Hà Nam: Chủ động diệt chuột đồng, ốc bươu vàng bảo vệ vụ lúa xuân
Bên cạnh các biện pháp chăm sóc lúa xuân, trong giai đoạn này, ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Nam đã yêu cầu các địa phương cần tập trung cho công tác diệt chuột đồng, ốc bươu vàng.
Theo điều tra của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam, ốc bươu vàng với mật độ trung bình đã xuất hiện rải rác, nơi cao từ 3 – 5 con trưởng thành/m2. Riêng ốc con, mật độ tương đối nhiều, tại một số điểm hơn 20 con/m2. Bên cạnh các biện pháp chăm sóc bảo vệ lúa xuân, trong giai đoạn này, ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Nam đã yêu cầu các địa phương cần tập trung cho công tác diệt chuột đồng, ốc bươu vàng.
Chủ động tập trung bắt và diệt ốc bươu vàng(Ảnh minh họa)
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam, trong những ngày qua, thời tiết tương đối thuận lợi cho các địa phương tập trung gieo cấy và kết thúc trong khung thời vụ tốt nhất. Hiện tại các diện tích lúa cấy và gieo thẳng đang sinh trưởng phát triển đồng đều, nhiều địa phương đã kết thúc chăm sóc lúa đợt 1.
Tuy nhiên, theo điều tra của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố, ốc bươu vàng với mật độ trung bình đã xuất hiện rải rác, nơi cao từ 3 – 5 con trưởng thành/m2. Riêng ốc con mật độ tương đối nhiều, tại một số điểm hơn 20 con/m2. Nguyên nhân do nguồn ốc lưu lại từ vụ sản xuất trước lớn, ốc đang tiếp tục hoạt động trở lại sau thời gian ngủ đông.
Với lượng ốc bươu vàng hiện có, khả năng gây hại nặng cho lúa Xuân rất lớn, nhất là lúa gieo thẳng, bình quân một con ốc trưởng thành có thể phá hại 1 m2 lúa trong 1 đêm. Được biết, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã phát động người dân kết hợp làm cỏ sục bùn bắt thủ công số lượng ốc và trứng ốc khoảng gần 46 nghìn kg , đồng thời, phun thuốc diệt trừ ốc được hơn 5.300 ha (chủ yếu là diện tích lúa gieo thẳng).
Thời gian tới, các địa phương, HTX nông nghiệp cần tiếp tục theo dõi nguồn ốc, hoạt động của ốc để phát động, nông dân tự thu gom trên ruộng nhà mình, thu gom tập thể trên mương máng, đây là biện pháp chính để bảo vệ tôm, cá và hệ sinh thái dưới nước. Trong quá trình lấy nước vào ruộng dùng lưới ngăn các chỗ lấy nước để hạn chế ốc từ mương máng vào ruộng. Chỉ đạo phun trừ trên các diện tích lúa thấy ốc bươu vàng gây hại trên 5% số dảnh hoặc các diện tích ốc non nhiều không bắt thủ công được. Sử dụng các loại thuốc theo khuyến cáo của chuyên ngành bảo vệ thực vật, lưu ý khi phun thuốc diệt trừ ốc nên duy trì mực nước trong ruộng dưới 3 cm.
Chủ động bắt và diệt chuột đồng bảo vệ vụ xuân (Ảnh minh họa)
Cũng trong thời gian này, tại một số xã có diện tích lúa gieo cấy sớm, tỷ lệ chuột hại hại trung bình từ 0,3 - 0,5% số dảnh; cao: 2 - 3% số dảnh, cục bộ: 7 - 10% số dảnh. Dự báo thời gian tới, chuột tiếp tục gây hại mạnh trên cây trồng vụ xuân nếu không được phòng trừ kịp thời.
Để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra đối với lúa và diện tích cây màu vụ xuân, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai diệt chuột đồng loạt từ nay đến ngày 15/3, tuỳ theo tình hình cụ thể của từng địa bàn. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng; khoanh vùng, phát động diệt chuột ở những nơi phát hiện thấy vết chân chuột đi lại mới và ở những vùng chuột đang gây hại. Phát động các đợt diệt chuột thủ công trên diện rộng để tiêu diệt nguồn chuột bố mẹ đặc biệt chú trọng các vùng lân cận ven làng, đường to, khu dân cư, trường học, bệnh viện, trạm xá, nghĩa trang...; khuyến cáo dùng thuốc có độ độc mạn tính: Racumin 0.75 TP; Cat 0.25WP; Kle-rat 0,05%...
Đây là đợt diệt chuột trọng tâm, có hiệu quả cao trong vụ. Nếu không thực hiện tốt, các giai đoạn về sau hiệu quả diệt chuột sẽ kém. Cùng với đánh bắt chuột tập trung, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa và bảo vệ cây trồng an toàn, hiệu quả.