Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 5 năm 2022 | 10:40

Hà Nội công nhận ''Điểm du lịch Phù Đổng'"

Tối 6/5, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Gia Lâm khai mạc Lễ hội Gióng đền Phù Đổng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và đón quyết định công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng”.

z3394740776926_c9d79b10c81c4806d56ba86a33ef834d.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao Quyết định của UBND thành phố công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng”

 

 
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng, biểu tượng cho sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt. Lễ hội được vua Lý Công Uẩn khởi tạo, nhằm tôn vinh trận đánh oai hùng của người con làng Phù Đổng, giúp dẹp tan giặc ngoại xâm phương Bắc. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 7 đến mùng 9/4 âm lịch hằng năm, trong một không gian rộng lớn, với hàng nghìn vai diễn, do chính người dân địa phương đảm nhận, tạo nên một “kịch trường dân gian” sôi động, hấp dẫn, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Với sự đặc sắc và những giá trị lo lớn ấy, Hội Gióng được nhân dân Phù Đổng bảo tồn, trao truyền nguyên vẹn suốt bao đời; được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2010). 
 
Hội Gióng năm nay diễn ra trong 5 ngày, từ 6 đến 10/5 (tức ngày mùng 6 - 10/4 Âm lịch) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và nhiều điểm du lịch trong vùng. Lễ hội bao gồm nhiều nghi lễ truyền thống như: Ngoại đàn, tế Thánh, lễ rước khám đường, rước nước, kén tướng…, trong đó, ngày chính hội (mùng 9/4 âm lịch) sẽ diễn ra hội trận truyền thống, tái hiện cảnh Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân.
 
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo TP. Hà Nội , Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã trao Quyết định của UBND thành phố công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng”. Ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng chú trọng phát huy truyền thống đoàn kết; chủ động, sáng tạo, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; tập trung phát triển kinh tế gắn với quy hoạch xây dựng đô thị; chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương; quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội trên địa bàn, trong đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị to lớn của Hội Gióng, xây dựng các tour tuyến, điểm du lịch xã Phù Đổng kết nối với các tour tuyến du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng như các địa phương lân cận.
35062ccd6ad1508b3b33bf49522e0c63.jpg
Cổng đền Phù Đổng
 
Đền Phù Đổng còn được gọi là đền Thượng, tương truyền được dựng trên nền nhà cũ của Thánh Gióng, bên trong đê sông Đuống, còn đền Hạ (đền mẫu) thờ mẹ của Thánh Gióng nằm ngoài đê, gần nơi được cho là có dấu chân khổng lồ mà bà đã ướm thử rồi sinh ra Thánh Gióng. Năm 1010 khi rời đô về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho dựng đền, đến nay đã được trùng tu nhiều lần.
 

Kiến trúc còn lại của đền Gióng gồm nhiều công trình trên một diện tích rộng. Tam quan đền khá lớn, trên có gác, mở thêm hai cửa nhỏ hai bên, trên bậc thềm là hai con rồng đá, tạc vào năm 1705. Trước cổng là một sân rộng, nhìn sang một thủy đình ở giữa một hồ nước, cạnh một gốc đa cổ thụ. Thủy đình là nơi diễn ra các trò chơi dân gian và múa rối nước.

Đôi câu đối trước cổng đền viết:

Thiết mã khóa vân cung, tuấn nhạc, liên quan thiên cổ ngưỡng
Thạch long kiều thủy các, sùng từ uy vọng ức niên khâm
(Ngựa sắt vượt cung mây, núi cao rạng rỡ ánh thiêng, ngàn năm nhìn ngắm
Rồng đá chầu gác nước, đền lớn nguy nga vẻ đẹp, muôn thuở tôn sùng)

Sau cổng chính là một phương đình tám mái, dưới chân còn hai con sư tử đá. Tiếp đến là tiền đường rộng là nơi cử hành các nghi lễ. Nhà thiêu hương bày đồ nghi trượng, tiếp đến là hậu cung. Trong hậu cung có tượng Thánh Gióng và các tướng hộ vệ, cũng là nơi giữ các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Trong hậu cung cũng giữ một đôi chóe sứ là cổ vật, chỉ dùng trong dịp lễ hội. Bậc thềm của hậu cung còn giữ được những viên gạch chạm rồng, được cho là có từ đời Lý.

Trong đền còn có một bia đá dựng năm 1660. Phía sau đền có một giếng nước trong, gọi là giếng Ngọc.

Từ cổng vào, bên phải của khu đền chính còn các nhà việc, dành cho những người đến dự lễ hội, chia ra các ban tế của các xã xung quanh.

Bên trái của đền là chùa Kiến Sơ.

Hội Gióng ở đền Phù Đổng cùng đền Sóc (ngôi đền thờ Thánh Gióng ở Sóc Sơn) đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 16/11/2010 tại Nairobi (Kenia). Hai ngôi đền: Phù Đổng và đền Sóc là hai nơi chính diễn ra Hội Gióng hằng năm.

 

 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top