tran đăng ký nhãn hiệu ST25 nộp đơn ngày 18-6-2020. Cả 3 đơn đăng ký bảo hộ trên đều trong trạng thái đang chờ xử lý (pending). Điều này có nghĩa là đến thời điểm hiện tại, chưa có tổ chức, cá nhân nào được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp giấy văn bằng bảo hộ.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đến thời điểm hiện tại, sau khi xác minh thông tin, có thể thấy thương hiệu gạo ST25 đang có nguy cơ bị mất.

Bình luận về việc gạo ST25 bị người ngoài đăng ký bảo hộ tại Mỹ, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam - nói: "Không hề ngạc nhiên! Trong lĩnh vực này luôn luôn phải nhanh, hễ chậm là mất, sơ hở là mất. Chi phí để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Mỹ khoảng 1.000 USD/đơn. Để chắc chắn, doanh nghiệp nào cũng phải đăng ký "bao vây" các nhãn hiệu tương tự như: ST25, ST26, Gạo ngon nhất thế giới 2019… nên chi phí sẽ nhân lên. Ngoài ra, còn phải mua ngay tên miền các nhãn hiệu trên để sử dụng sau này. Đầu tư ban đầu sẽ tốn phí nhưng sẽ rẻ hơn nhiều so với trường hợp bị người khác đăng ký trước. Ngay chính Vinamit cũng từng mất thương hiệu ở nước ngoài và chúng tôi đã phải tốn nhiều năm cùng nhiều tiền của mới đòi lại được" - ông Viên cho biết.

Ông Viên cũng chia sẻ thêm: "Ngay khi gạo ST25 giành giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019, tôi đã đặt vấn đề với tác giả mua lại quyền quản lý thương hiệu gạo ST25 và trả phí cho tác giả theo kilogram lúa gạo bán ra như thông lệ nhưng tác giả không đồng ý. Những vấn đề về phát triển thị trường, thương hiệu cần có người chuyên nghiệp trong khi nhóm tác giả đều là những nhà khoa học. Tôi thật sự tiếc về việc hợp tác không thành công, không chỉ tôi mà những đơn vị chuyên nghiệp khác đã ngỏ lời muốn quản lý thương hiệu gạo ST25" - ông Viên bộc bạch.

Trước đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nêu quan điểm vấn đề bảo vệ thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước cần sự chủ động của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chỉ hỗ trợ thông tin chứ không can thiệp được.

Khẩn trương đăng ký “chính chủ”

Theo luật sư Vũ Xuân Lâm (chuyên về sở hữu trí tuệ), trong trường hợp này chủ sở hữu tại Việt Nam có thể khiếu nại đến USPTO để đề nghị hủy bỏ các đơn đăng ký trên và tiến hành thủ tục đăng ký "chính chủ". "Giai đoạn này xử lý đơn giản và đỡ tốn kém nhất vì khi USPTO đã cấp bảo hộ cho tổ chức, cá nhân khác thì đòi lại rất khó. Để thực hiện, chủ sở hữu gạo ST25 cần chứng minh về việc sử dụng nhãn hiệu, sự nổi tiếng của sản phẩm… Thường thì những vụ việc này luật sư phía Mỹ sẽ xem xét và báo giá chi phí cho chủ sở hữu. Theo kinh nghiệm của tôi, phí tối thiểu là 75.000 USD để khiếu nại 3 tổ chức, cá nhân trên" - luật sư Lâm tiết lộ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực đăng ký nhãn hiệu quốc tế cho biết nguyên tắc của luật pháp Mỹ trong vấn đề sở hữu trí tuệ là ưu tiên cho người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu (first-to-use) chứ không phải người đầu tiên nộp đơn đăng ký như quy định của Việt Nam. Đây là lý do các nhà nhập khẩu gạo ST25 tại Mỹ có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Ngoài ra, trong quá trình xử lý hồ sơ, không phải thông tin luôn được cập nhật trên hệ thống WIPO nên có thể có nhiều hơn 3 tổ chức, cá nhân cùng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên nhưng thông thường sẽ không được cấp bảo hộ trùng nhau.

Ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" bộ giống lúa gạo ST25 nổi tiếng, cho hay ông đã biết được thông tin về việc "đứa con cưng" của mình bị người khác đăng ký bảo hộ tại Mỹ. "Nhưng tôi không làm được gì vì không rành pháp luật về lĩnh vực này. Tôi chỉ tập trung vào chuyên môn của một nhà khoa học về chọn tạo giống lúa" - ông Hồ Quang Cua bày tỏ.

 

st25-161899500977618.jpg
Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống gạo ST25. (Ảnh: Nhật Hồ)

 

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng đã trực tiếp liên hệ với "cha đẻ" bộ giống lúa gạo ST25 Hồ Quang Cua, giới thiệu một số chuyên gia có hiểu biết, năng lực về việc này để có thể giúp anh khẩn trương hoàn thành hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu gạo ST25 với cơ quan Mỹ.

“Hi vọng anh Cua sẽ chủ động, sớm phối hợp cùng các luật sư, chuyên gia để làm hồ sơ, cung cấp bằng chứng chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 để được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này”, ông Vũ Bá Phú nói.

Theo đó, ngay khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã họp khẩn với một số đơn vị liên quan sau khi có thông tin về việc "gạo ST25 có nguy cơ mất thương hiệu". Được biết, quan điểm của Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ tối đa cho ông Hồ Quang Cua, doanh nghiệp để bảo vệ thương hiệu gạo ST25. Dự kiến Bộ NN&PTNT cũng sẽ vào làm việc trực tiếp với ông Cua để giải quyết vụ việc.

Một đại diện Bộ NN&PTNT cho biết sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ (cơ quan quản lý nhà nước về bảo hộ sở hữu trí tuệ) để thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với gạo ST25 và tư vấn cho doanh nghiệp làm bài bản hơn trong thời gian tới.

Bộ NN&PTNT cũng đang theo dõi, nắm bắt thông tin kịp thời ở thị trường Hoa Kỳ và phối hợp cùng với cơ quan tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ (Bộ Công thương) để có tác động kịp thời với các cơ quan đại diện ở Hoa Kỳ về vụ việc liên quan. Hiện các hồ sơ phía Mỹ đang trong trạng thái duyệt, đang kiểm tra, nên chúng ta chưa bị mất thương hiệu gạo ST25. Do đó, việc gấp rút là doanh nghiệp trong nước cần chủ động nhanh nhạy khi còn có cơ hội giữ được thương hiệu của chính mình.

 

logo-rni-films-img-0f8b5b15-5a1a-46d1-9e6b-aff2bc0179de-16079960277301340556022.jpg
Gạo ST25 đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

 

Doanh nghiệp cần chủ động liên kết và bảo vệ thương hiệu

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, từ trường hợp thương hiệu gạo ST25 tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các doanh nghiệp khi đã có định hướng xuất khẩu phải xây dựng chiến lược cho mình. Trong đó có việc xây dựng phát triển thị trường gắn với bảo vệ và bảo hộ, đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu, sản phẩm xuất khẩu, nhãn hiệu thương mại là ưu tiên hàng đầu. Doanh nghiệp cần dành chiến lược và nguồn lực một cách tương xứng và việc này phải hoàn toàn do doanh nghiệp chủ động.

“Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà nghiên cứu, sáng chế cá nhân thì cần chủ động liên kết doanh nghiệp có quy mô lớn, có tiềm lực tài chính để hỗ trợ sản xuất, phân phối sản phẩm, gắn với bảo vệ thương hiệu sản phẩm trên thị trường, tránh nguy cơ bị xâm phạm và đánh cắp thương hiệu”, ông Phú nhấn mạnh.

 

 

 

Thị trường Mỹ chiếm 98%

 

Một báo cáo thống kê mới đây cho thấy trong quý I/2021, Việt Nam đã xuất khẩu 1.900 tấn gạo ST25, vượt xa lượng xuất khẩu của cả năm 2020 (hơn 1.200 tấn). Trong đó, lượng gạo ST25 xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỉ trọng lên đến 98% (năm 2020 chiếm hơn 90%). Thống kê chủng loại gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 cho thấy nếp chiếm tỉ trọng cao nhất với 34%, còn ST25 chiếm tỉ lệ 0,22%./.

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top