Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội, nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, thành phố dành hơn 370 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo.
Theo đó, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng LLVTND; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh; Bệnh binh loại B; Người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; Người hoạt động trước cách mạng từ ngày 01/01/1945 (Lão thành cách mạng); Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (Tiền khởi nghĩa); Người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng; Đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sỹ; Thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy được hưởng mức quà tặng bằng tiền mặt trị giá 1 triệu đồng/người.
Đối tượng là con đẻ người hoạt động khánh chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng trợ cấp hàng tháng; Đại diện gia tộc thờ cúng liệt sỹ (01 liệt sỹ/01 suất quà); Quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 đang được trợ cấp hàng thàng; Cán bộ chiến sỹ CAND tham gia kháng chiếnchống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong CAND đã thôi việc xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 52/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 đang được trợ cấp hàng tháng; Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo QĐ 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 đang hưởng trợ cấp hàng tháng được hưởng mức quà bằng tiền mặt có giá trị 500.000 đồng/người.
Mức quà tặng bằng tiền mặt có giá trị 300.000 đồng/người cho các đối tượng như: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Gia đình thuộc diện hộ nghèo.
Mức quà tặng chúc thọ mừng thọ người cao tuổi bằng tiền mặt có giá trị 1.200.000 đồng/người trên 100 tuổi (sinh trước năm 1921); Mức 1.500.000 đồng/người (đã bao gồm 5m vải lụa) cho người cao tuổi tròn 100 tuổi (sinh năm 1921); Mức 1.000.000 đồng/người cho người cao tuổi tròn 90, 95 tuổi (sinh năm 1931, 1926); Mức tặng quà 700.000 đồng/người cho người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85 (sinh năm 1951, 1946,1941, 1936).
Mức quà tặng bằng tiền mặt 500.000 đồng/người cho các đối tượng là người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Theo đề xuất của Liên đoàn lao động TP Hà Nội đề xuất 5.000 xuất quà (tăng 2000 xuất so với năm 2019); Nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (theo đề xuất của Hội Cựu TNXP Thành phố).
Ngoài ra, Hà Nội tổ chức tặng quà cho 84 đơn vị nuôi dưỡng; điều dưỡng; đối tượng người có công; chính sách xã hội tập trung; các đơn vị tiêu biểu của thương binh; người tàn tật; Câu lạc bộ Thăng long; Đại diện Ban liên lạc chiến sỹ tù đầy Hà Nội; Hội nạn nhân chất độc da cam..., mỗi xuất quà trị giá từ 4 triệu đến 16 triệu đồng, với số tiền 510,5 triệu đồng.
Tặng 150 xuất quà cho các cá nhân tiêu biểu, mỗi suất quà trị giá 2,5 triệu đồng với kinh phí 375 triệu đồng.
Thời gian tặng quà cho các đối tượng được thực hiện trước ngày 1/2/2021 (trước ngày 23/12 âm lịch).
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội, kinh phí làm quà tặng cho các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 được trích từ nguồn ngân sách của Nhà nước, bên cạnh đó còn có những nguồn hỗ trợ khác được các quận, huyện, thị xã vận động xã hội hóa làm quà tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Đánh giá về công tác chuẩn bị tặng quà cho các đôi tượng nhân dịp Têt Nguyên đán, ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng Ban TT Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, đây là một trong những hoạt động thường niên của Hà Nội đối với các đối tượng chính sách, Sở LĐTB&XH được giao là đơn vị tham mưu và xây dựng kế hoạch tặng quà cho các đối tượng, việc Sở LĐTB&XH hoàn thành sớm kế hoạch là việc làm hết sức cần thiết để các đơn vị triển khai việc tặng quà, đây thể hiện sự quan tâm, tri ân của thành phố đối với các đối tượng chính sách mỗi khi Tết đến Xuân về.
Bên cạnh đó, ông Học cũng cho biết thêm, ngoài nguồn kinh phí của nhà nước, nguồn xã hội hóa còn có nguồn vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp trên từng quận, huyện, thị xã hay tổ dân phố, với mục đích chia sẻ và động viên các đối tượng chính sách, đây là một hoạt động rất nhân văn.
Việc triển khai tặng quà sớm là tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách có điều kiện để chuẩn bị cho việc đón Tết Nguyên đán vui vẻ, hạnh phúc.
Ông Học cũng đề nghị các cơ quan báo chí phản ánh về việc tặng quà này của Hà Nội cho các đối tượng và phản ánh tâm tư nguyện vọng của các đối tượng để thành phố có chính sách phù hợp hơn nữa.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tổ chức các đoàn đi thăm và chúc Tết các đối tượng chính sách tiêu biểu, các đơn vị trên địa bàn thành phố.
Ngọc Thủy