Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 3 tháng 4 năm 2021 | 17:43

Hà Nội có nên học thay đổi phương tiện giao thông để hạn chế ô nhiễm môi trường?

Giao thông đô thị là một trong những thách thức hàng đầu của tất cả các đô thị lớn. Điều này, tác động tới môi trường như chất lượng không khí, phát thải khí nhà kính.

53c0c1260760ee3eb771.jpg
Giao thông Hà Nội ùn tắc. (Ảnh minh họa)

 

Giao thông đô thị là một trong những thách thức hàng đầu của tất cả các đô thị lớn. Điều này, tác động tới môi trường như chất lượng không khí, phát thải khí nhà kính; tác động tới kinh tế về sức hút đầu tư của thành phố, lãng phí thời gian di chuyển; tác động tới xã hội cụ thể một số thành phần yếu thế sẽ bị gạt ra ngoài lề của xã hội, chất lượng sống...

Đó là nhấn mạnh của ông Yann Maublanc, chuyên gia Công ty tư vấn Espelia - Pháp) tại Tọa đàm khoa học Tác động môi trường của giao thông đô thị, do Viện nghiên cứu truyền thông phát triển RED (đơn vị thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với tổ chức CFI (cộng hòa Pháp) tổ chức mới đây.

Giao thông ảnh hưởng như thế nào đến môi trường?

Với kinh nghiệm làm việc 20 năm tại Việt Nam và 10 năm tại Sở giao thông vùng Idle-de-France của Pháp, chuyên gia Yann Maublanc đã đưa ra những chia sẻ so sánh giữa Hà Nội và Ile - de - France như: Về tốc độ phát triển về giao thông đô thị của Hà Nội hiện nay bằng tốc độ của vùng này những năm 50,60 của Ile-de-France. Hiện nay, vùng của Pháp đang triển khai các biện pháp giao thông trên mọi mặt đời sống. Từ đó chia sẻ những gợi ý các biện pháp giảm thải ô nhiễm không khí mà vùng Ile-de-France đang thực hiện.

Dẫn chứng về toàn cảnh giao thông Hà Nội, chuyên gia Yann Maublanc cho hay, về mạng lưới giao thông công cộng Hà nội có 125 tuyến xe bus và 2 tuyến metro đang xây dựng (dự kiến hoàn thành vào 2021 đến 2023), 1 tuyến bus nhanh BRT hoạt động từ 2016. Sản lượng hành khách xe buýt: 379. 803 742 lượt/năm (2020).

 

168351671_857382721511175_7839025300516285461_n.jpg
Chuyên gia Yann Maublanc đã đưa ra những chia sẻ so sánh giữa giao thông Hà Nội và Ile - de - France nhằm đưa những gợi ý giải pháp. (Ảnh: Thanh Tâm)

 

Trong khi đó tại Ile-de-France của Pháp có 13 tuyến đường sắt nội vùng (trong đó có 5 tuyến RER), 14 tuyến metro, 10 tuyến tàu điện, 1449 tuyến bus. Sản lượng hành khách toàn hệ thống giao thông công cộng IDF : 8,3 triệu lượt/ngày (2010).

Vị chuyên gia này cũng chỉ rõ rằng, tại Hà Nội mức độ cơ giới hoá và lưu lượng tham gia giao thông rất cao so với tương quan mức sống do chi phí sử dụng xe máy thấp, giao thông khá thuận lợi dù lưu lượng rất lớn và cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Tuy nhiên, lại ít sử dụng giao thông cộng cộng, phương thức di chuyển không sử dụng động cơ còn hạn chế (đặc biệt là đi bộ) và ngày càng nhiều xe hơi khiến giao thông ngày một ùn tắc. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng không khí.

Do đó, theo chuyên gia Yann Maublanc để xây dựng một đô thị với mô hình giao thông bền vững thì đô thị có mật độ dân số càng cao càng dễ đẩy mạnh sử dụng giao thông công cộng và các phương thức di chuyển không sử dụng động cơ nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí.

Vị chuyên gia này dẫn chứng thêm con số đo về lượng phát thải CO2 cho một quãng đường di chuyển 10km của các phương tiện được đưa ra như sau: Ô tô (1 người sử dụng): 1,9kg, xe máy: 1,7kg, tàu điện: 22g, ô tô điện: 198g.

“Hà Nội nên học tập kinh nghiệm bên cạnh việc áp thuế cao với các phương tiện phát thải nhiều khí gây ô nhiễm môi trường song song với việc khuyến khích để người dân đi xe đạp, xe điện thân thiện hơn với môi trường”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Chuyên gia của công ty tư vấn Espelia và cơ quan quản lý giao thông vùng Ile-de (Pháp) cũng phân tích tác hại của bụi mịn, khí thải CO2 tới sức khỏe con người ; Đồng thời so sánh mối tương quan giữa thành phố Hà Nội với vùng Ile-de ( Pháp ) về mật độ dân cư , thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng , điều kiện cơ sở hạ tầng, qua đó chia sẻ những kinh nghiệm để phát triển giao thông đô thị , góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ khí thải giao thông (Chiếm tới 50-60% tác nhân gây ô nhiễm không khí theo nghiên cứu).

Xu hướng sử dụng giao thông công cộng

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện RED bà Trần Khánh Hòa, cho biết, chất lượng không khí là một trong những chủ đề nóng tại Việt Nam và  có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong Toạ đàm này có sự tham gia của chuyên gia Pháp vì họ có cách tiếp cận từ khía cạnh giao thông đô thị tác động lên chất lượng không khí như thế nào. “Tôi cho rằng đây là chủ đề rất có ý nghĩa. Tại Tọa đàm sẽ có nhiều thông tin khoa học bổ ích để truyền thông đến người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này", Phó Viện trưởng Trần Khánh Hòa nhấn mạnh.

 

168196941_2946290232283597_8801130169094535166_n.jpg
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và báo chí tham dự. (Ảnh: Thanh Tâm)

 

Trao đổi tại tọa đàm theo hình thức online từ Pháp, ông Vincent Szaleniec, Cơ quan quản lý giao thông vùng Ile-de-France, Pháp cho biết: Giao thông đô thị của vùng Ile-de-France được xây dựng dựa vào Quy hoạch Giao thông đô thị vùng với bốn mục tiêu chính, bao gồm: xây dựng mô hình giao thông bền vững; tăng sức hấp dẫn của phương tiện giao thông công cộng; phát triển phương tiện không sử dụng động cơ; sử dụng phương tiện cá nhân có động cơ có trách nhiệm hơn. Quy hoạch phát triển tổng thể được thiết kế chạy theo trục giao thông công cộng lớn để người dân sử dụng giao thông công cộng là chính, thay vì phương tiện các nhân. Đồng thời, phát triển đô thị theo các trục giao thông tích hợp được nhiều phân làn cho nhiều loại phương tiện khác nhau.

"Ở góc độ kinh tế, hệ thống giao thông đô thị tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư, cải thiện cuộc sống người dân", ông Vincent Szaleniec cho hay.

Trong giai đoạn 2005-2015 tại vùng Ile-de-France (Pháp), ông Maublanc cho biết, đã giảm 32% phát thải NOx (khí thải nhóm oxit nitơ) do giao thông vận tải, giảm 41% phát thải PM2,5 do giao thông vận tải và giảm 5% phát thải CO2 do giao thông vận tải. Bên cạnh đó, lượng bụi mịn gây tử vong với 50.000 ca/năm tại đây cũng giảm tới 36%.

"Các kết quả có được không phải do giảm lượng xe lưu thông trên đường, mà đến từ việc tăng số lượng xe sử dụng động cơ mới, xe điện", ông Maublanc lạc quan dẫn chứng./.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top